Giáo dục

Bình Phước: Dư hàng trăm giáo viên, vẫn ồ ạt tuyển thêm

PN - Hàng trăm giáo viên tại nhiều trường THPT ở tỉnh Bình Phước như ngồi trên lửa, vì ai cũng mang tâm lý mình sẽ bị… giảm biên chế. Vì sao?

Lãng phí hơn 40 tỷ đồng/năm

Sau khi có dư luận về việc ngành GD-ĐT tỉnh Bình Phước đang dư hàng trăm giáo viên (GV) nhưng hàng năm vẫn đề nghị bổ sung chỉ tiêu vào diện biên chế, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo Sở Nội vụ kiểm tra. Theo kết quả kiểm tra của Sở Nội vụ tỉnh Bình Phước, ngành GD-ĐT tỉnh này đã tiêu tiền ngân sách lên tới con số “khủng”. Chỉ tính trong 10/47 trường do Sở GD-ĐT quản lý, số GV nằm trong biên chế dư đến… 187 người và thừa đến 68 lớp học, nếu tính sĩ số 35 học sinh/lớp.

Ảnh chỉ có tính minh họa. Nguồn ảnh: http://thptquangtrung.com

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi biên chế của tỉnh này được khoán 60 triệu đồng/người/năm, chưa tính phụ cấp khu vực như vùng sâu, vùng xa và các ngành đặc thù như GV dạy môn giáo dục công dân, chính trị và thể dục thể thao. Như vậy, với số dư đến 187 người trong biên chế thì mỗi năm ngân sách nhà nước bị “xài bừa” gần 12 tỷ đồng. Ngoài ra, 68 lớp học bị thừa, theo nguyên tắc mỗi lớp tương ứng một phòng và mỗi phòng học khi dự toán xây dựng được “kê” từ 500-550 triệu đồng. Riêng khoản tiền xây dựng phòng học, ngành GD-ĐT tỉnh Bình Phước tiêu tốn lãng phí mỗi năm khoảng hơn 34 tỷ.

Khi kiểm tra trường phổ thông (PT) cấp II - III Đồng Tiến (huyện Đồng Phú), nằm ngoài danh sách 10 trường nêu trên, đoàn kiểm tra cho rằng trường này thừa đến 26 biên chế. Tuy nhiên, một GV ở Bình Phước khẳng định, trường này phải “dư” từ 32-35 người. Bởi lẽ, theo thông tư liên tịch (TTLT) số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ về “Hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập”, thì trường được xếp hạng I (trung du, đồng bằng, thành phố: 28 lớp trở lên. Miền núi, vùng sâu, hải đảo: từ 19 lớp trở lên), mỗi lớp cấp II chỉ được bố trí biên chế không quá 1,90 GV, còn cấp III không quá 2,25 GV/lớp.

Nhưng tại trường PT cấp II - III Đồng Tiến, năm học 2013-2014 được Sở GD-ĐT tỉnh tạm giao 108 biên chế với 36 lớp. Thực tế chỉ có 30 lớp, trong đó có 18 lớp cấp II và 12 lớp cấp III. Theo TTLT 35, thì chỉ cần 34,2 biên chế GV cho 18 lớp cấp II và 27 biên chế GV cho 12 lớp cấp III. Nếu cộng cả cán bộ quản lý (bốn người), phụ trách Đoàn (một người), thiết bị - thí nghiệm (hai người), văn thư - thủ quỹ (một người), kế toán (một người) và y tế (một người) thì tổng cộng chỉ cần 71 biên chế. Thế nhưng không hiểu vì sao trường lại được Sở GD-ĐT tỉnh ưu ái cho đến 108 biên chế?

Mặc dù số GV đang dôi dư rất nhiều, nhưng theo báo cáo của đoàn kiểm tra của Sở Nội vụ, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước đều hợp đồng chờ tuyển, vượt hơn 300 chỉ tiêu so với số biên chế được tạm giao.

Vì sao chậm phát hiện?

Một cán bộ Sở GD-ĐT cho biết: “Nhiều trường căn cứ theo quy định tại Điều lệ các trường THPT, mỗi lớp không quá 45 học sinh, đã “lách” bằng cách giảm sĩ số học sinh xuống mức cực thấp để hưởng biên chế. Cụ thể, trường PT cấp II - III Đăng Hà (huyện Bù Đăng) có 33 lớp, được giao đến 86 biên chế, nhưng trường này chỉ có 23 học sinh/lớp. Tương tự, trường THPT Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập) có 23 lớp học nên được cấp tới 68 biên chế, dù mỗi lớp chỉ có 23 học sinh. Thậm chí có những trường chỉ có… năm lớp nhưng được cấp tới 33 biên chế, như trường PT DTNT Phước Long, PT DTNT Lộc Ninh.

Theo phân tích của một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước, nếu trường PT cấp II - III Đăng Hà nâng sĩ số mỗi lớp lên 35 học sinh thì trường này chỉ còn 22 lớp của hai cấp (thay vì 33 lớp như hiện nay), và khi phân bổ biên chế theo kiểu “đổ đồng” (mỗi lớp cho 2,25 GV biên chế - PV) cũng chỉ cần 61 người, giảm được 25 biên chế, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.

Tương tự, nếu trường THPT Đăk Ơ giảm còn 15 lớp với 46 biên chế, sẽ tiết kiệm được 1,3 tỷ đồng/năm; trường THPT Thanh Hòa (Bù Đốp) giảm từ 40 lớp, 101 biên chế, còn 29 lớp với 77 biên chế, tiết kiệm khoảng 1,440 tỷ đồng/năm; trường THPT Nguyễn Khuyến giảm bớt sáu lớp và 17 biên chế, tiết kiệm hơn một tỷ đồng/năm…

“Nếu làm quyết liệt, không những mỗi năm tỉnh Bình Phước tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước khi không phải trả lương cho số “biên chế thừa” và không phải đầu tư xây hàng loạt phòng học mới rất lãng phí, mà còn tạo động lực để GV thi đua dạy giỏi. Khi đó chất lượng giáo dục mới mong được nâng lên”, vị cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Bình Phước chia sẻ.

Rõ ràng, các trường PT tại Bình Phước đã lách quy định “mỗi lớp không quá 45 học sinh” để hạ thấp sĩ số nhằm tăng số lớp học, rồi tuyển dụng nhiều GV. Theo đó, ngân sách được phân bổ sẽ nhiều hơn. Điều đáng trách là Sở GD-ĐT tỉnh này đã tỏ ra quá dễ dãi khi cấp chỉ tiêu biên chế cho các trường, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước. Đó là chưa kể, từ đây dễ nảy sinh các hệ lụy tiêu cực khác khi GV xin việc.

 Hồng Thảo

www.phunuonline.com.vn

Bình Phước, thừa giáo viên, Dư hàng trăm giáo viên


© 2021 FAP
  233,032       1/406