Giáo dục

Thầy Tây gọi Hoa Hồng là Rose có gì sai?

TTO - "Hoa hồng, dù gọi bằng bất kỳ tên gì đi nữa, thì mùi hương vẫn ngọt ngào". Vậy hà cớ gì phải bắt giáo viên Tây gọi tên Việt bằng tiếng Anh?

Thầy Tây gọi Hoa Hồng là Rose có gì sai? - Ảnh 1.

Giảng viên David Scribner III (Mỹ) trong giờ dạy sinh viên Trường ĐH quốc tế Miền Đông - Ảnh: Như Hùng

Cuộc tranh cãi ủng hộ việc đặt tên tiếng Anh để tiện cho việc tương tác giữa giáo viên nước ngoài và học sinh Việt và việc chống lại đặt tên tiếng Anh đang ở thế bất phân thắng bại.

Cuộc tranh cãi không hồi kết

Mọi chuyện bắt đầu khi trong hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh cấp tiểu học năm nay, Sở GD-ĐT TP.HCM quy định giáo viên bản ngữ không sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video... trong giờ dạy. 

Sở cũng quy định trong tiết học có giáo viên bản ngữ phải có giáo viên tiếng Anh phụ trách lớp tham gia, giáo viên người Việt không phiên dịch sang tiếng Việt cho trẻ. 

Đồng thời, giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt và tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh cho học sinh.

Quy định này lập tức gây "bão" tranh luận với hai luồng ý kiến trái chiều. Phía chống đặt tên tiếng Anh không đưa ra được lý luận nào thuyết phục ngoài nội dung tên cha mẹ đặt thì phải gọi cho đúng.

Truyền thông dẫn lời một giáo viên quản lý trung tâm đào tạo tiếng Anh nói rằng ngoại ngữ cần thiết cho tất cả mọi người, có thêm một ngoại ngữ là một thế giới mở ra cho mỗi người, mang đến nhiều cơ hội hơn và đặc biệt ta được tiếp xúc thêm với một nền văn hóa. 

Ở nền văn hóa đó, mỗi dân tộc đều cố gắng giữ gìn bản sắc của mình thì học sinh Việt cũng vậy. Và cái tên cũng là phần thể hiện rất rõ bản sắc, con người mình, hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM rất tâm huyết, có cái nhìn chiều sâu, các địa phương khác nên tham khảo. 

Chưa kể chỉ cần vài phụ huynh phản ứng việc con họ bị đặt tên tiếng Anh cũng có thể gây ra rắc rối. "Chửi cha không bằng pha tiếng" nhưng đúng hơn, có lẽ hơn phải là chửi cha không bằng "chế" tên.

Một bạn là học viên lớp ngoại ngữ do giáo viên nước ngoài giảng dạy cũng bày tỏ không thích mình có thêm một cái tên nào khác, kể cả bằng tiếng Anh. 

"Không biết mọi người thế nào chứ em đi học thêm Anh văn chẳng thích đặt tên tiếng Anh. Em đọc được tên giáo viên nước ngoài, lần đầu chưa đúng, sau đó cũng đọc đúng. Nên em nghĩ họ cố gắng thì đọc cũng được nếu người học không thích đặt tên tiếng Anh như em" - bạn này nói.

"Tên tiếng Việt quá khó phát âm"

Một clip trên YouTube cho thấy giáo viên nước ngoài gặp khó khăn khi gọi tên học sinh bằng tiếng Việt như thế nào. Clip chỉ mang tính hài hước, không phải là một tiêu chí để đánh giá hay tranh luận.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên phát biểu: giáo viên nước ngoài rất khó phát âm tên tiếng Việt của học sinh, nên việc đặt tên tiếng Anh cho các em là cần thiết. Ngoài ra, tên tiếng Anh được sử dụng trong lớp học cũng tạo nên sự gần gũi, thú vị trong tiết học, kích thích sự ham học của trẻ.

"Tôi thấy việc đặt tên tiếng Anh cho học sinh trong lớp không quan trọng bởi đó chỉ là hình thức. Điều cần quan tâm là chất lượng của tiết học thế nào. Nếu đặt tên tiếng Anh giúp sự giao tiếp thuận tiện hơn thì không nên cấm một cách cứng nhắc".

Tôi trao đổi với Mr. Minh - người có tên tiếng Mỹ rất dài và khó đọc. Ông là người Texas, từ khi lấy vợ Việt ở Gò Vấp, Mr. Minh được vợ chọn cho một cái tên tiếng Việt để giao tiếp với bà con vì ngay cả vợ Mr. Minh mỗi lần kêu tên thật của ông cũng trẹo cả lưỡi.

Điều thú vị là Mr. Minh hiện đang dạy tiếng Anh cho mấy trung tâm, tại đây ông cũng không dùng tên trong hộ chiếu mà lấy tên là Bill, tên bạn bè gọi hồi còn đi học để học sinh dễ gọi.

Mr. Minh nói rằng ông đã nghỉ hưu sớm nên chu du nhiều nước và từng dạy thêm tiếng Anh ở Trung Quốc, Nhật, Philippines và bây giờ là Việt Nam. Ở đâu ông cũng phải đặt tên học viên bằng tiếng Anh hoặc phiên tên ra tiếng Anh mới tương tác tốt được.

Mr. Minh nói sự tương tác khi dạy ở Việt Nam và Philippines thuận tiện hơn ở Trung Quốc và Nhật và hai quốc gia này sử dụng dụng mẫu tự alphabet tương tự tiếng Anh.

Nên hay không nên?

Trước tiên, cần nhận thức rằng nền giáo dục ở bất kỳ nơi đâu cũng thực hiện việc giảng dạy và giáo dục qua hình thức tương tác và đánh giá học sinh. 

Dù các tiêu chí và cách thức tương tác, đánh giá ở mỗi nền giáo dục có thể khác nhau, nhưng tất cả đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là định lượng thành tựu học tập của học sinh.

Việc các giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh, đặt tên tiếng Anh cho học sinh là điều thuận tiện hơn cho quá trình tương tác và đánh giá, chưa thấy một khảo sát nào cho thấy việc đặt tên tiếng Anh là cản trở hoặc gây hại cho việc dạy và học.

Do đó, Sở GD-ĐT nên chăng "mềm hóa" quy định này cho phù hợp với thực tiễn dạy và học.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  264,523       1/571