(PCWorldVN) Dù có giá trị kỷ lục 67 tỷ USD, nhưng dường như thương vụ sáp nhập giữa Dell và EMC không làm thay đổi bức tranh thị trường công nghệ.
Thương vụ sáp nhập với giá kỷ lục 67 tỷ USD của làng công nghệ đã được Dell chính thức công bố hôm 12/10. Nếu được sự chấp thuận của các cổ đông, dự kiến vào giữa năm sau EMC sẽ thuộc về Dell và tạo nên một công ty công nghệ tư nhân khổng lồ.
Tuy vậy, theo nhiều nhà phân tích, thương vụ sáp nhập khủng này không mấy ảnh hưởng tới thị trường công nghệ, như khi Oracle thâu tóm Sun Microsystems, hay HP mua lại Compaq, bản thân Compaq trước đó đã “nuốt” Digital Equipment Corp. là các thương vụ thâu tóm giữa những đối thủ cạnh trạnh trực tiếp.
Michael Dell (bên phải) và CEO Joe Tucci của EMC. |
Khách hàng Dell đang mua sản phẩm của EMC. Trong khi đó, hai công ty đang có sự giao thoa nhau ở một số dòng sản phẩm, và Dell còn là nhà phân phối chính các sản phẩm của EMC.
Vậy, sau khi Dell hợp nhất EMC thì sẽ tác động thế nào đến thị trường lưu trữ, người dùng, các nhà cung cấp lớn và nhân viên của hai công ty. Dưới là phân tích của trang Computerword về những điều đó.
Tác động tới thị trường lưu trữ
EMC và Dell có mối quan hệ khăng khít. Hằng năm, EMC kiếm được khoảng 8% - 9% trên tổng doanh thu từ quan hệ với Dell. Về phía Dell, quan hệ đối tác với EMC đem lại 50% doanh thu cho mảng kinh doanh lưu trữ, trong đó có tới 90% đến từ dòng lưu trữ mạng SAN (Storage Area Network) tầm trung Clariion của EMC và 10% còn lại từ các hệ thống cao cấp.
Tuy nhiên, Dell ngày càng bán ra thị trường nhiều hệ thống lưu trữ cao cấp hơn, còn EMC thì mở rộng cả ra những dòng sản phẩm cấp thấp, dần dần tạo ra sự cạnh tranh giữa hai người khổng lồ công nghệ. Trước khi chấm dứt hợp tác vào năm 2011, Dell đã đầu tư hơn 2 tỷ USD để mở rộng các dòng sản phẩm lưu trữ của mình, tập trung nhắm vào các trung tâm dữ liệu ảo hóa và đám mây lưu trữ.
Tiềm năng cắt giảm nhân sự với cả EMC và Dell
Chưa rõ tình hình sa thải lao động của hai công ty sẽ diễn biến như thế nào. Tính đến cuối năm ngoái, EMC có 70.000 nhân viên, còn Dell có khoảng 110.000 nhân viên trước khi chuyển thành công ty tư nhân vào cuối năm 2013.
Trong cuộc họp báo qua điện thoại về thương vụ sáp nhập này, Michael Dell không phủ nhận việc sẽ phải sa thải một số lao động. Ông không đề cập chi tiết nhưng nói rằng có những công ty công nghệ khác cũng phải thực hiện như vậy, có lẽ là ám chỉ tới kế hoạch đã công bố của HP về cắt giảm khoảng 30.000 trong số 300.000 lao động hiện có của công ty.
Tác động tới khách hàng của Dell và EMC
Michael Dell cho rằng khách hàng muốn những sản phẩm dễ tích hợp, và sự sáp nhập này tạo cho công ty những cơ hội to lớn để cung cấp đồng thời các công nghệ và tích hợp cùng nhau cho khách hàng.
Thương vụ sáp nhập Dell-EMC tạo cho Dell vị thế là nhà cung cấp lưu trữ lớn nhất thế giới, theo chuyên gia phân tích Crawford Del Prete của IDC. Ông cũng cho rằng khách hàng có nhiều lựa chọn giải pháp lưu trữ hơn bao giờ hết, bao gồm cả các dịch vụ dựa trên mây, bởi các dòng sản phẩm của Dell và EMC phần lớn là bổ sung cho nhau.
Có được EMC, Dell có lẽ sẽ có quyền định giá hơn, nhưng các đối thủ lớn như Oracle, HP và IBM cũng có những sản phẩm hấp dẫn thực sự, và khách hàng vẫn có nhiều lựa chọn, Del Prete nói.
Về phần mình, VMware vẫn là công ty niêm yết đại chúng và hoạt động độc lập, nhưng Dell sẽ nắm quyền kiểm soát. Còn có tin đồn Dell cũng đang dự tính mua Citrix, một đối thủ cạnh tranh với VMware, dù vậy Michael Dell đã không đề cập đến vấn đề này trong cuộc họp. Nhưng ông nhấn mạnh mối quan hệ vững chắc của công ty mình với Microsoft, qua đó tạo ra một nền tảng ảo hóa cạnh tranh, và không có lý do gì để nghi ngờ điều này sẽ thay đổi.
Tác động tới HP và IBM
Trong khi Dell tiến hành phi vụ thâu tóm EMC để tạo nên một công ty khổng lồ, thì HP lại chia tách thành hai công ty riêng biệt, một công ty chuyên cung cấp giải pháp doanh nghiệp và một công ty kinh doanh PC.
Các nhà phân tích tin rằng Dell và EMC hợp nhất là tin xấu cho HP. Có được EMC, Dell cải thiện khả năng cạnh tranh vượt ra ngoài thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẵn sàng cạnh tranh với các ông lớn như HP, Cisco, IBM trên thị trường doanh nghiệp cao cấp.
Dell đang trở thành người khổng lồ nhưng vẫn linh hoạt với mô hình công ty tư nhân, trong khi đó người khổng lồ HP đã phải chia tách để thu nhỏ. IBM thì đang phát triển theo chiến lược tập trung đầu tư vào nền tảng phần mềm và trí tuệ nhân tạo.
Dell, EMC, sáp nhập