Xã hội

Thơm thảo cơm má lành

PN - Ở khu phố (KP) 1, P.2, Q.10, TP.HCM người dân gọi bà Tăng Kim Lành với cái tên thân thương: má Lành. Từ năm 2009, căn nhà nhỏ của má Lành ở địa chỉ 2/9 Trần Nhân Tôn (Q.10)

1. Má Lành là Việt kiều Campuchia, sớm tham gia cách mạng, nay đã gần 50 tuổi Đảng. Sau năm 1975, bà giữ nhiều chức vụ trong chính quyền, đoàn thể ở Q.10. Năm 1992, ở tuổi 45, bà nghỉ hưu sớm khi đang là Phó bí thư kiêm Chủ tịch P.10 (Q.10) với lý do dành thời gian để chăm sóc gia đình. Từ đó, bà tích cực tham gia phong trào Hội LHPN ở P.2 - nơi bà định cư.

Năm 2009, má Lành nêu trăn trở với các cán bộ Hội P.2 rằng, trong phường có nhiều người nghèo, nhiều bệnh nhân thiếu người chăm sóc và phải nhịn đói. Bếp ăn từ thiện sẽ đỡ đần được cho họ phần nào. Tất nhiên là ý tưởng đó được mọi người ủng hộ, nhưng ai sẽ đứng ra làm? Bà xung phong trong sự ngỡ ngàng của nhiều người, bởi ai cũng biết gia cảnh bà chẳng khấm khá gì. Chồng bà bị bệnh, nằm liệt giường (đến năm 2010 thì qua đời), ba con của bà vẫn còn vất vả mưu sinh. Con cả (Lê Văn Thanh) làm nghề lái xe, con thứ (Lê Thị Thúy) bán cơm bình dân và may gia công tại nhà, con út (Lê Thị Tươi) là cô giáo tiểu học. Nhưng tính của bà là vậy, đã quyết là làm, chẳng nề hà khó khăn.

Ngày 9/1/2009, má Lành nấu 50 suất cơm đầu tiên. “Tôi còn nhớ, bữa đầu tiên nấu món canh chua tép và trứng vịt kho thịt, được nhiều người khen ngon. Ngoài một số người đến nhận cơm như đã hẹn, tôi vui lắm khi tự tay đưa cơm đến cho bệnh nhân nghèo trong xóm”- má Lành kể. Từ 50 suất, “cơm má Lành” tăng lên 70 suất và đến nay đã là 372 suất mỗi lần nấu. Bếp cơm từ thiện “đỏ lửa” hai lần vào ngày Chủ nhật đầu và giữa mỗi tháng.

2. Má Lành đôn hậu trong xử thế, nhưng rất kỹ tính trong công việc. Bà chủ yếu bỏ tiền túi ra đi chợ và vận động thêm một số nữ cán bộ về hưu hỗ trợ kinh phí, nhưng không phải ai giúp gì bà cũng nhận. Má có nguyên tắc riêng: “Cơm tôi nấu phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thơm ngon, ai đó có góp thực phẩm mà tôi không nhận thì cũng đừng buồn, vì chỉ có thực phẩm tự tay mua, tôi mới yên tâm. Tôi chọn gạo ngon để nấu vì nghĩ, người nghèo, người bệnh đã yếu sức, đắng miệng rồi, gạo dở thì làm sao nuốt trôi. Lần nào tôi cũng vo gạo bằng nước muối, nấu cơm với lá dứa cho thơm”. Để người ăn đỡ ngán, má Lành xoay vòng các món cá kho, thịt kho tàu, trứng chiên, củ cải muối kho, canh cải, canh chua, canh bí…

Cơm được má Lành phát cho những người khó khăn vào sáng 2/8

Má Lành chăm chút từng hộp cơm đầy vun và cẩn thận để thức ăn vào túi riêng. “Tôi gói thức ăn riêng, vì biết một số người chia suất ăn thành hai bữa để tiết kiệm, nếu để thức ăn chung với cơm, họ sẽ khó chia” - má Lành nói.

Ban đầu, má Lành chỉ phát cơm cho bệnh nhân nghèo và những người thuộc hộ nghèo trong KP.1, nhưng dần dà, tiếng thơm về “cơm má Lành” đồn xa, người ở các KP lân cận cũng đến nhận cơm, khiến bà phải tăng suất ăn. Khi những người mới xuất hiện, dù cơm thiếu bà cũng không từ chối, mà vội vã đi nấu thêm. Bà chia sẻ: “Ở đời, có cùng đường họ mới ăn cơm từ thiện, mình từ chối thì không nỡ”. Mỗi dịp thi tuyển sinh cao đẳng, đại học, má Lành lại nhận được “đơn đặt hàng” từ các nhóm sinh viên tình nguyện, lần nào bà cũng vui vẻ nhận lời.

3. “Con tôi chẳng trách mẹ được” - má Lành như thanh minh khi chúng tôi thấy gian nhà chật chội, đồ may gia công bừa bộn. Bà nói: “Tôi gần 70 tuổi nhưng còn khỏe, con cái cần gì cũng giúp. Mỗi ngày, tôi ra phụ con gái bán cơm ngoài đầu hẻm, rảnh một chút là may gia công giúp con”. Mỗi tháng bà dành gần bảy triệu đồng để nấu cơm từ thiện. Bà cho biết, nếu chờ dư dả mới đi giúp người thì chắc chẳng bao giờ giúp được ai. Thật may là các con của bà rất vui, luôn ủng hộ và giúp mẹ thực hiện bếp ăn từ thiện.

Khi số suất ăn tăng lên, má Lành làm không xuể phải nhờ chị em Hội PN đến phụ. Tổ nấu bếp gồm sáu người được thành lập. Buổi tối trước ngày phát cơm, các chị có mặt ở nhà má Lành để sơ chế nguyên vật liệu. 5g sáng hôm sau, má Lành dậy chỉ đạo tổ nấu. Gian bếp nhỏ nhà má trở nên chật chội khi có đến 18 nồi cơm cùng sôi một lúc, chưa kể những nồi, chảo thức ăn khác. Đến 9g sáng, cơm bắt đầu được phát ngay trước nhà má Lành. Một vài người trong tổ có nhiệm vụ giao cơm cho những người bệnh liệt giường.

Ở KP.1, từ lâu người ta quen với hình ảnh một bà cụ phúc hậu ngồi ở chiếc bàn kê trước cửa nhà để “tiếp dân” - đó là má Lành. Do có thời gian làm cán bộ nên bà rành rẽ các quy định luật pháp, người dân gặp khúc mắc gì cũng tìm đến để được tư vấn. Bà còn dám đứng ra bảo đảm cho nhiều người nghèo vay tiền ngân hàng. Nhân viên ở ngân hàng chính sách Q.10 quen mặt má Lành và quen cả câu cửa miệng của má: “Cứ cho em nó vay, lỡ em nó không trả được thì má Lành trả cho”...

 TRẦN TRIỀU

www.phunuonline.com.vn

© 2021 FAP
  3,534,833       1/346