Sản phẩm

5 xu hướng tiềm năng của thực tế ảo

(PCWorldVN) Những ngành công nghiệp và dịch vụ kinh doanh đang làm mờ ranh giới giữa thực và ảo

Thực tế ảo – virtual reality (VR), mặc dù phát triển khá sớm nhưng đến nay vẫn đang được coi là nằm trong giai đoạn đầu. Ứng dụng thực tế ảo có thể được sử dụng trong hàng loạt ngành công nghiệp từ bán lẻ, thực phẩm cho đến phục vụ các game thủ. Theo dự báo mới nhất từ hãng nghiên cứu ABI Research, các thiết bị thực tế ảo dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) từ năm 2014 tới năm 2020 có thể đạt 128%, cán mốc 43 triệu đơn vị vào năm 2020.  Và trọng tâm của các thiết bị tương tác thực tế ảo sẽ tập trung vào ngành công nghiệp và các doanh nghiệp trên thị trường chứ không đơn giản chỉ phục vụ một số nhu cầu nhỏ lẻ như hiện nay. 

Dưới đây là cách mà 5 ngành công nghiệp sẽ sử dụng VR trong tương lai để tăng giá trị, doanh thu và làm hài lòng khách hàng của họ.

Ngành bán lẻ
Một trong những rủi ro của khách hàng khi mua hàng trực tuyến là không xác định được chính xác kích thước. Việc đổi trả hàng trở thành cơn ác mộng trong vận chuyển, làm chi phí đơn hàng tăng lên đối với người bán, khiến lợi nhuận giảm mạnh. Ngay cả khi bạn ghé vào một gian hàng offline ở ngoài thì quá trình đổi trả cũng là một mớ hỗn độn của các thủ tục và thời gian đi lại.

Sử dụng một phòng thử kỹ thuật số là giải pháp được kì vọng trong tương lai. Các nhà bán lẻ như Rebecca Minkoff đang cố gắn hoàn thiện công nghệ ảo để giải quyết bài toán tiến thoái lưỡng nan như đã đề cập trên. Và từ đó phòng thử đồ công nghệ cao ra đời, các cửa hàng thiết lập những tấm gương cảm ứng cho phép người mua có thể khoác lên mình những chiếc áo hay quần để biết chắc nó có phù hợp với mình hay không.

Gương kĩ thuật số giúp tiết kiệm thời gian thử đồ.

Đối với các gian hàng trực tuyến thì người tiêu dùng đã quen dần với việc lựa chọn sản phẩm mà họ muốn nhưng không hẳn lúc nào điều đó cũng chính xác. Việc đưa giải pháp công nghệ gương thông minh vào cửa hàng có thể tạo ra những trải nghiệm mới mang đến sự thuận tiện và  tính cá nhân hóa hơn cho người mua sắm.

Hãng thời trang North Face còn dành hẳn khu vực bên trong cửa hàng ở New York cho việc trải nghiệm công nghệ VR, đưa người tiêu dùng của mình đến những nơi mà họ chưa từng đặt chân đến thông qua môi trường thực tế ảo. North Face kỳ vọng công nghệ này sẽ khơi dậy đam mê của những người ưa thích hoạt động ngoài trời, đối tượng khách hàng tiềm năng của nhãn hàng này.

Trải nghiệm tại gian hàng North Face

Phòng thử đồ đã trở thành một điểm đến mới dành cho các nhà sản xuất công nghệ cao. Microsoft muốn biến dòng sản phẩm Kinect của mình trở thành một phụ kiện VR để có thể phục vụ người  mua hàng tại nhà. Sức mạnh tương tác bằng hình ảnh hiện được coi là yếu tố quyết định cho tỷ lệ chuyển đổi (biến một người mua sắm tiềm năng trở thành khách hàng trả tiền). Người tiêu dùng luôn cảm thấy khó khăn trong việc quyết định mua hàng bởi họ không biết nó có phù hợp với mình hay không. Nghiên cứu cho thấy rằng, nếu người mua sắm vào phòng thử đồ tại các nhà bán lẻ offline thì tỉ lệ chuyển đổi là 67% trở thành khách hàng trả tiền. Một số nhà bán lẻ đã bắt đầu sử dụng các phương pháp thực tế ảo nhằm xóa mờ đi khoảng cách giữa cửa hàng online và offline.

Nhiếp ảnh
Thực tế ảo có thể là điểm nhấn mới cho các nhiếp ảnh gia tài năng khi bằng công nghệ này họ có thể giúp người xem có những trải nghiệm mới thông qua cách nhập vai vào khung hình. Trong bối cảnh Internet ngày càng phức tạp thì với một tấm ảnh quá phẳng sẽ khó để truyền đạt ý nghĩa đích thực của nghệ thuật và kích thước chính xác.

Hình ảnh toàn cảnh của một địa điểm

Sự độc đáo là cần thiết hơn bao giờ hết trong lĩnh vực nhiếp ảnh, và VR là xu hướng mới để tiếp cận. Ví dụ như bộ ảnh về Triều Tiên của nhiếp ảnh gia Aram Pan sử dụng hệ thống máy ảnh và ống kính để tạo ra những hình ảnh 360 độ. Những khung hình được chụp riêng lẻ để sau đó chúng được ghép nối với nhau thành một tấm hình duy nhất. Nhiếp ảnh VR được coi là trải nghiệm mới trong việc tương tác giữa người và máy tính. Việc hiển thị khung hình toàn cảnh này có thể được triển khai bằng các ứng dụng công nghệ như HTML5, JavaScript và Flash.

