TTO - Một ngày khai giảng nữa vừa qua. Khai giảng hôm nay có còn đọng lại trong ký ức mỗi đời người với hình ảnh “buổi mai hôm ấy”?
Học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu biểu diễn văn nghệ trong lễ khai giảng năm học mới sáng 5-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuổi Trẻ trò chuyện với hai nhà giáo với những ký ức không phai mờ về "hôm nay tôi đi học". Đọc, bạn đọc sẽ gợi mở những nỗi niềm và cũng là những gửi gắm về ngày đầu tiên đi học.
Buổi khai giảng hôm nay cô có đôi lời nhắn nhủ với các con về mục đích đến Trường Nguyễn Đình Chiểu. Đến trường đương nhiên để học. Nhưng học để làm gì? Chúng ta học có 4 mục đích: học để vui chơi, để sống, để làm việc và để yêu thương. Các con và các thầy cô hãy giữ gìn sức khỏe, và mỗi ngày chúng ta sẽ đến trường cho những điều bình dị này: Sống, vui chơi, làm việc, yêu thương
Không nhớ diễn văn
"Ngày đầu tiên tôi đến trường tính đến nay là 77 năm rồi. Tôi không nhớ ngày khai giảng nào có nghi lễ, diễn văn. Có lẽ ngày ấy các thầy cô của chúng tôi không trọng hình thức, mà nếu có, chắc không thể để lại ấn tượng trong học trò" - thầy giáo Cổ Văn Hậu, nguyên giảng viên ĐH Kiến trúc TP.HCM, nói.
* Vậy điều thầy Hậu nhớ nhất trong ngày khai giảng đầu tiên là gì?
- 6 tuổi, tức năm 1940, tôi đến trường lần đầu tiên, Trường Cầu Kho ở góc đường Galieni - Nguyễn Tấn Nghiệm (tức góc đường Trần Hưng Đạo - Trần Đình Xu ngày nay). Ấn tượng đầu tiên là lần đầu tôi biết tên
tôi là Cổ Văn Hậu. Được cô giáo gọi tên "Cổ Văn Hậu" để xếp hàng vào lớp, tôi thấy mình lớn hẳn lên.
Cha tôi là giáo chức, nhưng cho đến khi dẫn tôi đến trường gửi gắm cho cô giáo, ông chưa dạy tôi một chữ nào ở nhà mà chỉ bảo: "Giờ đã đến tuổi đi học, con phải cố gắng học, kiến thức làm nên giá trị con người. Đến trường là để học, không được để mất thời gian. Thời gian mất đi là không bao giờ lấy lại được".
* Ý nghĩa của lời dạy ấy có lẽ là quá sức với một cậu bé 6 tuổi...
- Tất nhiên. Còn nhỏ lắm nên tôi đâu đã hiểu, thấm thía được lời ấy, nhưng nhớ hoài và khắc sâu là nhờ cô giáo. Ngày đầu tiên đến trường, còn bỡ ngỡ ngắm trường, ngắm lớp, ngó nghiêng xem bạn nào có thể làm quen thì cô giáo đã gọi vào lớp học, xếp chỗ ngồi, dặn dò vài câu và bắt đầu ngay bài học đầu tiên.
Biết tên mình, học vài hôm sau đã có thể đánh vần và viết tên mình, tên cha mẹ... Tôi bắt đầu hiểu được lợi ích của sự học như vậy đó, và vẫn tiếp tục học và dạy học đến tận hôm nay, khi đã 84 tuổi.
Những lần khai giảng sau cũng thế. Đến ngày ấy, đêm thức dậy mấy lần chờ trời sáng để đến trường. Lớp mới, bạn mới, thầy cô mới. Sau tiếng trống, sau mấy lời của thầy hiệu trưởng là tiết học đã bắt đầu. Chúng tôi được tiếp xúc với kiến thức mới, chân trời mới trong niềm háo hức ấy.
