Sản phẩm

Wi-Fi lên 25 tuổi và chặng đường tiếp theo

(PCWorldVN) Qua 25 tồn tại và phát triển, chuẩn Wi-Fi đầu tiên cho phép tốc độ truyền dữ liệu chỉ đạt 2Mb/s. Còn ngày nay, chuẩn Wi-Fi mới nhất có tốc độ nhanh hơn 3.500 lần, lên đến 7Gb/s.

Năm 1997, lần đầu tiên công nghệ kết nối không dây Wi-Fi xuất hiện trên thị trường phiên bản đầu tiên. Năm đó Netscape là trình duyệt web phổ biến nhất, và cũng là năm Microsoft cứu Apple khỏi bờ vực phá sản. Đến nay, sau 18 năm, Wi-Fi trở thành chuẩn không dây phổ biến và tổ chức chuẩn không dây IEEE 802.11 lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Đây là đơn vị đã mang Wi-Fi và nâng cấp các phiên bản Wi-Fi ngày càng tốt hơn đến cho người dùng, giúp chúng ta có thể xem phim độ nét cao, truy cập mạng xã hội… ngay trên thiết bị di động của mình. 

Chuẩn công nghệ không dây IEEE 802.11 có chặng đường phát triển từ lâu. Lần đầu tiên nhóm IEEE hội họp vào tháng 9 năm 1990. Dữ liệu mà chuẩn Wi-Fi đầu tiên cho phép chỉ đạt 2Mb/s. Còn ngày nay, chuẩn Wi-Fi mới nhất có tốc độ nhanh hơn 3.500 lần, lên đến 7Gb/s. Theo Dorothy Stanley, phó chủ tịch của IEEE 802.11 Working Group, cũng là kiến trúc sư mạng kỳ cựu tại Aruba Networks, đã cho IEEE Spectrum cái nhìn tương lai về chuẩn Wi-Fi mà cả thế giới sử dụng ngày nay. PC World Vietnam trích dịch.

Mục tiêu của nhóm 802.11 Working Group cách nay 25 năm so với mục tiêu hiện nay có gì khác nhau?

Về mục tiêu lâu dài của nhóm thì cách nay 25 năm và hiện nay không có gì khác nhau. Chúng tôi đưa công nghệ mới vào chuẩn 802.11 để cải thiện băng thông, dung lượng và tầm phủ sóng. Đến nay, công nghệ Wi-Fi đã tiến bộ hơn nhiều so với trước. Các chuẩn cũ có tốc độ chỉ 1-2Mb/s rất thấp, sau đó đạt đến 11Mb/s, rồi đến 54Mb/s, rồi đến hàng trăm Mb/s và nay đến tầm Gb/s. Tác động của công nghệ này đã đáp ứng được những mong đợi của người sử dụng.

Tác động lớn nhất của Wi-Fi lên đời sống là gì?

Đến nay, công nghệ 802.11 được sử dụng trên toàn cầu và là một tiện ích cơ sở hạ tầng được nhiều nơi triển khai và ứng dụng nghiêm túc. Giới trẻ ngày nay luôn luôn muốn có sóng Wi-Fi ở bất kỳ đâu họ tới. Bởi vì các gói dữ liệu di động rất hạn chế nên người dùng luôn tìm Wi-Fi và họ xem Wi-Fi là một nhu cầu thực sự.

Chuẩn 802.11 là ví dụ rõ nét về cách thức mà công nghệ biến đổi cuộc sống chúng ta, giúp con người truy cập dữ liệu và thông tin theo cách thuận tiện và tiết kiệm chi phí nhất. 802.11 là trường hợp đầu tiên của công nghệ không dây tác động hiệu quả đến số đông người dùng. Bất kỳ ai cũng có thể tạo một mạng không dây, không cần giấy phép, không cần thông qua nhà cung cấp dịch vụ hoặc nhờ vả bất kỳ ai. Bạn có thể tạo mạng Wi-Fi phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc công việc.



Chuẩn Wi-Fi sắp tới có gì mới?

