Pháp luật

Mất mạng, ngồi tù vì hàng cấm

PN - Vụ nổ hôm 11/1/2014 tại hẻm 432 Lý Thường Kiệt (P.14, Q.10, TP.HCM) khiến bốn người thiệt mạng chỉ là một trong hàng loạt trường hợp “tai nạn” khi sinh viên học hỏi… quá đà.

Tài đang giao dịch bán roi điện cho phóng viên

THỢ PHÁO

Nhiều năm nay, tại TP.HCM đã xuất hiện những hội nhóm trao đổi kinh nghiệm chế tạo các loại pháo hoa, pháo sáng. Do nhiều nguyên liệu chế tạo bị liệt vào danh mục cấm nên không ít thành viên phải đi “săn”. “Đến chợ hóa chất Kim Biên, nếu anh cần mua lưu huỳnh mà nói chuyện lơ mơ họ cũng không bán đâu”, Hòa, một thành viên của diễn đàn rocket… cảnh báo tôi. Để chứng minh, sáng 12/1, Hòa đi cùng tôi vào chợ Kim Biên tìm mua kalinitrat và lưu huỳnh. Tại tiệm H.N. chuyên về hóa chất công nghiệp, khi nghe tôi hỏi mua hai loại hóa chất “anh em” này, chủ tiệm nói ngay: “Ở đây không bán. Mà cũng đừng dại chơi pháo, đi tù đó”. Chúng tôi đi tiếp ba tiệm khác đều nhận được những câu trả lời tương tự.

Thấy đến lúc phải ra tay, Hòa lấy điện thoại gọi cho một phụ nữ tên Hoa: “Chị chở một bao lưu huỳnh cho trường ĐH Bách Khoa làm thí nghiệm nha”. Sau khi đặt hàng, Hòa nói: “Rẻ bèo, có 12.000đ/kg, giao tận nơi. Còn kalinitrat, tý nữa em cho anh số bà Hoa này, anh lấy điện thoại của anh gọi bảo chở đến cho trường ĐH Công nghiệp 4. Hai cái này làm pháo sáng màu trắng là dễ tìm nhất. Nếu muốn khói màu xanh thì xài thủy ngân nhưng khó mua hơn”. Đúng hẹn, giữa trưa cùng ngày, Hòa nhờ một thành viên khác đến cổng trường ĐH Bách Khoa nhận bao lưu huỳnh đem về nhà trọ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài diễn đàn rocket… còn có vô số hội nhóm khác trên các diễn đàn mạng thường xuyên trao đổi các thông tin chế tạo pháo. Cụ thể, tại phần “Nhóm hóa học ứng dụng” trên diễn đàn community.h2vn.com, hàng trăm thành viên đăng các “bí kíp” chế tạo các loại pháo nổ, pháo hoa, pháo dây, pháo sáng… Với mỗi loại, diễn đàn đều có công thức và tỷ lệ pha trộn cụ thể, dù thực nghiệm thực tế rất nguy hiểm và đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm.

T. (ngụ P.An Phú Đông, Q.12), thành viên của diễn đàn “Chúng ta yêu hóa học” kể: “Hồi đầu năm, em mua lưu huỳnh và một số chất khác về làm pháo. Khi đang trộn thuốc trong ống nhựa thì bất ngờ phát nổ”. Vụ tai nạn khiến T. phải tháo khớp ba ngón tay và mất nhiều ngày tường trình với công an địa phương. Theo lời T., vụ tai nạn này chỉ là chuyện nhỏ so với các tai nạn khác mà thành viên trên diễn đàn hóa học gặp phải. Nhiều trường hợp còn bị mù mắt, phỏng nặng. Bản thân T., sau khi xuất viện còn phải nộp phạt vi phạm hành chính. Không chỉ thử pháo, nhiều sinh viên còn mày mò chế tạo súng và mua bán các loại công cụ hỗ trợ vốn chỉ dành cho lực lượng vũ trang.

Sinh viên Nguyễn Quốc Tín bị bắt vì chế tạo súng bút

SÓNG NGẦM HÀNG CẤM

Cuối tháng 12/2013, chúng tôi nhận được nguồn tin cho biết đang có tình trạng mua bán công cụ hỗ trợ tại trường ĐH Bách Khoa TP.HCM (Q.10) và KTX 135 Trần Hưng Đạo (Q.1). Trong vai những sinh viên cần mua "vũ khí phòng thân", đầu tháng 1/2014, chúng tôi móc nối được với đối tượng tên Tài (ngụ Q.12), một đầu nậu chuyên bán các loại roi điện, bình xịt hơi cay, còng số 8… cho sinh viên. Thông qua Tài, hai sinh viên tại trường ĐH Bách Khoa và một sinh viên ĐH Kinh tế ở KTX 135 Trần Hưng Đạo đã mua nhiều roi điện và bình xịt hơi cay bán lại cho các sinh viên khác.

