(PCWorldVN) AMD vừa phát hành card đồ họa Radeon R9 Fury X và APU hàng đầu của mình, và chúng ta thử 'nhét' cả hai vào trong một PC tí hon để kiểm tra hiệu năng.
AMD đã có phần cứng chủ bài mới và bạn không cần phải dùng đến thùng máy "khủng" mới khai thác được những ngôi sao tốc độ này.
Card đồ họa cực mạnh và tân kỳ nhất của AMD - Radeon R9 Fury X đã ra mắt người hâm mộ Việt Nam vào tháng Bảy vừa qua (thị trường Mỹ là tháng Sáu). Cũng trong thời gian này, AMD còn ra mắt bộ xử lý tăng tốc (APU) hàng đầu của mình là A10-7870K với tốc độ xung của nhân CPU nhanh nhất từ trước đến giờ (3,9GHz) trong những APU mà AMD đã công bố.
Tuy những card đồ họa cao cấp như Fury X sẽ chạy cặp tốt nhất với những bộ xử lý nhanh nhất, Radeon Fury X với công nghệ HBM (high bandwidth memory – bộ nhớ băng thông rộng) mang lại một vài khả năng lý thú nhờ kích thước nhỏ gọn của nó. Nếu không tính bộ làm mát bằng chất lỏng của nó thì Fury X chỉ dài khoảng 19,5cm nghĩa là ngắn hơn hẵn hầu hết những card đồ họa cao cấp thường dài hơn 25cm. Nhờ vậy nó là ứng viên sáng giá cho những hệ thống nhỏ gọn có thể chứa cả bộ làm mát của card đồ họa này. Trong khi đó, APU mới nhất của AMD nổi bật về mức tiêu thụ điện năng thấp là một ưu thế khác.
Dù hiệu năng tương đối cao, AMD Radeon R9 Fury X có kích thước nhỏ gọn hơn hẳn card đồ họa cao cấp thông thường. |
Lưu ý: Radeon R9 Fury Nano vừa ra mắt trong tháng Chín vừa qua, là card đồ họa dài hơn 15cm một ít với đặc điểm nổi bật là có chung Fiji GPU tiêu thụ điện năng thấp như của Fury X, hứa hẹn có thể lắp vào những thùng máy chật chội hơn và không gặp phải vấn đề do bộ tản nhiệt chất lỏng gây ra như của Fury X.
Hầu như tất cả đều AMD
BXL dành cho máy tính để bàn của Intel có thể thống trị những cấu hình chơi game cao cấp nhưng AMD vẫn đủ sức cạnh tranh trên thị trường tầm trung. Dĩ nhiên, hiện có trên thị trường những bộ xử lý của Intel nhanh hơn hẳn A10-7870K, nghĩa là bài viết này không khẳng định rằng mọi người sẽ nên sử dụng cấu hình lắp ráp như đề cập, mà chỉ đơn giản muốn thử nghiệm xem mọi chuyện sẽ như thế nào nếu chúng ta "nhồi nhét" card đồ họa nhanh nhất của AMD vào thùng máy mini-ITX cùng với APU mới nhất và nhanh nhất cũng của AMD.
Linh kiện để ráp như sau (giá chỉ có tính tham khảo, lấy theo thị trường Mỹ):
Nếu không tính hệ điều hành, tổng chi phí phần cứng chỉ chưa đến 1.200 USD; nếu dùng bản Windows 10 thì bạn sẽ tốn thêm khoảng 100 USD.
Sự ra mắt của A10-7870K và Radeon R9 Fury X là nguồn cảm hứng cho chiếc máy tính này, quả là một cặp đôi. Để có thể lắp APU và GPU này, nhóm thử nghiệm (NTN) cần bo mạch chủ (BMC) dạng mini-ITX có đế cắm và khe cắm đúng loại. Bo mạch chủ MSI A68HI AC nền chipset AMD A68H đã được chọn, giá 80 USD vừa đẹp.
