(PCWorldVN) Big Data đang là chủ đề nóng trong giới công nghệ. Tuy nhiên, ít người nghĩ rằng phân tích Big Data có thể đã được thực hiện từ thời chiến tranh lạnh.
Khi chiến tranh lạnh sắp kết thúc với sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 10/1989, những người ở tổng hành dinh của CIA ở Langley, Virginia, hy vọng có thể giải được những câu đố khó giải trong nhiều năm. Điều quan trọng nhất trong số đó là vì sao các điệp viên có vỏ bọc rất kín của họ ở khắp nơi trên thế giới bị KGB phát hiện một cách dễ dàng.
Từ giữa thập niên 70, James Angleton, người đứng đầu cơ quan phản gián Mỹ đã bị ám ảnh bởi những thất bại và trở nên nghi ngờ cấp dưới, trì hoãn khen thưởng và thăng chức cho họ, thậm chí làm hỏng sự nghiệp của một số người.
Mối nghi ngờ đó đã liên tục duy trì trong nhiều năm, đặc biệt là dưới thời của Bruce Bagley. Lập luận của họ rất đơn giản. Làm thế nào mà những thảm họa lại xảy ra đều đặn như vậy, nếu không phải là do nội gián của Liên Xô?
Cách đặt vấn đề như thế đã đánh thấp trí tuệ của tình báo Xô viết. Yuri Totrov, một tình báo Liên Xô nổi danh ở Viễn Đông từ những năm 1950 nhờ việc xác định chính xác những nhân viên của CIA giả danh sỹ quan quân đội Mỹ ở Nhật Bản, đã được gán cho biệt danh là giám đốc nhân sự ngầm của CIA. Khi chiến tranh lạnh kết thúc, một sĩ quan cao cấp và rất giàu kinh nghiệm đã được cử đến Nhật Bản để tìm Totrov và biếu ông một khoản tiền tiền lớn để moi "hồi ký".
Totrov hỏi ngược lại: "Các bạn không đọc hồ sơ của tôi tại Langley à?"
Ảnh minh họa. |
Vậy Totrov đã làm thế nào để lập được danh sách các nhân viên CIA mà không cần truy cập vào các tập tin gốc hay nhờ người khác góp nhặt lại? Cách tiếp cận của ông là sự kết hợp thông minh của hiểu biết sâu sắc hành vi của con người, các hiểu biết chung và logic chặt chẽ. Từ cuối những năm 1950, trong các điệp vụ của Liên Xô tại Thái Lan và sau đó là Nhật Bản, hai nước nằm sâu trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ, Totrov lần đầu tiên áp dụng phương pháp của mình để xác định các sĩ quan tình báo Mỹ.
Quay trở lại Matxcơva, ông bắt đầu rà soát một cách có hệ thống các hồ sơ lưu trữ của KGB để tìm ra các mô hình phù hợp để phát hiện điệp viên của CIA. Nghiên cứu này đã được mở rộng để xem xét các hồ sơ của các đồng minh của KGB, của Cuba và các nước tham gia Hiệp ước Vác-xa-va. Các nguồn tài liệu mở của Hoa Kỳ cũng được khai thác triệt để. Kể cả những nguồn dữ liệu của cảnh sát địa phương, nếu có thể truy cập, cũng được tận dụng.
Totrov đã tìm ra 26 dấu hiệu không thay đổi để xác định các sĩ quan tình báo Mỹ ở nước ngoài. Các chỉ số khác có tính chất tầm thường hơn, có thể được phát hiện nhờ sự cảnh giác của cơ quan phản gián, thì thường ít khi lặp lại: các sĩ quan CIA thay thế nhau có xu hướng được bố trí vào vị trí tương tự trong sứ quán, lái cùng một loại xe, thuê những căn hộ giống nhau,.... Tại sao? Vì bộ phận nhân sự tại Langley bố trí và thay đổi nhân sự ở nước ngoài một cách rất lười biếng.
Các chỉ số bất biến đòi hỏi sự nghiên cứu sâu hơn, dựa vào phương thức hoạt động đã tồn tại từ lâu của chính phủ Mỹ - kết quả của hợp tác không hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao và cơ quan tình báo.
Một trong những cách phát hiện nhanh chóng là xem xét sự khác biệt trong cách đối xử với các điệp viên đóng vai nhân viên ngoại giao và những nhân viên ngoại giao thực thụ như mức lương ban đầu của nhân viên CIA cao hơn nhiều; sau 3-4 năm ở nước ngoài một nhân viên ngoại giao chính cống có thể trở về nhà, trong khi nhân viên CIA thì không được phép làm như vậy; các nhân viên ngoại giao thực thụ phải được tuyển chọn trong độ tuổi từ 21 đến 31, trong khi điều này không áp dụng đối với một điệp viên;
Bên cạnh đó, chỉ những nhân viên ngoại giao thực mới phải tham dự khóa đào tạo của Viện Ngoại giao (Institute of Foreign Service) ba tháng trước khi tham gia phục vụ; những người nhập tịch Mỹ không thể trở thành nhân viên ngoại giao trong ít nhất chín năm đầu, nhưng họ có thể trở thành nhân viên tình báo; khi nhân viên tình báo trở về nước, họ thường không xuất hiện trong danh sách của Bộ Ngoại giao mà được phân loại như nhân viên nghiên cứu và lập kế hoạch, nghiên cứu và tình báo, lãnh sự hoặc cố vấn an ninh; không giống như nhân viên ngoại giao thông thường, nhân viên tình báo (trong vỏ bọc ngoại giao) có thể thay đổi nơi làm việc của họ không có lý do rõ ràng; tiểu sử được công bố của họ có những khoảng trống rõ ràng; nhân viên tình báo có thể được thay đổi địa bản trong phạm vi quốc gia mà họ được cử tới nhưng nhân viên ngoại giao thực sự thì không; các nhân viên tình báo thường biết nhiều hơn một ngoại ngữ; vỏ bọc của nhân viên tình báo thường là quan chức "chính trị" hay lãnh sự (hay phó lãnh sự).
Ngoài ra, việc thay đổi cơ cấu tổ chức sứ quán nội bộ thường không ảnh hưởng tới các nhân viên tình báo: từ vị trí của họ, văn phòng cho tới điện thoại của họ; văn phòng của nhân viên tình báo nằm trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt trong các sứ quán; các nhân viên tình báo xuất hiện trên đường phố trong giờ làm việc, gọi điện bằng hộp điện thoại công cộng; nhân viên tình báo bố trí các cuộc gặp vào buổi tối ở ngoài thành phố, thường là khoảng 7:30 hoặc 8:00 tối; và trong khi nhân viên ngoại giao phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt về việc tham dự bữa ăn tối thì nhân viên tình báo có thể đến và đi bất cứ lúc nào họ muốn.
Việc Totrov có thể lập danh sách các nhân viên CIA và các sĩ quan tình báo khác với độ dày của cuốn niêm giám điện thoại để nộp cho giám đốc KGB Yuri Andropov đã thể hiện rõ cho khiếm khuyết của cấu trúc bên trong chính phủ Mỹ và các mối quan hệ giữa các cơ quan chịu trách nhiệm về công tác đối ngoại của họ.
An ninh mạng, Big Data, CIA, Edward Snowden, hacker, Nga, tình báo