Giáo dục

Lấy nghề nuôi nghề có gì sai?

TTO - Ở chỗ tôi, con nít 8 tuổi sáng đã phải dậy sớm nấu cơm để bố mang lên núi đốn củi kiếm tiền, sự học của chúng gian nan gấp trăm lần so với tưởng tượng.

Lấy nghề nuôi nghề có gì sai? - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Thanh (56 tuổi, nguyên giáo viên Trường tiểu học Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) nhiều năm dạy học cho trẻ khuyết tật, mồ côi mà không lấy một đồng nào - Ảnh: Lê Trung

Học cấp 1, chúng tôi chưa từng học một chữ tiếng Anh vì ở đấy không có giáo viên. Học cấp 2, chúng được học tiếng Anh nhưng thầy cô dạy tiếng Anh chẳng khác nào đang nói tiếng Thái: chữ "phở" mà ông thầy thì phát âm là "nu đồ", còn bà cô đọc là "nút đồ" (xin lỗi, tôi không có ý xúc phạm thầy cô và không trách thầy cô vì họ cũng không muốn thế).

Cũng chẳng có chiếc máy tính nào ở trường cấp 2 để lũ con nít sờ cho biết cái bàn phím. Lên cấp 3, những đứa trẻ như chúng tôi mới bắt đầu tiếp cận được ngôn ngữ thứ hai "Anh văn" một cách tương đối, nhưng đó cũng là lúc chúng tôi phải bắt đầu chạy vì đã thụt lùi quá xa so với đám bạn ở thành thị.

Năm đầu cấp 3, từ một học sinh thuộc dạng khá của vùng, khi đối mặt với cách học khác, cách dạy khác và chương trình nặng nề, tôi đã lưu ban vì môn toán. Lớp tôi nhiều bạn khác cũng ở lại.

Sau lần vấp ngã đó, chúng tôi bắt đầu những buổi học thêm, không phải vì thầy cô thiên vị người học thêm, mà tự thấy mình thua tất cả về mọi mặt. May mắn thay, nhờ những buổi học ấy, chúng tôi đứa đậu tốt nghiệp, đứa đậu đại học.

Đọc những bài báo của một số tờ chuyên đi rình rập "bắt" các chỗ dạy thêm, tôi thấy đau lòng. Dạy thêm có thể vì tiền, chắc chắn vì tiền, nhưng dạy thêm không chắc xóa đi tư cách người thầy giáo. 

Ông thầy tôi gom lũ học trò lại dạy, mỗi đứa một tháng chưa tới 100.000 đồng, những đứa nghèo toàn học miễn phí. Có đứa quá khổ, thầy nhận tiền những đứa khác gom lại rồi đem cho trò. 

Một ông thầy nữa giờ là hiệu phó trường cấp ba, ngày đi dạy trên lớp, về nhà vẫn xắn quần xuống ruộng. Rồi chạy vạy xin người này, "thổi" lỗ tai người kia để cưu mang giúp đỡ những học trò hoàn cảnh khó khăn. 

Nhẩm nhẩm thì thầy giúp gần cả trăm trường hợp chứ không ít, đứa ít thì 3-5 triệu, đứa nhiều bệnh đau nặng thì cả trăm triệu đồng. 

Tiền nhận mỗi tháng của cả đám trò học thêm, thầy đưa lại cho những đứa khác nghèo khổ hơn. Hết học kỳ I, thầy lục đục dọn gác nhà trên, dẫn học trò về cho bọn nó ôn thi đại học, ôn ở đó, ăn ngủ ở đó. 

Nhiều người lên án dạy thêm và cho rằng "hãy để học sinh có tuổi thơ, đừng bắt các em học thêm để làm lợi cho thầy cô". Xin các bạn hãy đi xa hơn và nhìn rộng hơn. 

Ở thành thị, tuổi thơ của học trò là chơi đùa, du lịch. Ở vùng quê, tuổi thơ của các em là sáng dậy sớm phụ cha mẹ ra đồng, chiều sẩm tối lùa bầy trâu về chuồng, trên lưng cõng theo bao cỏ, gánh củi hoặc mớ măng tre.

Vừa kiếm chữ vừa kiếm cơm, đó không phải là chuyện dễ dàng và cái sự học của chúng lắm gian nan. Có thể trẻ ở thành đi học thêm để kiếm điểm, còn chỗ tôi trẻ học thêm là để không bị thất học.

Thầy cô cũng vậy! Khi họ sống bằng chính nghề của họ - cũng như bác sĩ mở phòng mạch, nhà báo viết bài truyền thông... thì cớ gì kết tội họ? Ngoài công việc trồng người, họ còn có gia đình, phải nuôi gia đình của mình. 

Tôi nghe câu chuyện của một người bạn mới ra trường xin nhận vào dạy hợp đồng ở một trường cấp 3 mà xót xa. 

Cậu ấy kể nhiều khi trên đường tới trường dạy học gặp bạn bè đang uống cà phê gọi vào, cậu giả vờ không nghe vì trong túi chỉ có mấy mươi ngàn đồng, ghé vào lấy tiền đâu đổ xăng, cơm trưa. Lương hợp đồng ngót nghét chưa tới 3 triệu đồng, tiền xăng còn thiếu huống chi là cà phê, tiệc tùng.

Nếu Bộ Giáo dục - đào tạo quan tâm hơn cuộc sống của nhà giáo và chế độ lương bổng, tin rằng việc dạy thêm sẽ không còn, nếu còn thì chỉ là phụ đạo học sinh. 

Nếu chưa giải quyết được bài toán lương giáo viên, xin đừng lên án nhà giáo dạy thêm vì không ai có quyền!

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả về đồng lương nhà giáo và việc dạy thêm. Bạn có suy nghĩ gì? Bạn có đồng tình với việc cấm dạy thêm, học thêm? Mời bạn chia sẻ ý kiến ở ô Bình Luận, hoặc gửi email đến địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  198,767       7/1,130