Gia đình

Cái kết đau lòng khi cha mẹ đẩy con đi du học để 'cải tạo'

Đón con về sau hơn một năm du học Anh, vợ chồng chị Minh đau đớn đưa con tới bệnh viện tâm thần để cai nghiện game.

Chị Minh ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ, con trai lớn của chị rất thông minh. Hết lớp 9, cháu thi đỗ vào một trường cấp 3 hàng đầu ở Hà Nội. Tuy nhiên, từ kỳ 2 của lớp 10, cậu nhóc sa đà chơi game, mải mê tới nỗi giáo viên phải gọi phụ huynh tới trao đổi bởi trong giờ học con không chép bài vì hai tay nhoay nhoáy bấm máy trò chơi. Nhắc không được, cấm chơi ở nhà thì con ra quán, cắt hết mọi khoản tiền thì con mượn bạn, cắm chịu... để chơi, vợ chồng chị Minh bàn nhau cho con đi du học.

"Lúc ấy, nhà mình chỉ nghĩ, thằng bé vốn học giỏi, tiếng Anh cũng siêu, đầu óc nhanh nhạy nên chỉ cần cho đi nước ngoài học, cách ly khỏi môi trường hiện tại thì sẽ ổn", chị Minh kể về lý do cho con đi du học tự túc ở Anh khi cháu đang học lớp 11. 

Thế nhưng, mọi sự không như vợ chồng chị dự tính. Cậu con trai sang bên đó vẫn mê mải với game, bỏ bê học hành. Sau nhiều lần không hoàn thành được bài vở, em phải học lại và cuối cùng bị đuổi. 

"Trong hơn một năm con ở đó, chúng tôi cũng đã liên tục gọi điện, chat động viên, nhắc nhở, thậm chí một lần ba cháu phải bay sang ở cùng hai tuần... nhưng cuối cùng vẫn không ăn thua", chị Minh bày tỏ. Ngày đón con về, vợ chồng chị xót xa nhìn cậu con trai 18 tuổi mặt mũi xác xơ, vô hồn, chẳng tha thiết gì ngoài màn hình điện tử. 

cai-ket-dau-long-khi-cha-me-dy-con-di-du-hoc-de-cai-tao

Ảnh minh họa: Live Science.

Thạc sĩ tâm lý Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm tư vấn tâm lý trẻ em NT (Hà Nội) cho biết, thực tế, rất nhiều trẻ đi du học gặp các vấn đề và phải trở về nhưng những trường hợp này thường ít được chia sẻ. Người ta hay nói tới những cái được, những thay đổi tích cực khi ra nước ngoài du học mà cố lảng tránh, giấu giếm các mặt trái của nó, nhất là khi việc đi học này không xuất phát từ nguyện vọng của trẻ. Nhiều bố mẹ cũng sai lầm khi kỳ vọng rằng du học là phương thuốc thần giúp "cải tạo" con. Một trường hợp ông mới tư vấn cách đây không lâu là ví dụ. 

Kinh tế khá giả, vợ chồng anh Hữu (Ba Đình, Hà Nội) đầu tư không tiếc gì cho cậu con trai tên Hiển. Thế nhưng, không như kỳ vọng của bố mẹ, cậu nhóc thường xuyên bỏ học, chỉ thích ăn diện, theo bạn lêu lổng đi chơi. Nghĩ đưa con sang môi trường tiên tiến, phát triển để học tập mới có tương lai, anh Hữu thuê gia sư riêng dạy tiếng Anh cho Hiển rồi nhờ một công ty tư vấn du học làm thủ tục đưa cậu con trai 17 tuổi sang Mỹ học. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, vợ chồng anh tá hỏa khi phát hiện Hiển đang ăn chơi trác táng ở chính Hà Nội.

Hóa ra, sau khi sang Mỹ, vì ngoại ngữ yếu, không bắt kịp chương trình học và chẳng có bạn bè, Hiển buồn chán, thường xuyên vào các trang web đen để giải khuây. Sau đó, em nhận được thông báo từ phòng nội trú nhắc nhở không truy cập các trang này. Không hiểu rõ nội dung thông báo, nghĩ đó là việc không quan trọng nên lần thứ 2 nhận thông báo, Hiển vẫn mặc kệ, cho tới khi thấy mình bị khóa máy, phạt cách ly do không tuân thủ nội quy. Chán nản, em bỏ học rồi dùng tiền bố mẹ gửi sang mua vé bay về Việt Nam, gọi cho đám bạn tụ tập thả phanh. 