Để phù hợp với bo mạch chủ cũng như giữ nguyên chất AMD, NTN cũng chọn bộ nhớ RAM kênh đôi 16GB AMD Radeon Performance Series DDR3-2133 và đĩa cứng SSD AMD Radeon R7 240GB, cả hai đều có giá khoảng 100 USD.
AMD không sản xuất bất kỳ thùng máy hay bộ nguồn nào, vì thế NTN chọn sản phẩm của Thermaltake và Corsair. Thermaltake Core V1 là một trong rất ít thùng máy mini-ITX có thể chứa cả thiết bị làm mát bằng chất lỏng và card đồ họa khe cắm đôi, Core V1 được chọn. Core V1 cũng tình cờ có giá rất thỏa đáng.
Thùng máy Thermaltake Core V1 |
Đối với bộ nguồn (PSU), NTN chọn Corsair CX600, rất gọn, giá phải chăng và sẽ thừa sức đáp ứng cho một hệ thống như thế này. Một vài người có thể chê bai ý tưởng dùng bộ nguồn 600W để cấp nguồn cho GPU hàng đầu và APU bốn nhân, 3,9GHz nhưng rồi bạn sẽ thấy là bộ nguồn này vẫn chạy chưa hết công suất.
Lắp mọi thứ với nhau
Quá trình lắp ráp diễn ra trơn tru không chút trục trặc là điều vốn không phải luôn làm được khi lắp ráp các máy tính dạng mini-ITX. Mọi linh kiện "ăn tông" với nhau đến không ngờ và đáng ngạc nghiên là thùng máy Thermaltake Core V1 có thể chứa tất dù vẻ ngoài của nó trông hơi nhỏ.
APU và bộ tản nhiệt của nó, bộ nhớ phù hợp với BMC MSI A68HI AC, mặt khác thùng máy vẫn còn nhiều không gian cho PSU và cáp nối nhờ kết cấu đơn thể của Corsair CX600. Tất cả linh kiện quan trọng như bộ xử lý, bộ nhớ, card đồ họa, cáp nguồn v.v. đều được ráp vào nhẹ nhàng chỉ theo một chiều và được khóa lại vì thế khi đã ráp xong thì bạn rất khó tháo một món nào ra.
Lắp BMC này vào thùng máy cũng dễ dàng như với những cấu hình mini-ITX. Với những thùng máy lớn hơn, bạn thường phải lắp những ốc nâng độ cao phù hợp cho BMC. Tuy nhiên, với dạng mini-ITX chuẩn thì bạn chỉ chú ý để lắp mọi thứ vào những vị trí đã được thiết kế sẵn và theo thứ tự nghiêm ngặt, vì thế bạn hãy hết sức lưu ý và nhớ bắt cố định an toàn mọi thứ bằng tuốc vit 4 chấu.
A10-7870K và bộ nhớ AMD Radeon 16GB được lắp vào bo mạch chủ MSI A68HI AC mini-ITX. |
Thermaltake Core V1 có những khay chứa đĩa đặt dọc tương thích với cả ổ 2,5-inch và 3,5-inch; NTN dùng cho đĩa cứng AMD Radeon R7 SSD.
Chỉ có Fury X là cần phải "biến tấu" một chút khi lắp. Gắn card này vào khe cắm duy nhất trên BMC hoàn toàn không có vấn đề gì, nhưng bạn phải cẩn thận trong việc đi dây để bảo đảm các ống cấp lạnh không bị xoắn sau khi gắn bộ tản nhiệt vào vị trí phù hợp của nó trên thùng máy.
Việc gắn bộ tản nhiệt cũng gặp phải một vấn đề khác. Chiếc quạt lớn, hướng ra mặt trước của Thermaltake Core V1 được thiết kế để lấy khí tươi vào. Trong khi đó quạt của Fury X lại được thiết kế để thải khí nóng. Vì bộ tản nhiệt cần phải gắn ở mặt trước của thùng máy nên hai chiếc quạt này vô hình chung sẽ triệt tiêu tác dụng của nhau – quạt của Fury X thì cố thổi khí nóng ra sẽ chống lại luồng khí mát đi vào từ quạt hút chính của thùng máy.