Chuẩn Wi-Fi sắp tới sẽ là 802.11ad, với tần số hoạt động ở 60GHz. Nâng tần số lên 60GHz về mặt kỹ thuật khó hơn rất nhiều so với mức tần số 2,4GHz hoặc 5GHz. Những sản phẩm Wi-Fi hoạt động ở 60GHz sẽ sớm xuất hiện trên thị trường, có thể vào năm 2016, 2017 hoặc lâu hơn. 60GHz sẽ trở thành dải tần cho mọi loại ứng dụng tầm phủ ngắn, như chỉ phủ sóng trong 1 gian phòng, hoặc cho các thiết bị docking (đế cắm sản phẩm) hoặc ứng dụng video. Các chuẩn 60GHz hiện thời cho tốc độ truyền dữ liệu đến 7Gb/s. Chuẩn 60GHz tiếp theo sẽ là 802.11ay, sẽ đạt tốc độ đến 20Gb/s. Đây thực sự là mức băng thông siêu cao.

Một chuẩn khác mà IEEE đang nghiên cứu là 802.11ax dành cho hệ thống mạng nội bộ không dây hiệu năng cao. Chuẩn này hướng đến phục vụ cho các môi trường rộng, có nhiều người kết nối như trong sân vận động, trung tâm mua sắm, trạm xe điện…

Một chuẩn khác mà IEEE cũng làm việc là 802.11az, được thiết kế cho các ứng dụng định vị khi dùng trên các mạng không dây. Nếu sử dụng công nghệ mạng này, các chức năng định vị sẽ hiệu quả hơn, rất phù hợp với thiết bị GPS dùng định vị trong nhà.

Còn chuẩn Wi-Fi 802.11ah dành cho thiết bị Internet of Things thì sao?

IoT hơi khác so với các ứng dụng truy cập Internet thông thường khác, bởi vì bạn không quan tâm nhiều đến băng thông dành cho chúng, nhưng bạn lại quan tâm hơn về tầm phủ sóng và hiệu quả về điện năng hơn. 802.11ah có giao thức và những chỉnh sửa để hoạt động ở tần số gần đạt 1GHz (chính xác là ở 900MHz). Với dải tần dưới 1GHz, hiện nay còn rất ít dải tần trống. Tuỳ từng quốc gia mà cách phân bổ dải tần dưới 1GHz sẽ khác nhau, không như tần số 2,4GHz được cả thế giới thống nhất cho Wi-Fi. Do vậy, IEEE phải làm việc với các nhà vận hành dải tần, nhất là ở Châu Âu, để phân bổ dải tần cụ thể cho chuẩn mới này.

Với chuẩn này, tốc độ dữ liệu chỉ đạt hàng trăm Kb/s, không đạt được mức Mb/s. Nhưng bởi vì chuẩn hoạt động ở tần số thấp hơn nên có độ phủ sóng rộng hơn, có thể lên đến 1km. Đối với những ứng dụng IoT được thiết lập như mạng mắt lưới, phủ rộng một vùng thì độ phủ Wi-Fi 1km là rất phù hợp. Nhiều ứng dụng tiêu dùng đã hỗ trợ chuẩn 802.11ah như đèn chiếu sáng, lò sưởi tự động…

Tại sao IEEE 802.11 Working Group đạt được thành công trong 25 năm qua? Và tương lai của nhóm sẽ như thế nào?

Thành công của nhóm chính là nhận thức của cộng đồng và của doanh nghiệp trên toàn cầu. Ích lợi mà nhóm mang lại là bất kỳ ai cũng được sử dụng Wi-Fi, bạn không phải khai báo việc sử dụng với chính phủ và người dùng, từ người dùng phổ thông cho đến các viện nghiên cứu, luôn phản hồi thông tin có ích cho nhóm để cải thiện chuẩn Wi-Fi. Thành công của chuẩn 802.11 nói chung không chỉ nằm ở những người phát triển chúng, mà còn ở mọi kỹ sư ở các doanh nghiệp tạo sản phẩm dựa trên chuẩn này, và khách hàng mua sản phẩm đó.

Cũng không chỉ có những doanh nghiệp hỗ trợ IEEE hoàn thiện các chuẩn Wi-Fi mà còn nhờ vào người dùng cuối và toàn thế giới truy cập Internet. Mục tiêu của IEEE là đảm bảo cho các chuẩn 802.11 luôn ở đó, là một công nghệ mạng hiệu quả mà bất kỳ ai có thể sử dụng để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

PC World VN, 10/2015

PCWorld

chuẩn Wi-Fi, công nghệ Wi-Fi, mạng không dây, mạng wi-fi, Wi-Fi, Wi-Fi lên 25 tuổi


© 2021 FAP
  2,577,092       1/1,303