Sản phẩm

HP tách đôi. Vì đâu nên nỗi?

(PCWorldVN) Cuối cùng thì HP cũng đã tách thành hai công ty sau một thập kỷ xảy ra nhiều biến cố và những bước đi sai lầm.

Nếu Hollywood muốn có một kịch bản phim về sự sa sút của một tượng đài doanh nghiệp thì có lẽ HP là nguồn cảm hứng khó mà bỏ qua. Đầu tháng 11, một trong những công ty danh giá nhất Thung lũng Silicon, HP chính thức được tách thành hai công ty, đặt cược tương lai vào mô hình doanh nghiệp nhỏ hơn với kỳ vọng nhờ linh hoạt hơn mà đảo ngược được tình thế sau 4 năm doanh số bán hàng sụt giảm.

HP là nạn nhân tiếp theo của sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp máy tính. Trước đó, Dell trong cơn khó khăn đã phải “chuộc mình” để chuyển về lại mô hình công ty tư nhân. IBM thì phải bán cả mảng kinh doanh PC và máy chủ x86, và vẫn chưa hết khó.

Trước áp lực của các nhà đầu tư công ty buộc phải hành động. Nhưng những vụ bê bối, những lần tuyển dụng CEO và thương vụ thâu tóm tệ hại nhất trong lịch sử ngành công nghệ đã khiến HP lao đao sau những lần thay đổi.

HP chưa gục ngã. Công ty vẫn có thể tạo ra sự bất ngờ, trở lại ánh hào quang xưa. Nhưng chia tách là điều không hề mong muốn đối với một công ty từng một thời dẫn đầu ngành công nghệ.

Dưới đây là những biến cố được IDG News Service điểm lại đã khiến cỗ xe HP đổ dốc để tới ngày phải “xẻ đôi” như hôm nay:

Carly Fiorina, người thiết kế thương vụ HP thâu tóm Compaq, tại triển lãm Comdex năm 1999.
Thâu tóm Compaq: Thương vụ thâu tóm đối thủ lớn hơn của HP vào năm 2001 gây chấn động ngành công nghiệp PC vào đầu thế kỷ này, và câu chuyện sôi động trở lại khi cựu CEO Carly Fiorina tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ hồi giữa năm. Gác qua một bên những tranh cãi về hành động thâu tóm Compaq có phải là sai lầm lớn của Carly hay không, có thể khẳng định rằng thương vụ này không đem lại tương lai cho HP. Mô hình bán hàng trực tiếp của Dell thời đó tỏ ra ưu thế vượt trội với chi phí thấp giúp Dell đánh bại Compaq để trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, tiếp đến máy tính bảng cùng smartphone giáng đòn chí tử khiến thị trường PC tuột dốc không phanh, không còn cơ hội phục hồi. Rõ ràng, HP đã đặt cược lớn và con ngựa thua cuộc.

Bê bối dối trá: Chuyện đấu đá nội bộ của HP có đủ yếu tố hấp dẫn cho một bộ phim trinh thám. Vào năm 2006, HP thừa nhận đã thuê thám tử tư để do thám các thành viên hội đồng quản trị nhằm tìm ra ai là người đã rò rỉ thông tin về vụ cách chức Chủ tịch kiêm CEO HP Carly Fiorina vào 2005 cho báo giới. Bà Patricia Dunn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của HP, đã bị cách chức vì vụ này. Chính bà thú nhận đã ra lệnh mở các cuộc điều tra theo cách thức phạm pháp, xâm hại đời tư cá nhân. Vụ bê bối xảy ra trong bối cảnh HP đang cần dồn sức để vực dậy công ty.

Mua lại EDS: Thương vụ mua lại công ty dịch vụ IT lớn vào năm 2008 dường như là quyết định sáng suốt đối với HP để đa dạng hóa hơn nữa những lĩnh vực sinh lợi, nhưng hóa ra đây lại là một thương vụ thất bại để đời đối với công ty. Thị trường ở thời điểm đo bắt đầu chuyển từ hình thức thuê ngoài với những hợp đồng lớn sang những hợp đồng nhỏ hơn, và HP thêm một lần nữa cưỡi nhầm ngựa. Mảng dịch vụ của công ty tiếp tục gặp khó.

Tai tiếng tình ái của Mark Hurd: Giống như Fiorina, CEO Hurd cũng là người khiến các nhà quan sát HP có những đánh giá trái chiều. Có một điều chắc chắn là ông bị mất việc do mối quan hệ tình ái với nữ diễn viên phim cấp 3 Jodie Fisher, đây cũng là khởi đầu của một loạt tai họa đổ ập xuống HP về sau. Nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách cắt giảm chi phí quá mức của Hurd đã kìm hãm sự đổi mới và khiến HP thất bại. Nhưng Phố Wall lại có quan điểm ủng hộ động thái tiết giảm chi phí của Hurd để tái đầu tư cho dài hạn. Thực tế là cuộc cải cách mạnh mẽ của Hurd đã đưa HP vượt qua Dell để trở thành nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới vào năm 2006, đồng thời vượt qua IBM để trở thành công ty công nghệ có doanh thu cao nhất. Dù vậy bê bối tình ái đã khiến ông ngã ngựa.

