Gia đình

Lý do nhiều người thông minh nhưng không giàu

Các nhà khoa học tiết lộ, trí tuệ bẩm sinh chỉ quyết định 1-2% trong khả năng thành công của một người.

Trí thông minh bẩm sinh quyết định bao nhiêu phần trăm khả năng thành công trong tương lai của một đứa trẻ? Nhà kinh tế James Heckman, Đại học Chicago (từng đạt giải Nobel năm 2000), nói rằng, hầu hết mọi người đoán là khoảng 25 tới 50%, nhưng con số thống kê lại cho thấy trí thông minh ảnh hưởng ít hơn rất nhiều, chỉ khoảng 1-2%.

Vậy nếu chỉ số thông minh chỉ là một yếu tố nhỏ trong việc thành công thì điều gì tạo ra khác biệt giữa những người giàu với người nghèo, hay như trang Bloomberg đặt câu nói: Nếu bạn cực kỳ thông minh, tại sao bạn không giàu?

Khoa học không có câu trả lời duy nhất, mặc dù may mắn đóng một vai trò nhất định. Nhưng một yếu tố quan trọng khác là tính cách, theo báo cáo nghiên cứu do Heckman là đồng tác giả đăng trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Science tháng trước. Ông thấy rằng sự thành công tài chính có liên quan tới sự tận tâm, một phẩm chất rõ rệt của thói quen siêng năng, kiên định và có kỷ luật.

ly-do-nhieu-nguoi-thong-minh-nhung-khong-giau

Ảnh minh họa: The Indian Express.

Để đưa ra kết luận này, ông và các cộng sự đã đánh giá 4 bộ cơ sở dữ liệu khác nhau, gồm điểm IQ, kết quả các bài kiểm tra chuẩn hóa, đánh giá tính cách và trình độ học vấn của hàng nghìn người Anh, Mỹ và Hà Lan. Một số bộ dữ liệu đã theo sát những người tham gia nghiên cứu nhiều thập kỷ về cả thu nhập lẫn lý lịch tư pháp, chỉ số khối cơ thể và mức độ hài lòng của họ với cuộc sống.

Nghiên cứu thấy rằng kết quả các bài kiểm tra chuẩn hóa và điểm số là chỉ báo về sự thành công tốt hơn so với điểm IQ. Nhiều người có thể ngạc nhiên vì cho rằng điểm số khi đi học và chỉ số IQ cùng đo lường một thứ, nhưng không hẳn vậy. Điểm số phản ánh không chỉ là trí thông minh mà còn là "kỹ năng ngoài nhận thức" như sự kiên định, thói quen học tập tốt và khả năng hợp tác. Điều này cũng có sự góp phần của tính cách. 

Heckman tin rằng điểm mấu chốt của thành công không chỉ là những khả năng bẩm sinh mà là những kỹ năng được dạy. Nghiên cứu của ông cho thấy những can thiệp từ thời thơ ấu có thể hữu ích và rằng sự tận tâm dễ rèn luyện hơn IQ. 

Tất nhiên, chỉ số thông minh vẫn quan trọng. Một người có chỉ số IQ 70 sẽ không có khả năng thực hiện nhiều việc một cách dễ dàng như một người có IQ 190. Nhưng Heckman nói rằng nhiều người thất bại khi tìm việc bởi vì họ thiếu các kỹ năng không đo bằng các bài kiểm tra trí tuệ. Họ không biết cách ứng xử khi phỏng vấn, có trang phục hoặc cách thể hiện không phù hợp. Nhiều người thông minh không thành công trong nghề nghiệp bởi họ không nỗ lực tối đa.

John Eric Humphries, đồng tác giả nghiên cứu, nói rằng ông hy vọng kết luận này của nhóm có thể làm rõ những hiểu lầm của nhiều người về khả năng thiên bẩm. Ngay cả các bài kiểm tra IQ, được thiết kế để đánh giá khả năng giải quyết vấn đề bẩm sinh, cũng sẽ tiết lộ nhiều điều ngoài sự thông minh. Một nghiên cứu năm 2011 của nhà tâm lý học Đại học Pennsylvania là Angela Duckworth thấy rằng điểm IQ phản ánh cả sự nỗ lực và động cơ của người thực hiện. Những trẻ chăm chỉ, có động lực sẽ cố gắng hơn khi trả lời các câu hỏi khó hơn là những em thông minh nhưng lười. 

Một báo cáo mới đăng tháng này trên tạp chí Nature Human Behaviour cũng khẳng định sự thành công phụ thuộc vào nhiều kỹ năng từ thủa bé. Sau khi theo sát 1.000 người New Zealand trong hơn 30 năm, các nhà nghiên cứu kết luận rằng kiểm tra ngôn ngữ, kỹ năng hành vi và khả năng nhận thức được thực hiện khi trẻ chỉ 3 tuổi có thể dự đoán ai sẽ là người nghèo, phạm tội và mắc bệnh mãn tính khi trưởng thành.

Trưởng nhóm nghiên cứu, nhà tâm lý Terrie Moffitt, Đại học Duke, cho biết, bà hy vọng kết quả này sẽ giúp mọi người nhận thức được rằng việc giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng nhất định từ thủa nhỏ sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội sau này.

Vương Linh

VNExpress

thông minh, giàu có, kiếm tiền


© 2021 FAP
  1,666,371       1/935