Mãi tới khi một người bạn của cậu báo tin, bố mẹ mới tức tốc gọi hỏi bên trường tại Mỹ thì biết con đã bỏ học vài tuần. Lúc này, họ mới đi tìm và lôi cậu con trai về, xin cho Hiển vào học ở một trường tư cách xa trường cũ. 

Theo ông Phạm Đức Chuẩn, nếu đưa con đi du học để phó thác việc giáo dục con cho một môi trường hoàn toàn mới lạ, không dựa vào năng lực thực tế, ý chí và tính tự giác của con thì rõ ràng là lợi bất cập hại. Trẻ bình thường đã như cây non, dễ bị ảnh hưởng trước gió bão cuộc đời, những em vốn đã có sẵn "vấn đề" lại càng khó kiểm soát khi bị bố mẹ "đẩy" ra xa.

Tiến sĩ xã hội học, đồng thời là thạc sĩ trị liệu tâm lý Phạm Thị Thúy, TP HCM, cho biết, chị và các đồng nghiệp từng gặp nhiều trẻ ra nước ngoài du học theo kiểu bị bố mẹ "tống" đi bằng tiền và có các kết cục đau lòng.

Theo tiến sĩ Phạm Thị Thúy, nhiều phụ huynh nuôi hy vọng môi trường học tập nước ngoài sẽ cải tạo con hoặc che mắt thiên hạ về đứa con hư của mình. Trường hợp của một gia đình ở Bình Dương là một điển hình. Biết cậu con trai út bị nghiện ma túy khi đang học năm cuối cấp 3, ông Chung đã lo cho con ra nước ngoài theo diện du học. Ông nghĩ làm vậy vừa cách ly con khỏi môi trường xấu, vừa đỡ bị thiên hạ dị nghị vì cả hai vợ chồng ông đều là người có địa vị cao. Thế nhưng, sau khi con sang trời Tây gần năm, ông lại nhận tin sốc từ người quen bên đó, là con trai không ở nhà họ nữa, mà theo một băng nhóm chuyên hút chích, trộm cắp. 

Theo bà Thúy, có 4 nguyên nhân chính khiến trẻ bị bố mẹ đẩy đi du học dễ cầm chắc sự thất bại, hư hỏng.

- Thứ nhất, do các em không đủ lực (về ngoại ngữ, khả năng học) nên dễ đuối, không theo kịp chương trình ở trường mới.

- Thứ hai, khi bản thân trẻ không có động cơ học thì ít khi chịu cố gắng, nhất là lại ở môi trường với các phương pháp học tập, tư duy khác biệt trước đây.

- Thứ ba, các em vốn đã thiếu tính tự giác (nên mải chơi, đua đòi, nghiện ngập...) khi xa vòng tay bố mẹ, không ai quản lý sẽ càng dễ sa ngã.

- Cuối cùng, các em dễ bị sốc văn hóa khi ra nước ngoài nên trầm cảm, hoang mang, càng dễ sa chân vào các thói xấu cũ.

Tiến sĩ Thúy cho rằng, việc bố mẹ đẩy con đi như vậy là quá liều lĩnh. Khi ở gần, bố mẹ đã không thể giúp con cải thiện, khắc phục các vấn đề thì đừng hy vọng khi ở xa, con sẽ tốt lên. Như vậy chẳng khác nào phó thác cho sự may rủi.

Thực tế, theo nhà tâm lý, cũng có những trẻ thay đổi theo hướng tích cực khi đi du học, chẳng hạn, ở nhà đang chểnh mảng nhưng sang bên kia lại phấn chấn, tập trung lo bài vở, tiến bộ hơn cả về cách suy nghĩ, lối sống. Nhưng những trẻ đó thường đã có khả năng học tập, tinh thần tự giác tốt, chẳng qua do không hợp với phương pháp, môi trường giáo dục trong nước nên chán học. Còn những trẻ đã có các vấn đề nghiêm trọng như nghiện game, ma túy, bỏ học chơi bời... thì bố mẹ đẩy con ra nước ngoài giống như một sự liều mạng.

Vương Linh

* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi

VNExpress

cho con đi du học, con hư, du học tự túc


© 2021 FAP
  1,683,446       6/1,104