Sau nhiều lần hẹn bất thành, ngày 12/1, Tài trực tiếp gọi điện cho chúng tôi bằng số điện thoại 0126.476.37xx và 0975.037xxx thông báo có một cây súng điện và một roi điện muốn bán rẻ. Chúng tôi đồng ý, hẹn Tài tại một quán cà phê vỉa hè trên đường Tô Hiến Thành, P.14, Q.10. Tài quảng cáo: “Súng điện này bắn xa được 5m, giá 2,5 triệu đồng, nếu mua thêm ba viên đạn thì bỏ thêm 500.000đ. Còn roi điện 5.000 KV giá 1,3 triệu, chỉ cần chích một phát là người đối diện xỉu ngay tại chỗ”. Trong lúc Tài nói chuyện với tôi, một đối tượng lạ đến ngồi bàn bên cạnh và không ngừng ra hiệu bằng cách lấy ghế gõ cộp cộp xuống vỉa hè. Đối tượng này trước đó đã rảo qua lại nhiều lần tại địa điểm Tài và tôi hẹn gặp. Sau khi thỏa thuận, Tài lập tức đeo khẩu trang, lên xe phóng mất hút.

Chiều cùng ngày, D., sinh viên trường ĐH Bách Khoa gọi điện “trách” tôi: “Em cho anh số điện thoại anh Tài để anh yên tâm, sao anh “giật mối” của em”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, D. thường xuyên nhận roi điện, bình xịt hơi cay do Tài bán sỉ, sau đó bán lại cho bạn học để hưởng chênh lệch từ 200.000-400.000đ. Để tránh bị phát hiện, D. nhờ xe ôm giao hàng và trả tiền công giao hàng 30.000đ.

Tình trạng sinh viên sa chân vào chuyện mua bán trái phép này không phải lần đầu xuất hiện tại TP.HCM. Thậm chí, có trường hợp của Nguyễn Quốc Tín, sinh viên trường trung cấp kỹ thuật Tây Nam Á, Q.10, mua bán súng bút bị bắt vào đầu năm 2010. Theo cơ quan điều tra, khám xét nơi ở của Tín trên đường Quang Trung (Q.Gò Vấp), công an thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc chế tạo súng bút, đạn ghém, súng thể thao… Trong máy ảnh của Tín còn rất nhiều hình ảnh ghi lại những lần thử nghiệm sức công phá của súng bút. Loại súng được sinh viên “tài năng” này chế tạo là loại súng ám sát sử dụng bi sắt nhỏ, tầm sát thương khoảng 3m mà nhiều giang hồ cộm cán ở Hải Phòng lận lưng khi Nam tiến.

 VINH QUỐC

TS Hà Thúc Chí Nhân, Phó trưởng Khoa Khoa học vật liệu, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết, hai chất chủ yếu để tạo ra pháo là phốt pho và lưu huỳnh. Điều kiện lý thuyết để đảm bảo an toàn khi thực nghiệm chế tạo pháo là phải tránh xa các nguồn cháy nổ, khi trộn các loại hóa chất yêu cầu không được sử dụng nhiệt, phải làm trong các tủ cách nhiệt. Ở các vụ tự chế pháo, khi sinh viên thao tác thường dùng giấy nhám, giấy tái chế để cuốn và nhồi nhét thuốc pháo. Khi ma sát lớn, các chất này sẽ tích điện và phản ứng với chất gây cháy, phát nổ. Trong hóa học công nghiệp, người ta thường cuốn và nhồi thuốc pháo bằng máy chứ không phải bằng tay, người thao tác điều khiển máy có bảo hộ lao động. Ngay cả một nhà máy sản xuất pháo hoa chuyên nghiệp cũng có thể phát nổ thì rõ ràng, điều kiện ở các phòng trọ, nhà dân chắc chắn không thể đảm bảo an toàn.
www.phunuonline.com.vn

mất mạng, ngồi tù, hàng cấm


© 2021 FAP
  165,030       1/402