PN - Theo các nhà cung cấp đồng phục học sinh, nếu không phải chi hoa hồng (chiết khấu) cho các trường, giá đồng phục học sinh tại nhiều trường sẽ giảm xuống từ 5-30%.
Ấm ức vì đồng phục quá tệ
Mấy ngày qua, cứ mỗi lần nhìn thấy bộ đồng phục (ĐP) của con là chị Hạnh lại ấm ức.
Hai con của chị Hạnh cùng học tại Trường THCS Bình Tân (Q.Bình Tân, TP.HCM). Đầu năm, chị phải mua cả thảy sáu bộ ĐP với giá 220.000đ/bộ (quần short, áo sơ mi tay ngắn) cho con nhưng chất lượng của mấy bộ ĐP thì quá tệ.
Chị Hạnh vừa lật tới lật lui mấy bộ ĐP cho chúng tôi xem vừa bức xúc: “May vá như thế này thì mang ra chợ chồm hổm bán đại hạ giá cũng không bán được chứ đừng nói mang vào trường học bán cho học sinh (HS)”.
Quả thực, việc cắt may mấy bộ quần áo là quá kém, chiếc nào cũng sút chỉ, mép vải nơi gấu quần không được vắt sổ nên sợi vải cứ bị sút sổ ra. Việc ráp các chi tiết như dây kéo, con đỉa thắt lưng, túi quần… rất sơ sài. Sự cẩu thả cũng thể hiện ngay trong từng đường kim mũi chỉ.
Chị Hạnh cho biết, cuối năm học vừa qua, nhiều phụ huynh (PH) đã có ý kiến về chất lượng quần áo ĐP của năm ngoái và đề nghị nhà trường tìm nhà cung cấp có uy tín, kiểm tra chất lượng để có những bộ ĐP đẹp và giá cả hợp lý hơn. Thế nhưng năm nay tình hình vẫn thế.
Chất lượng tệ hơn “hàng chợ”, nhưng giá thì không hề rẻ. Giá bán mỗi bộ ĐP là 220.000đ (mỗi chiếc áo và quần đều có giá 110.000đ) đắt hơn nhiều so với một số trường. Theo chỉ dẫn của một số PH Trường THCS Bình Tân, chúng tôi đem so sánh bộ ĐP của Trường THCS Bình Tân với Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.Tân Phú - ảnh), thì thấy: bộ ĐP của Trường THCS Lê Anh Xuân được cắt may sắc sảo và kỹ lưỡng hơn rất nhiều, đặc biệt là mức giá cũng hợp lý hơn: 170.000đ/bộ (quần tây áo sơ mi).
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, cô Nguyễn Thị Bích Hà - Hiệu phó Trường THCS Lê Anh Xuân - cho biết: nhà sản xuất phải vào trường lấy số đo từng HS và ký hợp đồng với các điều khoản rõ ràng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhưng khi nhận sản phẩm, nếu PH phàn nàn về chất lượng thì nhà trường sẽ trả lại.
Tương tự, cô Phan Thị Mai Khanh - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Định (Q.6), cho biết: “Dù nhà cung cấp ĐP là mối từ nhiều năm nay, nhưng hễ PH chê là chúng tôi yêu cầu đổi bộ khác. Thậm chí PH mang về nhà rồi mới phát hiện sản phẩm bị lỗi thì cũng vẫn được đổi”.
Phụ huynh thêm gánh nặng
Giá bán chiếc áo ĐP vải kate silk trắng tại Trường THCS Phú Định (Q.6) là 74.000đ, còn giá bộ ĐP cho cả nam và nữ tại Trường Tiểu học Lương Định Của (Q.3) là 180.000đ. Giá bộ ĐP tại Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú) là 230.000đ (HS nam) và 200.000đ (HS nữ), còn tại Trường THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp) là 260.000đ (130.000đ/áo, 130.000đ/váy hoặc quần)…
Giá cả ĐP tại mỗi trường mỗi khác, tùy thuộc vào chất liệu vải, chất lượng cắt may và mức độ chiết khấu. Công ty P., một nhà cung cấp ĐP HS tại Q.Gò Vấp cho biết, mức chiết khấu thông thường 5%, nhưng nếu cần mức hoa hồng cao hơn thì phải báo trước để công ty báo giá... tương ứng!
