Thế giới

Bẫy kỳ vọng

PN - Câu chuyện Jennifer Pan, cô gái gốc Việt thuê người giết bố mẹ ruột được đăng trên tờ Toronto Life vài ngày qua đã khiến nhiều người bàng hoàng.

Bố mẹ của Jennifer khi còn sống - ẢNH: WASHINGTON POST

Trong mắt bố mẹ, Jennifer Pan từng là con ngoan, luôn đạt thành tích xuất sắc, hoàn toàn đáp ứng lộ trình bố mẹ vạch sẵn là làm việc trong ngành dược, tại phòng kiểm nghiệm máu của một bệnh viện có tiếng. Bố mẹ Jennifer là người Việt Nam nhập cư đến Canada, làm công trong một xưởng sản xuất phụ tùng ô tô. Họ toàn tâm toàn ý kiếm tiền chỉ với mong muốn thấy con cái thành đạt. Họ quan niệm, bố mẹ đã hy sinh tất cả, các con nhất định phải thành công. Từ bậc tiểu học, Jennnifer luôn khiến bố mẹ tự hào vì thành tích tốt trong học tập cũng như hoạt động ngoại khóa (như trượt ván, đàn piano, bơi lội, nghệ thuật…). Nhưng đến tuổi dậy thì, Jennifer bị cấm tiệt chuyện hẹn hò. Áp lực bố mẹ vô tình tạo ra ngày càng nặng nề, khiến cô bé luôn tìm cách đối phó. Từ một thiếu nữ vui tươi, nhiệt tình, Jennifer trở thành kẻ dối trá chuyên nghiệp và đáng thương. Bảng điểm giả, màn kịch tốt nghiệp ngụy tạo, ngày ngày cắp cặp đón tàu đến trường, tất cả chỉ là vỏ bọc Jennifer tạo dựng nhằm lừa phỉnh bố mẹ. Khi bị phát hiện, Jennifer càng bức bối vì bố mẹ áp đặt, kiểm soát cô chặt chẽ hơn.

Karen Ho, tác giả bài báo về Jennifer, đăng trên Toronto Life, chia sẻ câu chuyện của chính mình, cũng là một bé gái gốc Á định cư ở Canada: “Càng tìm hiểu về hoàn cảnh Jennifer, tôi càng thấy mình trong đó. Bố tôi lập nghiệp ở xứ người với hai bàn tay trắng và điều ông mong mỏi nhất là không muốn con mình chịu thiệt thòi. Ông dồn mọi kỳ vọng vào tôi, buộc tôi phải học thật giỏi môn toán và khoa học. Có lẽ tôi hiểu phần nào những gì Jennifer phải chịu đựng”.

Ép buộc con đạt được ước mơ mà bố mẹ không thể chạm đến là suy nghĩ phổ biến của nhiều phụ huynh châu Á. Đầu tư việc học hành của con được xem là một trong những “hạng mục” quan trọng nhất với nhiều ông bố bà mẹ. Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã thực hiện một khảo sát với các phụ huynh nước này, kết quả có đến 87% người tham gia trả lời rằng họ sẵn lòng dành dụm tiền cho con du học. 1/3 số du học sinh Trung Quốc ở nước ngoài là từ gia đình có thu nhập trung bình nhưng cha mẹ của họ vẫn cố gắng “cày bừa” cho con ăn học.

Jennifer Pan - Ảnh: TORONTO CTV NEWS

Việc học, nếu không thể là niềm vui, sẽ trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh tâm trí một đứa trẻ. Tờ New Paper của Singapore mới đây đã phỏng vấn bà Ng Siang Mui (71 tuổi), người vừa mất cháu ngoại và con gái chỉ trong ba tháng. Cháu ngoại của bà, Xiao Mei (16 tuổi) vốn học rất khá, chỉ toàn nhận được điểm A. Nhưng, trong một đợt kiểm tra, cô bé bị điểm B môn Anh văn và toán. Xiao Mei đã khờ dại chọn cách tự tử, viết thư tuyệt mệnh xin lỗi bố mẹ vì khiến họ thất vọng. Bà Mui ngậm ngùi chia sẻ: “Giá như chúng tôi ở bên cạnh và tìm hiểu áp lực mà Xiao Mei phải hứng chịu. Giá như ai đó trong chúng tôi tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý, giúp con bé vượt qua cú sốc…”.

