Giáo dục

Hiệu trưởng hiến đất xây trường cho học trò Xê Đăng

TTO - Một hiệu trưởng ở Quảng Nam đã hiến gần 600m2 đất nhà mình để mở rộng khuôn viên cho ngôi trường cũ, nơi ông từng công tác.

Hiệu trưởng hiến đất xây trường cho học trò Xê Đăng - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp trong giờ lên lớp tại Trường PTDT bán trú THCS Trà Mai - Ảnh: B.D.

Những ngày này, Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đang chuẩn bị động thổ công trình mở rộng dãy nhà hiệu bộ, phòng làm việc cho giáo viên tại Trường PTDT bán trú THCS Trà Cang - trường bán trú có lượng học sinh nhiều nhất huyện.

Điều làm nhiều phụ huynh và giáo viên ấm lòng là khu đất để mở rộng Trường Trà Cang được thầy hiệu trưởng cũ Nguyễn Khắc Điệp - hiện là hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My) - hiến tặng.

Trường cần 600m2 đất, chứ nếu vì học sinh mà lấy toàn bộ khu đất thì mình cũng không tiếc đâu. Giáo viên vùng cao ở đây toàn như vậy cả

Thầy NGUYỄN KHẮC ĐIỆP

Diện tích đất hiến tùy... nhu cầu của phòng GD-ĐT!

Trong thư gửi Phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My, thầy Điệp viết: "Vợ chồng tôi đồng ý hiến 594m2 đất theo đề nghị của Phòng GD-ĐT huyện để mở rộng khuôn viên trường, gầy dựng cơ sở vật chất, giúp các cháu học sinh có chỗ học và đồng nghiệp có nơi thoải mái làm việc".

Thầy Điệp từng là giáo viên cắm bản ở Trà Cang, xã đặc biệt khó khăn của huyện Nam Trà My. Tháng 9-2000, đến trường nhận công tác, nhìn đồng nghiệp trụ với thời tiết khắc nghiệt, lạnh buốt quanh năm để bám trường bám lớp và các học trò Xê Đăng lam lũ, thầy Điệp nói "tự nhiên thấy thương" và muốn gắn bó với mái trường này. Thầy cùng vợ dành dụm được một khoản tiền nhỏ, dự tính mua một miếng đất rồi dựng nhà lấy chỗ ra vào.

"Hồi đó đất đai mênh mông, sát trường có một miếng rẫy hơn 3.000m2 người dân trồng mía, trồng khoai. Một buổi tối, chủ miếng đất này tới gõ cửa phòng tôi, bảo: Thấy thầy công tác lâu mà chưa có nhà ở, mình thương lắm. Nếu thầy có tiền thì đưa bao nhiêu cũng được, mình nhường lại toàn bộ đất" - thầy Điệp kể lại.

Thầy Điệp về bàn với vợ, vay mượn thêm đồng nghiệp, dốc hết vốn liếng ra mua khu đất trên với giá 80 triệu đồng. Vợ chồng thầy dự tính sau này làm căn nhà gỗ, trồng rau, nuôi thêm gia súc để cải thiện cuộc sống.

Năm 2015, thầy Điệp được điều chuyển về công tác tại trung tâm huyện. Mảnh đất gửi lại cho người thân. Thời điểm này, Trường PTDT bán trú THCS Trà Cang được Phòng GD-ĐT huyện chọn đầu tư nâng cấp thành trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc mở rộng Trường Trà Cang cần một khoản tiền lớn để mua đất xung quanh, huyện lại khó xoay xở với kinh phí hạn hẹp. Biết được điều này, trong những lần nói chuyện với lãnh đạo phòng và ban giám hiệu nhà trường, thầy Điệp đã chủ động mở lời: sẽ hiến đất của mình, diện tích hiến tùy thuộc vào... nhu cầu của phòng!

Dạy lòng yêu thương

Phần đất mà Trường Trà Cang cần để mở rộng trường có chiều dài 33m, ngang 18m. Vợ chồng thầy Điệp đã xẻ đất hiến đủ theo diện tích này. Thầy Điệp nói: "Nếu có tiền để giúp trường thì tốt, nhưng vợ chồng mình làm giáo viên cả, tiền lấy đâu ra. Đất thì có sẵn đó, trường cần 600m2, chứ nếu vì học sinh mà lấy toàn bộ khu đất thì mình cũng không tiếc đâu. Giáo viên vùng cao ở đây toàn như vậy cả".

17 năm làm thầy giáo vùng cao, thầy Điệp đã trở thành ông thầy giáo Xê Đăng của bà con địa phương. Ở Nam Trà My, nhiều dự án, công trình giáo dục cho người nghèo được dựng lên tại đây đều có bóng dáng của thầy hiệu trưởng Nguyễn Khắc Điệp.

Bước vào Trường PTDT bán trú THCS Trà Mai - nơi thầy Điệp đang làm hiệu trưởng, dễ dàng nhận thấy ngôi trường vùng cao này được chăm sóc chu đáo. Thầy Điệp "khoe" mới đi vận động, cất công xuống tận TP.HCM để kết nối với một tổ chức từ thiện, đem được thư viện trị giá hơn 200 triệu đồng về tặng học trò. Tất cả là nhờ... Facebook và các mối quan hệ, thầy Điệp đã kêu gọi và nhận được cái gật đầu về dự án thư viện xanh cho Trường Trà Mai với hàng ngàn đầu sách, công trình phụ trợ trên tổng diện tích 60m2.

Vào đầu mỗi năm học, nỗi âu lo về quần áo đến trường, sách vở, đồ dùng học tập của con em đồng bào Xê Đăng cũng được thầy Điệp tháo gỡ. Thầy xuống tận Đà Nẵng, tìm các nhà hảo tâm nhờ hỗ trợ, rồi chạy xe máy chở từng bao áo quần về trường phát cho học sinh. Thầy cũng đứng ra phát động phong trào học sinh khóa trước tặng lại sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho khóa sau mà theo thầy "vừa tận dụng nguồn sách cũ, vừa dạy học trò lòng yêu thương, sự sẻ chia".

Tìm học bổng du học cho trò Tìm học bổng du học cho trò

TTO - Dù đã đưa được hàng trăm học sinh đi du học, thường xuyên làm việc với các đại sứ quán, các tổ chức giáo dục nhưng thầy Bảng nói cảm giác "vừa run vừa lo" vẫn vẹn nguyên như lần đầu tiên.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  263,201       1/1,302