Giáo dục

Người dân đòi lại đất hiến xây trường, học sinh bơ vơ

TTO - Mấy ngày qua, giáo viên điểm trường Tân Hiệp của Trường tiểu học 1 xã Lợi An (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) đã tháo bảng đen, bàn ghế và "di tản" học sinh ra khỏi điểm trường này.

Người dân đòi lại đất hiến xây trường, học sinh bơ vơ - Ảnh 1.

Phụ huynh đưa con đến rồi lại dẫn con về vì các phòng học ở điểm trường Tân Hiệp, Cà Mau bị khóa cửa - Ảnh: N.B.

Trước đó, bà Nguyễn Kim Anh - được biết như là đại diện gia đình hiến đất xây điểm trường trên - đã đến khóa cửa lớp, đuổi giáo viên đang dạy ra ngoài.

 "Tôi biết việc làm của mình cản trở học sinh học hành. Nhưng do chính quyền chiếm đất, xây dựng trường không phép trên đất của tôi mà không chịu bồi thường" - bà Kim Anh nói.

Hiến 810m2 đất xây trường từ năm 1999

Bà Nguyễn Kim Anh còn giữ biên bản do UBND xã Lợi An thỏa thuận, ghi nhận mẹ chồng của bà là cụ Thái Thị Thố - mẹ liệt sĩ, thương binh 4/4 - lập ngày 16-10-1999, hiến 810m2 đất để xây dựng 5 phòng học cho điểm trường Tân Hiệp. 

Phần đất được hiến xây trường nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cấp ngày 21-8-1993, có 44.340m2 đất các loại, do chồng bà Kim Anh là ông Nguyễn Văn Bé đứng tên.

Gia đình hiến đất, nhưng bà Kim Anh cho rằng chính quyền xây trụ sở ấp, làm 4 phòng học lấn thêm 300m2 đất của gia đình nhưng không chịu bồi thường. "Tôi sẽ lấy lại đất hiến và đất bị lấn chiếm, vì chính quyền đã lợi dụng lòng tốt của người dân" - bà Kim Anh nói.

Theo bà Kim Anh, bà đòi chính quyền trả tiền sử dụng đất lấn chiếm 300m2 từ năm 1999, mỗi ngày 100.000 đồng, và cứ tiếp tục sử dụng thì phải trả tiền. Ngoài ra, 810m2 đất đã hiến vào năm 1999 vẫn còn nằm trong quyền sử dụng đất của gia đình bà nên bà lấy lại.

Chậm trễ việc học của hàng trăm học sinh

Đầu năm học mới, bà Kim Anh đến điểm trường Tân Hiệp đuổi giáo viên đi. Khi giáo viên tháo bảng đen, bàn ghế, thiết bị chở đi, bà Kim Anh nói: "Tôi mở cửa 3 phòng học xây dựng trên đất gia đình hiến để chờ giải quyết. Nhưng với 2 phòng còn lại, dứt khoát không cho giáo viên vào giảng dạy".

Bà Nguyễn Tuyết Thành có ba đứa cháu đang học tại điểm trường Tân Hiệp than thở: "Tôi dẫn ba đứa cháu nội, ngoại đi học để cha mẹ tụi nhỏ đi làm ăn. Nhưng bà cháu chỉ đội nắng đội mưa rồi về, không ngày nào được vào lớp học".

Còn vợ chồng nhà giáo về hưu Lê Phú Nhuận, ở ấp Tân Thành chỉ về điểm trường tiểu học Tân Hiệp nói: "Bao năm nay việc học không yên ổn. Năm học đã bắt đầu gần 10 ngày rồi mà ở điểm trường này người ta cứ cự cãi, chửi bới do tranh chấp đất". 

Vợ ông Nhuận nói thêm: "Chính quyền, công an, giáo viên có mặt rồi cũng rút về, chuyện tranh chấp chưa giải quyết được".

Ông Trần Thanh Dũng, trưởng ấp Tân Hiệp (xã Lợi An), nói: "Vụ tranh chấp xảy ra từ nhiều năm nay. Xã Lợi An đã biết, nhưng không hiểu vì sao tới nay vẫn không giải quyết, để chậm trễ việc học hành của hàng trăm học sinh".

Chuyển học sinh đến trường lân cận

Khi chúng tôi tìm đến gặp, bà Nguyễn Ngọc Nhiên - hiệu trưởng Trường tiểu học 1 Lợi An - nói bận và không cung cấp hồ sơ pháp lý về thửa đất xây trường, giấy phép xây dựng... 

Tương tự, ông Nguyễn Phước Thuận - chủ tịch UBND xã Lợi An - cũng nói chờ cấp trên chỉ đạo, không cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến điểm trường Tân Hiệp.

Trong khi đó, ông Trần Hùng Dũng - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Trần Văn Thời - cho biết: "Chúng tôi chủ động khởi kiện tranh chấp đất với bà Nguyễn Kim Anh ra tòa. Trong thời gian chờ giải quyết, chúng tôi sẽ chuyển học sinh đến học tập tại các điểm trường lân cận bên ấp Tân Thành, cùng địa bàn xã Lợi An, cách điểm học cũ gần 2km".

Còn theo ông Nguyễn Đồng Khởi - chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời: "Chúng tôi đang gặp bất lợi trong tranh chấp đất trường học với dân. Tôi không biết vì lý do gì trường đã xây dựng xong từ lâu nhưng lại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất".

Ảnh hưởng phong trào hiến đất xây trường

Ông Nguyễn Đồng Khởi nói: "Bà con trong huyện vốn có tinh thần hiến đất xây dựng trường học. Vụ tranh chấp đất tại điểm trường Tân Hiệp xuất phát từ mâu thuẫn kinh tế của người hiến đất cho giáo dục đã ảnh hưởng xấu đến phong trào dân hiến đất xây trường".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  265,017       1/703