Trước khi Xiao Mei qua đời, mẹ và bố em thường xuyên tranh cãi gay gắt về chuyện học hành của con. Bố thì muốn Xiao Mei được phát triển tự nhiên, chọn lựa ngành học theo đúng sở trường, sở thích; còn mẹ thì muốn em theo ngành y. Xiao Mei ra đi, người mẹ vẫn cương quyết cho là mình đúng. Người bố không thể chịu đựng hơn nữa nên bỏ nhà đi biệt tăm. Khi đó, người mẹ mới suy sụp hoàn toàn và nhận ra chính mình là thủ-phạm-cũng-như-nạn-nhân phá nát mái ấm gia đình mình. Trong cơn cùng quẫn, người mẹ đã chọn cách tự kết liễu mạng sống.

Khi mong muốn vượt quá ngưỡng thông thường sẽ trở thành gánh nặng, trói buộc những đứa trẻ lẽ ra cần được tự do phát triển tiềm năng và tìm thấy đam mê của chính mình, thay vì chạy theo ước mơ của người khác (dù đó là cha mẹ). Ngẫm lại, Jennifer, Xiao Mei hay cha mẹ của các em cũng đều là nạn nhân của cái bẫy kỳ vọng do chính người lớn đặt vào những mảnh đời non trẻ.

THIÊN NHƯ (Theo Washington Post, BBC, TNP, CNA)

Giúp con giải tỏa áp lực

Chuyên gia tâm lý người Singapore, tiến sĩ Thomas Lee cho rằng, kỳ vọng và mong muốn con thành đạt không phải là điều sai trái nhưng cách ứng xử áp đặt mới tạo ra những hiệu ứng tiêu cực. Thay vì thúc ép con, bố mẹ hãy cho con niềm tin chính bố mẹ là bạn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ cùng con. Khi nào trẻ cảm thấy an toàn, trẻ mới chia sẻ những khó khăn trong chuyện học và khi ấy, bố mẹ gỡ rối cùng con thay vì chê trách, phê bình và đổ lỗi cho con. Cử chỉ, lời nói ấm áp từ bố mẹ sẽ tạo sự tin tưởng với trẻ. Nếu con thất bại, bố mẹ hãy xem đó là cơ hội giúp con nhận ra trách nhiệm của mình. Chỉ khi nhận thức về trách nhiệm, cùng sự động viên của người thân, trẻ mới có thể tìm cách vượt qua thất bại mà không quá mặc cảm. Cô Lee Yi Ping, nhân viên xã hội hỗ trợ thanh thiếu niên Singapore nhấn mạnh, nếu thấy trẻ có dấu hiệu tâm lý bất thường, bố mẹ càng phải chú ý quan sát, gần gũi con nhiều hơn. Nhất là với trường hợp dự tính tự tử, các em sẽ có những dấu hiệu bất thường rất rõ ràng. Trên tất cả, điều quan trọng mà một đứa trẻ cần ở bố mẹ là sự thông cảm, chia sẻ và đồng hành, thay vì ra lệnh, áp đặt một chiều.

Tổ chức Save The Children hướng dẫn bố mẹ giúp con vượt qua cú sốc, áp lực đến từ chuyện học hành:

- Làm bạn, lắng nghe con chia sẻ.

- Học cùng con những môn con vướng mắc.

- Tìm ra năng khiếu của con, tạo điều kiện để con tập trung phát triển môn năng khiếu.

- Khuyến khích con tham gia hoạt động tình nguyện, giúp con củng cố sự tự tin.

(Theo TNP, Save The Children)

www.phunuonline.com.vn

© 2021 FAP
  297,340       1/319