TTO - Do cả tin, nhiều gia đình tại huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đã vay mượn, giao hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng cho “một cán bộ trường quốc tế” lo “suất du lịch, học bổng Mỹ” cho con.
Các nạn nhân kể lại sự việc cho PV - Ảnh: Tiến Thành |
Nhưng sau “nhiều lần hụt”, những nông dân mới biết mình bị lừa tiền và gửi đơn đến Công an quận Tân Bình (TP.HCM) kêu cứu...
Cả năm nay, thôn Kim Châu (xã Đray B’hăng, Cư Kuin) xôn xao câu chuyện một số gia đình ở trong thôn may mắn vì đã “phỏng vấn thành công, sắp được đi Mỹ”. Thế nhưng, mấy tháng gần đây, những gia đình “may mắn” này phải khóc ròng vì ôm nợ mà con cái lại thất học...
“Bà chị họ” lừa
Lật giở những tờ đơn, những phiếu chi tiền, bảng kê lên đến 687 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Xuân Hòa (42 tuổi, Cư Kuin) đau xót vì cú lừa của “người chị họ”. Bà Hòa kể tháng 8-2014, do có nhu cầu đi du lịch Mỹ thăm gia đình nên bà xuống Lãnh sự quán Mỹ phỏng vấn xin visa.
Trong thời gian chờ, bà được người thân giới thiệu bà N.T.P. (50 tuổi, quê Gia Lai, tạm trú P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM) là họ hàng xa. Bà Hòa gọi điện về cho một số người thân và được xác nhận bà P. là họ hàng, chị em nhận nhau tâm sự.
“Trong lúc ngồi uống cà phê, tôi kể cho bà P. nghe mình muốn đi du lịch ở Mỹ khoảng sáu tháng, đang chờ vào lãnh sự quán để phỏng vấn. Bà P. nói việc phỏng vấn phức tạp lắm, nhưng vì bà ấy làm ở trường quốc tế, có sếp quan hệ với các nhân viên duyệt hồ sơ trong lãnh sự quán nên có thể giúp.
Tôi ở quê lên, vừa nhận được người thân ngay lập tức được giúp đỡ nên mừng quá, rất hi vọng. Bà P. nói tôi về đi, bà hẹn người trong lãnh sự quán và đặt lịch cho tôi phỏng vấn vào ngày 26-8-2014” - bà Hòa nhớ lại.
Đúng hẹn, bà Hòa vào TP.HCM gặp và được bà P. chở đến khu vực nhà thờ Kỳ Đồng ngồi chờ. Bà P. gọi cho một người tên Tâm, nói là sếp của mình đang ở trong lãnh sự quán làm thủ tục.
Lúc sau, trao đổi qua điện thoại với người tên Tâm này, bà P. nói bà Hòa không cần phải phỏng vấn nữa, cứ về Đắk Lắk, một tuần sau sẽ nhận visa. Đúng tuần sau, bà P. gọi cho bà Hòa, nói sếp Tâm đã cầm visa, bà Hòa gửi ngay 1.000 USD vào để mua vé máy bay, sau đó hẹn lịch bay.
“Thế nhưng đến ngày bay, bà P. lại gọi điện nói phải gửi 300 triệu đồng nữa, để bà ấy mở sổ tiết kiệm cho tôi mới đủ điều kiện bay. Đồng thời, bà P. cũng giới thiệu có một học bổng phổ thông giá 700 triệu đồng, nhưng vì tôi là người nhà nên chỉ lấy 7.000 USD, sẽ lo cho con gái tôi đi du học luôn.
Tôi mừng quýnh, vì hai mẹ con sẽ cùng đi sang Mỹ nên đã đi rút hồ sơ, học bạ gốc của con tôi là cháu Hoàng Ngọc Anh (lúc đó là học sinh lớp 10). Ngày 16-9-2014, tôi gửi cho bà P. 7.000 USD và 227 triệu đồng cùng toàn bộ giấy tờ gốc của con gái và tôi. Tổng cộng tôi đã gửi cho bà P. 687 triệu đồng để lo công việc, nhưng giờ mới biết bị lừa, con tôi thất học từ đó”- bà Hòa chua xót.
