Giáo dục

​Tôi thấy có lỗi với học trò vì phong trào

TTO - Tôi là giáo viên tiếng Anh tiểu học ở quận 7, rất bức xúc về phong trào thi kể chuyện bằng tiếng Anh cho các em học sinh.

Học sinh tham gia một cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Anh - Ảnh: P.NG.
Học sinh tham gia một cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Anh - Ảnh: P.NG.

Mang tiếng là giúp các em tự tin sử dụng tiếng Anh, thực chất đây là phong trào mang tính thành tích là nhiều vì sẽ có bao nhiêu em thật sự được sử dụng tiếng Anh qua phong trào này? Trong khi giáo viên và học sinh được chọn lựa cho cuộc thi phải vật lộn từ khâu chuẩn bị đến khi đi thi.

Giáo viên tiếng Anh phải dạy đủ 23 tiết một tuần, nhưng thực tế ai cũng phải dạy nhiều hơn số tiết đó, vì vậy thời gian tập luyện cho các em hoàn toàn không có vì các em còn học các môn tiếng Việt và kỹ năng khác.

Giáo viên cùng các em phải dùng giờ ra chơi để tập lời thoại, diễn xuất. Vì thế các em không còn thời gian để chơi đùa hay nghỉ ngơi với bạn bè, làm cho tôi cảm thấy có lỗi làm mất đi thời gian quý báu của các em chỉ vì bệnh thành tích, phong trào của người lớn.

Tất cả các khâu chuẩn bị từ tập thoại đến khâu sân khấu, hình ảnh, âm thanh và đạo cụ... chiếm hết thời gian của thầy trò chúng tôi. Kết quả? Chẳng đem lại học gì cho các em mà chỉ “hành” các em là chính. 

Sau khi thi xong, các em không quan tâm đến thắng thua mà chỉ hỏi tôi rằng các em được tự do thoải mái trong giờ chơi chưa? Làm tôi cảm thấy các em như những con rối trong phong trào này. 

Đã vậy, giải thưởng cho hạng nhất tranh tài chưa đến 2 triệu đồng, chẳng là gì so với số tiền bỏ ra. Tôi được biết rất nhiều trường lớn vì thành tích đã đầu tư thuê người dạy các em diễn xuất, trang trí sân khấu hoành tráng tốn hơn cả chục triệu đồng.

Trường tôi mặc dù là trường nhỏ cũng tốn gần chục triệu cho mọi chi phí, từ thuê phục trang đến xe đưa rước các em, tiền ăn trưa chờ đến lượt trường mình thi... Số tiền ấy, tôi nghĩ dành để giúp các em có hoàn cảnh khó khăn sẽ hay hơn và thiết thực hơn rất nhiều.

Tôi chỉ mong mỏi các sở, phòng hãy thực hiện đúng những gì Bộ GD-ĐT ban hành trong việc trị dứt căn bệnh thành tích, để giáo viên được “cởi trói” và có nhiều thời gian hơn trong việc giảng dạy, học sinh được vui chơi, nghỉ ngơi nhiều hơn.

Tôi cũng muốn hỏi tại sao các tỉnh thành khác trị dứt được bệnh thành tích như Đà Nẵng, Kiên Giang, Cần Thơ... còn TP.HCM vẫn không làm được?! 

Câu trả lời xin dành cho các nhà quản lý ngành giáo dục thành phố.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  267,434       1/447