Leo Apotheker tại vị CEO HP với một nhiệm kỳ ngắn ngủi.
Dấu ấn tệ hại của Leo Apotheker: Cựu CEO của SAP đã thế chân Hurd vào tháng 9/2010 để rồi gây thiệt hại nặng cho HP trước khi bị sa thải 11 tháng sau đó. Ông là lãnh đạo nổi tiếng trong lĩnh vực marketing và bán phần mềm. Trong nhiệm kỳ của mình, Leo đã để lại những dấu ấn tệ hại như:

  • Thương vụ sai lầm Autonomy: The New York Times gọi đây là thương vụ thâu tóm tệ nhất từ trước tới thời điểm đó. Thực sự đây là một tai họa đối với HP. Công ty đã phải chi 11,1 tỷ USD để có được nhà sản xuất phần mềm của Anh, để rồi phải ghi giảm giá trị vào sổ sách tới 8,8 tỷ USD vào năm sau đó, thừa nhận đã ném tiền tấn qua cửa sổ. HP tuyên bố đã bị ban điều hành của Autonomy lừa, nhưng có bằng chứng cho thấy HP hấp tấp tiến hành vụ thâu tóm mà không biết sẽ nhận được gì. Đây là một thảm họa lớn nữa của HP và làm thất vọng các cổ đông là những người đang muốn công ty phải có sự thay đổi.
  • Lùng nhùng mảng PC: Cùng lúc mua Autonomy, CEO Apotheker thông báo rằng HP đang xem xét bán mảng kinh doanh PC của công ty. Đây không phải là một ý tưởng tệ hại (IBM đã thực hiện điều đó từ năm 2005 và rời bỏ thị trường PC) nhưng trong nhiều tháng liền đã làm xáo động công chúng, gây nên mối nghi ngại rằng điều đó sẽ gây tổn thương cho hoạt động kinh doanh của HP và tạo thuận lợi cho các đối thủ. Apotheker còn khai tử hệ điều hành di động webOS mà HP đã chi ra 1 tỷ USD để mua lại từ Palm một năm trước đó. WebOS từng được xem là nền tảng đầy hứa hẹn cho smartphone và máy tính bảng, và quyết định của Apotheker đúng thời di động lên ngôi gây nên nhiều dị nghị.
  • Lại quyết giữ PC: Meg Whitman thay thế Apotheker, và động thái đầu tiên của bà sau khi ngồi vào ghế CEO của HP là công bố HP sẽ giữ lại bộ phận PC. Whitman dường như là một lựa chọn ít ai nghĩ tới với 10 năm điều hành eBay, nhưng bà được đánh giá là đã thực hiện tốt nhất công việc vô cùng gian khó được giao phó.
  • Bối rối với đám mây: Trong khi cả thế giới tiến lên “mây” thì HP lại bỏ đám mây công cộng của riêng mình. Chỉ mấy tuần trước, công ty cho biết sẽ đóng cửa dịch vụ đám mây Helion của mình vào tháng 1 năm sau, thay vào đó sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng “lai” và hợp tác với các nhà cung cấp đám mây khác. Đám mây công cộng của HP là sáng kiến do Apotheker khởi xướng, dù vậy sau 4 năm công ty nỗ lực đã không có được kết quả như mong đợi.

HP rơi vào hoàn cảnh hiện nay không phải là do riêng một biến cố nào đã nói gây ra. Xu hướng chuyển sang điện toán đám mây và sự sụp đổ của thị trường PC đóng một vai trò quan trọng, cùng với đó là sự suy giảm liên tục trong mảng hệ thống Unix cao cấp độc quyền. Sự thất bại của bộ xử lý Itanium của Intel, mà HP đã đặt cược trang bị trong các máy chủ, cũng là một trở ngại lớn.

Mặc dù đã mắc phải những hành động sai lầm, hai công ty HP vẫn là những thực thể đáng gờm, với doanh thu 50 tỷ USD riêng mỗi công ty. HP Inc., mà sẽ bán máy tính và máy in, không có khả năng tăng trưởng cao về sản xuất, nhưng việc kinh doanh máy tính có thể tạo ra lượng tiền mặt khả dĩ, như Michael Dell, nhà sáng lập Dell, đã chứng minh. Và kinh doanh hạ tầng cốt lõi của Hewlett-Packard Enterprise sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn bao giờ hết với các ưu thế từ lưu trữ 3Par và các máy chủ tiêu chuẩn công nghiệp.

Một số chuyên gia cho rằng việc chia tách HP sẽ không gây ảnh hưởng cho khách hàng. Vấn đề là khả năng Hewlett-Packard Enterprise thực hiện các vụ thâu tóm và hợp tác trong vòng 24 tháng tới ra sao để tăng trưởng trở lại.

PCWorld

chia tách công ty, HP


© 2021 FAP
  2,357,366       5/965