Sản phẩm

Triển khai chính phủ điện tử là cơ hội lớn cho ngành CNTT Việt Nam

(PCWorldVN) Nghị quyết mới gần đây của Chính phủ chỉ đạo các cơ quan, tổ chức nhà nước đẩy mạnh hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện các dịch vụ.

Tại buổi hội thảo Vibrand 2015 với chủ đề “Phát triển sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết hiện đang là thời điểm có nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp CNTT trong nước khi chính phủ đặt mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử thông qua nghị quyết 36-NQ/TW.

Hội thảo diễn ra vào sáng 6/11 tại TP.HCM nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng.
Phát biểu trước đông đảo đại diện các doanh nghiệp trong nước tham dự hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chia sẻ ngành CNTT Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào GDP cũng ngày càng tăng, đáng chú ý là các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt phát triển ngày càng vững chắc. Đó là tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển Chính phủ điện tử.

Thứ trưởng nhấn mạnh 3 mục tiêu chủ yếu để xây dựng Chính phủ điện tử là: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; Xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử.

Cùng với chính sách tăng cường thuê ngoài dịch vụ CNTT của chính phủ, có thể nói ngành CNTT Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn.

Cũng trong buổi hội thảo, bà Tô Thị Thu Hương, phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin cho biết hạ tầng ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước tiếp tục được nâng cấp hoàn thiện với 94,5% máy tính trong cơ quan bộ và 97,5% trong số đó kêt nối Internet. 100% cơ quan nhà nước có mạng nội bộ và xây dựng trang/cổng thông tin điện tử.

Bài báo cáo của bà Hương cũng chỉ ra thị trường công nghệ dành cho cơ quan nhà nước rất lớn, có khả năng tăng trưởng ổn định với lĩnh vực đa dạng. 

Tuy nhiên, bà Hương cũng chỉ ra những khó khăn trong phát triển sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt như thiết bị chưa thực sự phong phú, khó cạnh tranh với thiết bị ngoại nhập. Chủ đầu tư dự án CNTT chưa có nhiều thông tin về hoạt động sản xuất và khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước. Về cơ bản doanh nghiệp nội vẫn còn yếu kém về mặt thương hiệu. Về phía nhà nước, chưa có những chính sách hỗ trợ thiết thực của chính phủ trong việc hỗ trợ các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quan tâm, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu phát triển nên việc đa dạng hóa sản phẩm còn nhiều hạn chế.

PCWorld

chính phủ điện tử


© 2021 FAP
  1,618,503       1/357