(PCWorldVN) Card đồ họa mới hiệu năng cao tỏa nhiều nhiệt và phương thức tản nhiệt bằng quạt dường như không đủ làm mát. Vậy tại sao bạn không thử cách hiệu quả hơn là làm mát cho card đồ họa bằng chất lỏng.
Các chuyên gia về phần cứng PC cho biết, những mẫu chip xử lý đồ họa hiệu năng cao (high-performance GPU) hiện nay có mức tỏa nhiệt gấp hai đến 3 lần so với các bộ xử lý cao cấp (high-end CPU). Điều này gây ra không ít phiền toái cho người dùng, nhất là với giới game thủ và dân chuyên nghiệp chuyên xử lý đồ họa, dựng phim vì quạt tản nhiệt sẽ quay với tốc độ cao để giải phóng hơi nóng khiến cho môi trường làm việc rất ồn. Đó là chưa kể đến việc khi công suất của quạt không đủ thì sẽ khiến cho card đồ họa bị “chết” đột ngột do quá nóng.
Có một cách để giải quyết vấn đề này là: dùng nước để tản nhiệt mà theo giới chuyên nghiệp gọi là “giải nhiệt bằng chất lỏng”. Với cách này, card đồ họa sẽ luôn được làm mát an toàn và bạn sẽ không còn lo ngại về việc quạt tản nhiệt gây ồn ào nữa.
Vấn đề còn lại là phương thức làm mát tùy chỉnh bằng chất lỏng không hề dễ dàng với người dùng thông thường và chi phí cũng không rẻ, nếu so với cách tản nhiệt bằng quạt. Chẳng hạn, một bộ tản nhiệt nước của EK Water Blocks tiêu tốn của bạn hơn 100 USD, đó là chưa kể chi phí cho các thứ bổ trợ khác như máy bơm, bộ dẫn nhiệt bổ sung… Tóm lại, tản nhiệt bằng chất lỏng cho card đồ họa có thể sẽ tốn nhiều chi phí, nếu chịu đầu tư thì tổng số tiền cho bộ phận này có thể bằng hoặc hơn giá của card VGA đang dùng.
Mẫu card đồ họa Maingear Epic Force sử dụng tản nhiệt bằng nước để làm mát cho 4 GPU và hệ thống máy tính cũng ít ồn hơn khi vận hành. |
Thay vì lựa chọn làm mát bằng chất lỏng trọn bộ, bạn có thể sử dụng các bộ tản nhiệt làm sẵn hay các cụm làm mát bằng nước khép kín bán ngoài thị trường. Ví dụ, hãng NZXT cung cấp bộ chuyển đổi đa năng G10 để bạn có thể sử dụng cho các bộ làm mát khép kín, hay hãng Arctic cũng bán ra trọn bộ làm mát rất dễ lắp ráp để bạn tự trang bị cho card đồ họa của mình.
Giống như NZXT, Corsair cũng cung cấp một bộ khung (bracket) để sử dụng cho các bộ tản nhiệt của mình. Bài viết này sẽ minh họa trên bộ bracket Hydro Series HG10 A1 của Corsair. Bộ khung bằng kim loại này có mức giá khá mềm (35 USD) và có thể sử dụng được với đa số các bộ tản nhiệt của Corsair.
Cách lắp ráp
Triết lý thiết kế HG10 A1 của Corsair khá thân thiện với môi trường. Chẳng hạn khi bạn nâng cấp bộ tản nhiệt cho CPU thì sau đó có thể tận dụng bộ tản nhiệt cũ cho card đồ họa với khung HG10 A1. Mặc dù có thiết kế đa năng để có thể sử dụng được với nhiều card đồ họa, nhưng có một số mẫu card có thiết kế đặc biệt của Asus, Gigabyte, MSI không tương thích với bộ khung này.
Việc lắp đặt khá đơn giản, bạn có thể thực hiện hoàn tất quá trình bổ sung tản nhiệt bằng nước cho GPU trong vòng 20 phút với các bước sau:
Bước 1: Mở ốc cố định khung tản nhiệt
Trước tiên, bạn hãy tắt máy tính và gỡ card đồ họa ra khỏi khe cắm. Nếu cần, bạn có thể vệ sinh cho card được sạch sẽ. Tiếp đó, bạn phải tháo 4 con ốc bên dưới khu vực cố định khung tản nhiệt cho GPU. Bước này bạn cần thao tác cẩn thận vì rất nhiều chi tiết trên bo mạch, chỉ cần trượt nhẹ tua-vít là có thể sẽ làm hỏng card đồ họa.
Tháo 4 con ốc bên dưới khung cố định bộ tản nhiệt bên dưới card đồ họa. |
Bạn cần chọn đúng cỡ tua-vít để không làm tưa ốc, chẳng hạn để mở bộ khung của card Radeon R9 290, bạn phải dùng tua-vít có đầu cỡ 12. Ngoài ra, bạn nên dùng nam châm hoặc ly trà để cất các con ốc này vì chúng rất dễ bị mất.