Miếng mồi “du học giá rẻ”
Tương tự, gia đình bà Trần Thị Minh (tên khác là Vân, trú thôn Kim Châu) có nhu cầu cho con đi du học Mỹ. Giữa năm 2014, ông Đặng Văn Thịnh (chồng bà Minh) đưa con gái là Đặng Cẩm Chi (18 tuổi, lúc đó là học sinh lớp 11) đi phỏng vấn.
“Phỏng vấn đợt 1, nhân viên lãnh sự quán nói con tôi rớt do hồ sơ chưa đảm bảo. Tiếp tục thông qua công ty dịch vụ, tôi đã nộp tiền chờ đợt phỏng vấn lần 2” - ông Thịnh nhớ lại.
Ông Thịnh kể tiếp: về nhà nghe mọi người đồn con chị Hòa do nhờ bà P. nên đã qua được phần phỏng vấn của Lãnh sự quán Mỹ rồi.
“Tôi lên hỏi chị Hòa, chị cũng xác nhận rằng con chị đã đậu phỏng vấn, chờ ngày bay nữa thôi. Liên lạc với bà P., bà ấy nói có thể lo suất học bổng 600 triệu đồng trong bốn năm cho con tôi tại Mỹ. Tôi về bàn với vợ và quyết định bỏ công ty dịch vụ kia, dồn hết tiền sang để nhờ bà P. lo giúp cho cháu đi du học Mỹ giá rẻ” - ông Thịnh nói.
Theo bà Minh, sau nhiều lần chuyển tiền học bổng, tiền thế chân, tiền vé máy bay... với tổng số tiền lên đến 1,9 tỉ đồng, gia đình bà mới biết bị lừa. Bà Minh vào tận nhà trọ của bà P. ở quận Tân Bình (TP.HCM) để đòi tiền.
Suốt 5 tháng trời (từ tháng 3 đến tháng 8-2015) bà P. lúc thì hứa “em Chi sắp bay”, khi lại nói sẽ rút tiền trả lại, nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín.
“Tôi đã gửi đơn nhờ Công an Q.Tân Bình điều tra làm rõ về hành vi của bà P. nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Rất nhiều lần công an gọi bà P. tới làm việc, bà này hứa đến ngày này, ngày kia sẽ trả tiền, nhưng sau đó thất hứa và vẫn không bị xử lý” - bà Minh bức xúc.
Giấy chuyển tiền của các nạn nhân cho bà P. - Ảnh: Tiến Thành |
“Chuyện này bí mật, không được nói với ai?”
Trong quá trình tìm hiểu câu chuyện này, chúng tôi hết sức bất ngờ là nhiều người bị lừa một cách quá dễ dàng với cùng chiêu thức “không được tiết lộ cho ai”.
Theo các nạn nhân, khi bà P. dẫn người này, người kia đi làm thủ tục, đi phỏng vấn chỉ đưa ra quán cà phê gần lãnh sự quán ngồi. Sau đó có một người tên Tâm gọi điện nói đã lo thủ tục, không cần phỏng vấn nữa, một tuần nữa lấy visa. Rồi bà P. dặn: “Chuyện chạy chọt chỉ một mình mình biết, không được nói cho ai, lỡ lộ sẽ không được đi”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhung (48 tuổi, trú thôn Kim Châu) kể tháng 12-2014 bà vào TP.HCM tiễn chị ruột về Mỹ sau khi thọ tang mẹ xong. Tại đây, bà được bà P. giới thiệu có thể lo thủ tục cho một “suất du lịch Mỹ”. Từ đó đến nay bà P. lúc nói mượn, lúc nói đóng tiền vé máy bay... và đã chiếm đoạt của bà Nhung tổng cộng 364,5 triệu đồng.