* Ngoài kiến thức, ký ức tuổi học trò của thầy ắt là rất phong phú?
- Thời tiểu học, sau hơn một năm học ở Trường Cầu Kho thì gia đình tôi phải chuyển về Tân Trụ, Long An vì ảnh hưởng Thế chiến 2 lúc đó, quân Nhật vào chiếm Sài Gòn. Tôi và anh trai học ở Trường Tân Trụ, cách nhà khoảng 2km.
Sáng sớm đi bộ trên con đường đá đỏ, sương còn lạnh lạnh, tiếng côn trùng rỉ rả trong bụi cỏ, mặt trời lúc khuất trong mây, lúc từ từ lồ lộ lên đám cây. Tiếng "dí dí thá thá" thúc trâu của người đi cày, tiếng hú gọi nhau của người đi cấy... Cảnh cánh đồng quê hương mấy mươi năm vẫn còn rõ trong ký ức tôi.
Ngẫm các em nhỏ bây giờ mà thương, ký ức trên đường đến trường chỉ là ngồi sau xe cha mẹ, cảnh kẹt xe, khói bụi, đèn đỏ và nỗi lo trễ giờ đóng cổng, bị giám thị ghi tên...
* Nghe thầy kể chuyện, thấy rõ đường đến trường ngày xưa vô tư, thanh thản, nhẹ nhàng hơn bây giờ nhiều...
- Với cả cha mẹ cũng vậy. Ngày nay, học trò đi học, cha mẹ có nhiều nỗi lo quá. Nào tiền trường, tiền sách vở, dụng cụ, đồng phục, lại còn sổ vàng, quỹ lớp, quỹ trường, lại còn lo trường điểm, học thêm... Đường đến trường vì thế mà nặng nề hơn, bớt vô tư hơn so với chúng tôi thời đó.
Không tung hoa, bong bóng
Cô giáo Hà Thanh Vân - hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) - nhớ lại: "Hồi ấy chúng tôi không có học thêm, hè nghỉ một lèo ba tháng ở nhà phụ giúp cha mẹ, nhớ trường, nhớ lớp lắm.
Đầu tháng 9 đến trường, nhận lớp, ngó xem các bạn cũ có còn chung lớp, chung bàn mình không, rồi đến thư viện trường thuê sách, về mua giấy đóng tập, tìm họa báo bọc sách, bọc vở.
Tôi không nhớ lắm những nghi thức khai giảng bằng nỗi háo hức đến trường ngày 5-9, vào lớp, gặp lại bạn bè và bắt đầu bài học mới".
* Ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, với tính chất chuyên biệt của các học sinh, những ngày khai giảng đã được cô tổ chức như thế nào?
- Ở trường tôi, ngày khai giảng là để đón học sinh lớp 1, học sinh mới và phụ huynh các em. Chúng tôi đón các em không bằng tung hoa, bong bóng mà tập trung vào những hoạt động thật có ý nghĩa.
Hôm ấy, các em học sinh mù, nhìn kém của chúng tôi sẽ được giới thiệu một không gian mới, mặc bộ đồng phục của trường, được trao tặng bộ dụng cụ học tập đặc biệt. Đó là cả một thế giới mới với các em. Với các phụ huynh cũng vậy.
Ngày khai giảng sẽ là ngày đầu tiên họ đến trường, được nhìn và giải thích những gì con sẽ được học; được quan sát các em lớp lớn hơn đã tự tin và thành thạo như thế nào; được nhìn thấy các giáo viên khiếm thị, xem đội biểu diễn văn nghệ của trường... Những điều đó sẽ động viên họ rất nhiều để cùng con em mình vượt qua khó khăn.
Tôi thường nói với học sinh và phụ huynh vài câu: "Các con có điều khác biệt với các bạn khác. Các thầy cô sẽ dạy các con cân bằng lại khác biệt, hãy cố gắng để thực hành những điều học được, cho nó một ý nghĩa với chính mình...".