Mở khung bảo vệ quạt của card đồ họa. |
Sau khi tháo hết các con ốc, bạn hãy cẩn thận tách các thành phần ra. Lưu ý rằng nếu đã mở đủ các con ốc thì việc tách ra rất dễ dàng, nếu cảm thấy khó khăn thì bạn hãy kiểm tra lại thật kỹ xem có còn con ốc nào không. Tuyệt đối không được cạy, nạy mạnh tay vì rất dễ gây gãy bảng mạch điện của card đồ họa.
Cẩn thận tách rời các bộ phận của card đồ họa ra và nhớ bảo quản các con ốc kỹ lưỡng. |
Bước 3: Tháo quạt ra khỏi khung bảo vệ
Sau khi tách rời các bộ phận của card đồ họa ra khỏi bảng mạch PCB, bước tiếp theo bạn cần tháo khung bảo vệ quạt tản nhiệt ra. Bạn cần làm bước này vì khung Corsair cần dùng đến quạt cũ này. Để làm điều này, bạn cần tháo khoảng 6 con ốc nhỏ xung quanh khung quạt và cẩn thận tách khung ra. Tiếp theo, bạn gỡ quạt ra khỏi khung và lật ra sau để gỡ 3 con ốc cố định quạt nữa là xong.
Tách quạt ra khỏi khung để sử dụng lại cho khung tản nhiệt bằng nước mới. |
Bước 4: Lắp quạt vào khung tản nhiệt mới
Bước này bạn dùng chính 3 con ốc vừa tháo ở bước trên để gắn quạt vào khung tản nhiệt bằng nước Corsair mới. Bạn cũng cần bố trí dây nguồn của quạt sao cho hợp lý để không chiếm nhiều không gian trong khung tản nhiệt và dễ cắm vào mainboard sau này.
Quạt cũ của card Radeon đã được gắn vào khung tản nhiệt Corsair HG10 A1. |
Gắn 4 ốc chân đế để cố định bộ làm mát mới. |
Sau khi hoàn tất, bạn hãy tháo các mẩu băng keo dán trên khung Corsair trước khi gắn bộ tản nhiệt vào.
Bước cuối cùng: Lắp bộ làm mát bằng nước
Bây giờ bạn hãy gắn bộ tản nhiệt vào bảng mạch của card đồ họa. Một lần nữa, bạn hãy kiểm tra lại xem các miếng băng keo dán trên khung Corsair đã tháo ra hết chưa, hãy chắc chắn rằng chúng đã được gỡ ra hết trước khi lắp vào bo mạch chính.
Gắn bộ làm mát vào bo mạch của card đồ họa. |
Cuối cùng, bạn cẩn thận gắn bộ làm mát bằng nước vào bo mạch và siết các con ốc cố định lại nữa là xong. Lưu ý là vì bộ làm mát này có các đường ống dẫn chất lỏng nên bạn cần cẩn thận và thao tác nhẹ tay. Bạn cũng nên tra thêm keo tản nhiệt cho GPU để quá trình giải nhiệt được hiệu quả hơn, và trước khi tra keo mới, bạn hãy lau thật sạch keo cũ.
Tản nhiệt bằng nước trên card đồ họa Radeon R9 290. |
Sau khi gắn ốc, tra keo tản nhiệt, bạn hãy thực hiện bước cuối cùng là gắn card vào mainboard nữa là xong. Bước này bạn cần đưa ra cách bố trí hộp đựng nước, đường dẫn sao cho hợp lý và tránh chạm vào các linh kiện khác của máy tính.
Như vậy là bạn đã hoàn tất quá trình lắp tản nhiệt bằng nước cho máy tính của mình. Bước tiếp theo hãy kiểm tra xem chúng đã phát huy tác dụng chưa.
Kiểm tra kết quả
Sau khi gắn card vào máy tính, bạn hãy khởi động vào hệ điều hành để kiểm tra xem bộ tản nhiệt bằng chất lỏng đã phát huy tác dụng chưa. Trong trường hợp thử nghiệm của bài viết này, hệ thống được trang bị bộ xử lý Core i7-6700K Skylake, bộ nhớ RAM 16GB DDR4/2666 và ổ lưu trữ Kingston HyperX Predator SSD và hệ điều hành Windows 8.1.
Thử nghiệm công cụ “stress test” Furmark (http://www.ozone3d.net/benchmarks/fur) để kiểm tra tính ổn định khi hệ thống chạy hết khả năng cho thấy máy chạy êm hơn. Quạt tản nhiệt quay với tốc độ thấp hơn nhiều so với trước khi gắn tản nhiệt nước. Nhiệt độ của GPU đạt mức cao nhất là 94 độ C trong phép thử với Furmark, trong khi đó, nhiệt độ của nước vận hành trong bộ tản nhiệt đạt mức 56 độ C. Khi máy đạt nhiệt độ cao nhất, quạt tản nhiệt cũng bắt đầu quay mạnh nhưng không quá ồn như lúc trước khi gắn tản nhiệt bằng chất lỏng.
card đồ hoạ, giải nhiệt bằng chất lỏng, giải nhiệt card đồ họa