Ảnh minh họa: Phùng Huy
Cũng tại Q.Gò Vấp, bà B. - một nhà cung cấp ĐP cho rất nhiều trường, cho hay: sẽ chi từ 2- 3% cho người đứng bán. Ngoài ra bà sẽ chi phần trăm cho riêng nhà trường và hiệu trưởng. Một nhà cung cấp ĐP khác là chị P. thì cho biết: đồng phục HS mà chị cung cấp thường có giá khoảng 60.000 - 65.000đ/mỗi sản phẩm quần hoặc áo, nhưng các trường có thể bán lên đến 200.000đ/bộ.
Điều này lý giải vì sao cùng một chiếc áo sơ mi tay ngắn, vải kate silk, nhưng Trường THCS Bình Tân lại bán với giá 110.000đ trong khi Trường THCS Lê Anh Xuân chỉ bán với giá 75.000đ.
“Chiết khấu” là lý do “tế nhị” khiến các trường thường chọn cho HS những bộ ĐP có màu sắc “độc” thay cho quần xanh áo trắng để độc quyền phân phối. Bộ ĐP của Trường THCS Bình Tân là một ví dụ với chiếc quần short có màu đỏ bordeaux, áo trắng với cổ áo, nắp túi áo và cổ tay áo màu đỏ bordeaux. Một PH của trường này bức xúc: “Dù mẫu mã xấu, chất lượng kém chúng tôi cũng phải mua, chứ biết tìm đâu ra bộ quần áo như thế!".
Về chiết khấu ĐP, ông Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt - lý giải: “Khi chào mời, đối tác bao giờ cũng hỏi mình muốn mức hoa hồng bao nhiêu để nâng giá lên”. Cô Nguyễn Thị Hiền Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Anh Xuân - nói: “Trường hoàn toàn không nhận hoa hồng, nhưng nhà cung cấp có trích vài ngàn đồng trên mỗi sản phẩm để bồi dưỡng cho nhân viên của trường bán hàng giúp họ”.
Cũng thế, tại Trường THCS Phú Định, nhà cung cấp trích 2.000đ mỗi sản phẩm để bồi dưỡng cho người bán là nhân viên của trường. Cô Phan Thị Mai Khanh khẳng định: “Trường Phú Định không lấy hoa hồng. Bởi suy cho cùng thì tiền hoa hồng là tiền của PH chứ không phải tiền của nhà cung cấp. Nếu đòi hoặc nhận hoa hồng thì chắc chắn giá ĐP bị đội lên”.
“Điều quan trọng là làm sao sản phẩm phải đẹp, tốt và rẻ để PH có thể mua được nhiều bộ ĐP cho con. Nếu mỗi em chỉ có hai bộ thì chắc chắn sẽ không đủ mặc, nhất là vào những tháng mưa dầm” - cô Mai Khanh chia sẻ thêm. Để thuận tiện cho PH HS, Phòng Giáo dục Q.5 quy định các trường, ĐP là quần hoặc váy xanh, áo trắng để người dân dễ dàng tìm mua hoặc may bên ngoài mà không nhất thiết phải mua ĐP của trường.
Tiếc thay, những quy định phù hợp đã bị quên đi một cách vô tình hoặc cố ý, khiến cho bao PH thêm nặng gánh, oằn vai vào mỗi mùa tựu trường.
Minh Nhật - Gia Tuệ
đồng phục học sinh, tiền hoa hồng, chiết khấu, chất lượng sản phẩm