Cũng có khi tôi kể chuyện về những tiến bộ của các bạn học sinh sắp ra trường, về những bạn đã có thể sinh hoạt như một người bình thường và đã sẵn sàng để đi học hòa nhập. Những câu chuyện ấy là báo cáo thành tích của trường chúng tôi.
* Nhìn sang các trường bình thường khác, cô nghĩ ngày khai giảng nên diễn ra như thế nào?
- Không riêng gì các học sinh mù, các học sinh bình thường cũng không thích nghe đọc diễn văn "kính thưa", mà ngày khai giảng là dành cho các em chứ không phải người lớn. Năm nay, Sở GD-ĐT khuyến cáo các trường bớt phần "lễ", tập trung phần "hội" là rất đúng đắn.
Tuy nhiên tôi nghĩ để cho ngày khai giảng trọn vẹn ý nghĩa thì các trường chỉ nên tổ chức khai giảng cho học sinh mới, đầu cấp, lần đầu đến trường. Khi ấy tất cả với các em là mới mẻ, giá trị của trường lớp, của sự học được tôn vinh trong ngày khai giảng ấy sẽ thật sự là ấn tượng lâu dài trong cuộc đời.
Hiện giờ, các em đã đi học hơn nửa tháng, ý nghĩa đầu tiên, mới mẻ của ngày khai giảng, tựu trường vì thế mai một. Lại có những trường không đủ sân, chỉ chọn học sinh giỏi đi khai giảng.
Như thế sẽ có những em không phải học sinh giỏi không còn biết ngày khai giảng như thế nào nữa, sẽ là một thiệt thòi lớn trong cuộc đời trong khi các em khác lại chán ngán với lễ khai giảng rập khuôn, lặp đi lặp lại nhiều năm.
Thật mong tất cả các học sinh, khi lớn lên vẫn còn nhớ những bồi hồi của ngày khai giảng.
Điều đẹp đẽ
Tôi còn nhớ một câu chuyện trong mấy năm học ở quê, ngày học hai buổi nên buổi trưa chúng tôi và các bạn nhà xa khác ở lại trường. Nhà trường tổ chức nấu cơm trưa, mỗi học trò góp một lon gạo một ngày. Sáng, mẹ xúc cho hai anh em hai lon gạo “căngtin” đựng vào giỏ tre. Một lần, một tay ôm cặp, tay xách giỏ gạo, chúng tôi đang đi thì nghe tiếng dế gáy. Bỏ cặp, bỏ giỏ xuống, cả hai anh em cùng tìm bắt con dế. Chụp được rồi, chúng tôi lấy giấy xếp một cái hộp, bỏ dế vào rồi ba chân bốn cẳng ôm cặp chạy đến trường.
Buổi trưa, xuống căngtin, ôi thôi cả hai mới nhớ ra giỏ gạo đã bỏ quên bên bờ ruộng. Nghĩ trưa nay không được ăn cơm, tôi bật khóc. Ông Năm già phụ trách căngtin hỏi: “Sao con khóc?”, tôi mếu máo: “Con quên mang gạo rồi”, ông cười: “Nay quên thì mai đem. Con vào ăn đi”. Tôi lại cười toe. Đến chiều, lại còn tìm thấy giỏ gạo còn nguyên bên bờ ruộng.
Nay thỉnh thoảng đọc báo, thấy tin học sinh bị bêu tên khi chưa nộp học phí, học sinh bị “cách ly” vì không đăng ký học phụ đạo tiếng Anh, kỹ năng, thậm chí có bé mẫu giáo không được ăn bữa phụ vì mẹ không đóng tiền… tôi thật xót xa. Những chuyện ấy, các em sẽ khó quên lắm. Hãy để lại cho học trò những ấn tượng đẹp, thật đẹp về trường lớp, thầy cô. Những điều đẹp đẽ ấy sẽ nâng đỡ các em rất nhiều trên đường đời.