Thùng máy Thermaltake Core V1 có hai khay chứa ổ đĩa cho phép người dùng gắn dọc đĩa cứng, vuông góc với đáy thùng máy. |
Để giải quyết vấn đề này, NTN có hai lựa chọn: đảo ngược quạt của Fury X hay đảo ngược quạt mặt trước của thùng máy, làm sao cho hai quạt này bổ sung cho nhau để tạo thành cấu hình đẩy-hút. NTN chọn cách đảo ngược quạt của thùng máy nhằm tránh để luồng khí nóng từ bộ tản nhiệt của GPU không thổi ngang qua BMC và APU.
Kích thước cơ bản của hệ thống này chỉ 17cm vuông và cao dưới 10cm. |
Cách lắp đặt này vận hành tốt nhưng lại làm nảy sinh trục trặc thứ 3. Với những chiếc quạt được thiết kế để thoát khí khỏi thùng máy thì những lỗ thông hơi hai bên thùng trở thành chỗ hút khí vào mà chúng lại không có lưới lọc bụi. Chắc chắn bụi sẽ nhanh chóng đóng lớp trên các linh kiện, nhất là nếu máy đặt trên nền nhà có lót thảm. Nếu card tản nhiệt bằng không khí thì sẽ không gặp phải vấn đề này.
Bạn phải cẩn thận luồn lách các ống làm mát cũng như ráp lại quạt trước của thùng máy sao cho Radeon R9 Fury X nằm gọn trong Thermaltake Core V1. |
Những con số
Một khi hệ thống được ráp xong, NTN cài Windows 10 Pro x64 và chạy một số phần mềm đo các chỉ tiêu để kiểm tra hiệu năng của mọi thứ, kết quả khá tốt.
Trong các phép đo tăng tốc trên OpenCL ở tiêu chuẩn "Home" và "Work", hệ thống này đạt số điểm tương ứng là 3.215 và 3.824 là những kết quả rất đáng nể. Trong phép đo CPU bằng Cinebench R15, hệ thống đạt 325 điểm, mức nằm giữa Core i5-4670K và Core i5-3317U nhưng nhanh hơn chút ít so với A10-6800K. Trong đo kiểm card đồ họa OpenGL của Cinebench, hệ thống đạt 71,15 khung hình/giây (fps).
Không có gì bất ngờ khi hệ thống cũng đạt hiệu năng tốt đối với những thử nghiệm nặng về đồ họa. Trong thử nghiệm bằng 3DMark Firestrike Ultra ở độ phân giải 4K, hệ thống thuần AMD này đạt điểm tổng thể là 3.607, với điểm của GPU là 3.936 và điểm xử lý đồ họa (Physic) là 4.497 (14,28fps). Để hình dung bạn có thể so sánh với kết quả đo của hệ thống chạy trên nền Core i7-5960X “Haswell-E” có điểm tổng thể là 3.981. Trong phép đo Unigine Heaven, cũng chạy ở 4K với cấu hình xử lý đa giác (Tessellations) và 4XAA ở mức tối đa, hệ thống đạt 569 điểm với tốc độ khung hình trung bình là 22,6fps (tối thiểu: 6,5fps và tối đa: 48,8fps).
Trong khi chạy tất cả các phép đo, NTN cũng theo dõi mức tiêu thụ điện năng của hệ thống. Ở tình trạng không tải, hệ thống chỉ "nhấp môi" điện ở mức 55w. Khi CPU tải nặng, mức tiêu thụ điện nhảy lên 153w và rồi 192w khi GPU tải nặng. Khi cả APU và GPU đều bị vắt kiệt sức thì mức tiêu thụ điện năng nằm trong khoảng 382 đến 414w.
Nhìn chung, NTN khá hài lòng với kết quả thử nghiệm của hệ thống này. Với Windows 10, APU tương đối nhanh, GPU mạnh như Fury X kết hợp với bộ nhớ và lưu trữ tốc độ, cỗ máy thuần AMD này thực sự rất mạnh mẽ.
AMD, APU, card đồ họa, DIY, lắp ráp máy tính, máy tính cá nhân, Radeon R9 Fury X