Trang chia sẻ hình ảnh Flickr đã cùng kính thực tế ảo Oculus phát triển giao diện với khả năng giúp người dùng  sử dụng  thư viện hình ảnh và sắp xếp hình ảnh thông qua các cử chỉ bằng tay. Ngoài ra, những thiết bị chụp 360 độ mới như 360fly hay Ricoh Theta cho phép tạo ra các ảnh toàn cảnh và sự  phổ biến ngày càng tăng của Drone Photo-nhiếp ảnh máy bay không người lái có thể mở ra cánh cửa cho nhiều loại hình ảnh 360 độ với góc chụp độc đáo.

Du lịch
Thật dễ dàng để nhìn thấy ngành công nghiệp ứng dụng hình ảnh VR thành công nhất hiện nay chính là du lịch. Ứng dụng thực tế ảo đã truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khách sạn sử dụng hình ảnh toàn cảnh 360 độ như một công cụ tiêu chuẩn nhằm quảng bá điểm đến của họ.

Khách sạn Marriot mang đến trải nghiệm thực tế ảo cho khách hàng

Các khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ đêm có thể tận dụng những hình ảnh ảo hóa này để mở ra  cho du khách trải nghiệm mới về địa điểm mơ ước của mình, từ đó thúc đẩy nhu cầu tham quan trong đời sống thực. Hiện nay, người dùng có thể sử dụng thực tế ảo để trải nghiệm thành phố Tokyo về đêm, biệt thự ở khu nghỉ mát Bali hay café đường phố Paris.

Giá trị mà thực tế ảo mang đến nhiều hơn những điều như vậy, các chuỗi khách sạn có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm những căn phòng trước khi lựa chọn. Chuỗi khách sạn Marriott hiện đang triển khai dự án được gọi là “Trải nghiệm 4D” xoay xung quanh kính thực tế ảo Oculus Rift, cho phép khách hàng tiềm năng có thể tiếp cận được các hình ảnh của khách sạn. Chiến lược này lấy ý tưởng "thử trước khi mua" thông qua những hình ảnh đa chiều.

Marriott không phải là công ty du lịch đầu tiên thử nghiệm với phần mềm và phần cứng VR, trước đó Qantas Airways và Destination BC ở Canada đã đưa công nghệ này vào các chiến dịch quảng cáo của mình. Đối với nhiều nhà hàng thì những tấm hình toàn cảnh xuất hiện trên Yelp có thể mang đến nhiều lợi thế cho việc nhắm vào người dùng mục tiêu.

Bất động sản
Các chuyên viên bất động sản đang dựa vào các máy ảnh có khả năng tái tạo hình ảnh thực tế ảo để cung cấp cho khách hàng của họ tham khảo trước khi đưa họ đến địa điểm thực tế. Từ những khung hình 3D, khách hàng có thể nghiên cứu không gian bên trong cũng như bên ngoài, có thể nhìn thấy được ưu và nhược điểm của khối bất động sản mà mình quan tâm.

Hình ảnh bên trong một ngôi nhà đang chào bán được trình diễn từ thiết bị thực tế ảo

Theo Matterport, một công ty chuyên cung cấp hình ảnh 3D cho giới bất động sản thì trung bình có khoảng khoảng 1,2 triệu lượt xem mỗi tháng cho các đoạn video thực tế ảo của họ. Dự án này sử dụng các hình ảnh 2D có góc chụp 360 độ kết hợp với hiệu ứng 3D hoặc mang đến trải nghiệm thông qua hình ảnh đồ họa bằng máy tính CGI 3D (Computer generated imagery).

Xe hơi
Mua chiếc xe hơi có thể là thách thức trải nghiệm lớn nhất đối với người tiêu dùng. Không dễ dàng gì để chọn được một mẫu xe trong hàng loạt các mô hình đang hiện có trên thị trường. Ngoài ra khách hàng còn phải cân nhắc các yêu tố khác như nội thất, tính năng an toàn, còn đặc biệt hơn khi đây là một trong những lần mua sắm nhất của gia đình.

Chưa hết, những hình ảnh quản cáo chưa hẳn đã mô tả chính xác những chiếc xe đang được bán ra. Ngay cả hình ảnh chuyên nghiệp nhất cũng không thể cung cấp cho khách hàng thỏa mãn so với việc đến các showroom và lái thử. Tuy nhiên công nghệ thực tế ảo có thể giúp khách hàng có thể cảm nhận được nhiều hơn về các yêu tố thực tế của xe. Quá trình tạo ra video thực tế ảo đang trở thành đơn giản hơn bao giờ hết bởi phần lớn thời gian xử lý đã có các hãng  công nghệ  như Google, Jaunt…

PC WORLD VN, 10/2015

PCWorld

thực tế ảo, ứng dụng thực tế ảo, virtual reality, VR


© 2021 FAP
  2,357,481       3/914