Nói về việc tại sao không đi phỏng vấn ở lãnh sự quán mà vẫn thông báo về gia đình là “đậu rồi”, bà Nhung nói “lúc đó tin tưởng, giờ mới biết bị lừa”. Bà Nhung kể hôm phỏng vấn, bà P. chở bà thẳng vô một quán cà phê gần lãnh sự quán ngồi, nói chờ bà Tâm vào trong làm thủ tục trước.
“Một lúc sau bà Tâm gọi điện cho bà P., nói thủ tục chị Nhung xong rồi, một tuần nữa lấy visa, nên không cần phải phỏng vấn nữa” - bà Nhung nhớ lại. “Bà P. còn dặn tuyệt đối giữ kín chuyện không phỏng vấn mà vẫn đậu, kể cả với chồng, con, anh em ruột, chứ lộ ra không được đi nữa. Tin lời, tôi im như thóc, gặp ai cũng nói đậu rồi và cứ thế nộp tiền vé máy bay, tiền mở sổ, cho bà P. vay...”, bà Nhung đau khổ kể.
Hai em Cẩm Chi và Ngọc Anh cũng xác nhận mình đã diễn chung “kịch bản” đã được bà P. đạo diễn. Em Cẩm Chi cho biết thêm trong những ngày lưu lại nhà trọ của bà P. để “chờ bay”, em cũng gặp nhiều bạn cùng hoàn cảnh. Nhiều lần được thông báo là sắp đi du học, nhưng rồi trục trặc, nên Chi và Anh lại về căn phòng trọ của bà P. ở suốt mấy tháng trời.
“Bà P. dặn không được tiết lộ việc không vào phỏng vấn mà vẫn đậu, vì như thế việc đi du học sẽ bị cắt. Sợ quá nên dù phải chờ đợi, sống tạm bợ, thiếu thốn, tụi em cũng không dám kể cho ba mẹ ở nhà biết. Cho đến khi mẹ em chịu không nổi, vào nhà trọ bà P. đưa em về, nói nhà bị lừa rất nhiều tiền, em mới biết và mới kể lại chuyện mình không hề đi phỏng vấn” - Chi nói.
Cũng theo các nạn nhân, ngoài ba gia đình ở thôn Kim Châu làm đơn tố cáo bà P. đến Công an Q.Tân Bình, còn nhiều người khác ở TP.HCM, Bến Tre... cũng làm đơn tố cáo bà P. về hành vi lừa tiền tương tự. “Ở huyện Cư Kuin còn hai nạn nhân khác cũng đã mất cho bà P. hàng trăm triệu đồng” - bà Minh thông tin.
Đang điều tra làm rõ vụ việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết đã tiếp nhận đơn của một số người gửi đến tố cáo bà N.T.P. (50 tuổi, tạm trú đường Út Tịch, P.4, Q.Tân Bình) có hành vi chiếm đoạt tiền của họ. Vụ việc đang trong giai đoạn điều tra, làm rõ. Bước đầu, cơ quan điều tra Công an Q.Tân Bình đã mời bà P. đến làm việc. Qua xác minh vụ việc có nhiều dấu hiệu của một vụ án dân sự, vì vậy cơ quan điều tra công an quận đang tiếp tục theo dõi, làm rõ. PV Tuổi Trẻ đã tìm đến địa chỉ căn nhà mà bà P. đang thuê ở, nằm trong một con hẻm trên đường Út Tịch (P.4, Q.Tân Bình). PV gọi, gõ cửa nhưng không có ai trả lời. Từ ngoài nhìn vào, cánh cổng của căn nhà cấp 4 này được khóa bằng hai ổ khóa to. Khi chúng tôi hỏi thăm một số người dân sống gần nhà bà P. thì được biết bà P. và hai người con vẫn đang sống trong căn nhà trên. Tuy nhiên, do có nhiều người đến đây để đòi tiền nên dù ở trong nhà bà P. cũng khóa cửa. Vào buổi sáng sớm hằng ngày, người dân có thấy bà P. và các con mở cửa đi ra ngoài. Khi ra đường, bà P. luôn đeo khẩu trang bịt kín mặt và không tiếp xúc với hàng xóm. |