Giáo dục

Phát triển trường mầm non công lập: Ngân sách nào kham nổi?

PN - Phát triển xã hội hóa (XHH) giáo dục mầm non (GDMN) hay phát triển GDMN công lập (CL)? Có nên bổ sung chức danh bảo mẫu (BM) vào định biên của GDMN hay không?

Sao không hỗ trợ các trường ngoài công lập?

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP, ngành phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với GDMN, trong đó tăng dần tỷ lệ trường CL, giảm loại hình ngoài CL. Theo đó, Sở GD-ĐT lập đề án phát triển GD từ nay đến năm 2020 hướng đến mục tiêu đạt tỷ lệ 70% trường CL và 30% trường ngoài CL.

Tuy nhiên, việc này lại đi ngược với chủ trương phát triển XHH GD từ năm 2002 của TP, trong đó có mục tiêu đến năm 2010 sẽ chuyển đổi một số trường MN CL thành CL tự chủ tài chính. Ngành GD đã thực hiện theo chủ trương đó, nhiều quận huyện như Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú... cũng đã phát triển loại hình trường lớp XHH, có tỷ lệ trẻ MN ngoài CL cao hơn 50%. Với chủ trương mới, các quận này lại đâm ra chệch chuẩn, rất khó chuyển đổi kịp.

Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung - Phó trưởng phòng Kế hoạch văn xã, Sở Kế hoạch - đầu tư TP nói: “Nếu tập trung đầu tư phát triển trường CL thì bộ máy quản lý sẽ thêm nặng nề, chi phí quản lý tăng lên. Sao chúng ta không hỗ trợ các trường ngoài CL để họ tự hoạt động, chia sẻ gánh nặng cho ngân sách, hiệu quả đạt được sẽ cao hơn?”.

Quan điểm này được ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng ban Văn hóa xã hội, HĐND TP.HCM - ủng hộ: “Ngân sách nhà nước không đủ sức bao cấp hết, hiện mới chỉ lo được cho trẻ năm tuổi, còn những nhóm tuổi khác chưa đủ sức “ôm”. Do đó, theo chủ trương của TP thì những trường MN xây mới trong thời gian sắp tới sẽ ưu tiên nhóm trẻ từ 6-18 tháng tuổi chứ không rải đều như những trường hiện hữu. Những nơi đã có trường MN CL sẽ không xây trường CL nữa mà ưu tiên cho XHH, các nguồn vay vốn kích cầu để xây dựng trường”.

Rất nhiều trường MN ngoài CL ra đời và phát triển đúng hướng, chất lượng nuôi dạy trẻ tốt.Vậy thì tại sao lại định hướng hạn chế phát triển trường MN ngoài CL - Ảnh: Minh Nhật

Giáo viên không phải là bảo mẫu!

Không chỉ loay hoay trong đường hướng phát triển chung, các vấn đề định biên chuyên viên quản lý GDMN ở các phòng GD quận huyện, BM... cũng rất rối. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT, bày tỏ: TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT bổ sung chức danh BM vào cơ cấu định biên của ngành nhưng chưa được chấp thuận vì lo bộ máy phình to. Tuy nhiên, một địa bàn đặc thù như TP.HCM cũng cần có những quy định riêng. Chúng ta không thể để hình ảnh một người giáo viên (GV) MN trang trọng, sạch sẽ, tươi đẹp trong mắt học sinh trở thành đầu bù tóc rối vì những công việc quét dọn vệ sinh, lau chùi cửa kính..., vốn là công việc của cô BM. Nếu có thêm BM, sẽ góp phần giúp công việc của người GV trở nên chuyên nghiệp hơn, khi rảnh rỗi họ cũng có thể giúp cô BM quan sát các cháu.

Nhiều năm qua, mặc dù TP đã có quy định 100 trẻ/một BM ở trường MN, nhưng kinh phí để trả lương cho lực lượng này chưa thật rõ ràng. Nhiều quận huyện cho rằng, việc định biên cán bộ phụ trách MN ở các phòng GD còn cứng nhắc. Chẳng hạn như huyện Hóc Môn, huyện Cần Giờ gần như rất ít trường, nhóm trẻ MN ngoài CL thì cũng một cán bộ và hai chuyên viên phụ trách. Trong khi có những quận, số nhóm trẻ rất nhiều như Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân, Q.12... thì cũng từng ấy người, không sao quản lý xuể.

Cuối phiên làm việc, Sở GD-ĐT kiến nghị nên quy định tăng giờ phụ trội cho GV MN từ 200 giờ/năm lên thành 396 giờ/năm để mỗi GV có thêm thu nhập từ 713.000-1.900.000đ/người/tháng, tăng định biên cán bộ quản lý MN ở các phòng GD quận, huyện từ một cán bộ quản lý, hai chuyên viên hiện nay lên thành ba-bốn chuyên viên để đủ sức bao quát địa bàn, có chế độ hỗ trợ đối với các hiệu trưởng trường CL nhận hỗ trợ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cho các trường ngoài CL…

 Gia Tuệ

TP.HCM hiện thiếu khoảng 5.000 GV MN và vẫn còn 520 nhóm trẻ MN không phép đang hoạt động, trong đó có 51 nhóm đang hoàn chỉnh hồ sơ chờ thủ tục cấp phép, 177 nhóm đang trong thời hạn điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện điều kiện chăm nuôi và 292 nhóm trẻ gia đình giữ từ một-chín trẻ.
www.phunuonline.com.vn

mầm non công lập, mầm non ngoài công lập, xã hội hóa, ngân sách


© 2021 FAP
  233,199       1/408