Giáo dục

Từ nhạc kịch Bé chịu chơi, ngẫm về cách nuôi dạy con thời hiện đại

TTO - 14 show diễn của vở nhạc kịch Bé Chịu Chơi trong tháng 10 đã ghi nhận những phản ứng tích cực cùng sự đón nhận hơn cả mong đợi từ khán giả và giới chuyên môn.

Từ nhạc kịch Bé chịu chơi, ngẫm về cách nuôi dạy con thời hiện đại - Ảnh 1.

Những giờ chơi của các nhóc tì thành phố Xám bị đánh cắp bởi sự kỳ vọng của phụ huynh - Ảnh: GIA TIẾN

Bé Chịu Chơi đã để lại nhiều dấu ấn trên hành trình chinh phục khán giả nhí cũng như truyền tải thông điệp đầy ý nghĩa: Các em có đang thực sự sống một tuổi thơ trọn vẹn? 

Cùng với đó, vở nhạc kịch cũng khiến không ít bậc phụ huynh phải ngẫm nghĩ về cách nuôi dạy con mình trong xã hội ngày nay.

Chuyện của Tí Nị hay chuyện của chúng ta?

Cô bé Tí Nị, nhân vật chính của nhạc kịch Bé Chịu Chơi là một cô bé xinh xắn và thông tuệ nhiều lĩnh vực: toán học, triết học, văn học, thể thao, bơi lội, ngôn ngữ… 

Cô là niềm tự hào vô bờ bến của "Mẹ chuẩn" Lam. Nhưng cô bé chưa bao giờ cảm thấy trọn vẹn bởi những con số vô hồn, những bảng thành tích lấp lánh bởi chúng không thể "vẽ" nên một tuổi thơ hồn nhiên với những trò nghịch ngợm, tung tẩy của Tí Nị. 

Hơn hết, Tí Nị mong mỏi sự quan tâm của mẹ, được cùng mẹ chơi đùa thay vì bù đầu với những lịch học dày đặc.

Nhìn vào nhịp sống hối hả tại các đô thị lớn, hẳn chúng ta đã nhìn thấy đó đây bóng dáng của Tí Nị trong con, em mình. 

Từ tâm lý sợ con thua thiệt, không bằng chị bằng em, không theo kịp sự tiến bộ của xã hội, người ta chỉ mong nhồi nhét vào đầu trẻ những kiến thức ngồn ngộn. 

Có lẽ chưa bao giờ hai chữ "thần đồng", "thiên tài" được dành cho trẻ em nhiều đến như thế: trên sóng truyền hình, trong những gameshow, khiến cho những bậc phụ huynh "chột dạ" con mình sao chẳng được như thế… Những giờ vui chơi của trẻ cứ thế bị… "đánh cắp".

Vậy nên, vượt lên câu chuyện của một vở nhạc kịch thông thường, Bé Chịu Chơi nhẹ nhàng mà sâu sắc, tế nhị nhưng thẳng thắn chạm đến điều "ai cũng thấy nhưng ít ai dám nói ra", đó là ước mong để trẻ em được sống đúng với tuổi thơ của chúng, không cần trở thành thần đồng cao siêu, chỉ cần là một "đứa trẻ" - đúng với ý nghĩa của hai từ ấy trong suốt tuổi thơ vốn sẽ qua rất nhanh của chúng.

Từ nhạc kịch Bé chịu chơi, ngẫm về cách nuôi dạy con thời hiện đại - Ảnh 2.

Vui chơi là một quyền lợi của trẻ nhỏ - Ảnh: Gia Tiến

Cho con chơi, khó mà dễ!

Trong Bé Chịu Chơi, nhân vật Mẹ Chuẩn cuối cùng cũng đã nhận ra rằng niềm vui, sự hồn nhiên của con trẻ mới chính là món quà tuyệt vời nhất mà mỗi ông bố, bà mẹ có thể dành tặng cho những năm tháng tuổi thơ con, bởi tuổi thơ của bà cũng đã từng hồn nhiên như thế. Không ai khác, chính người cha của bà đã mang đến cho bà cả thế giới tuổi thơ không thể nào quên, ngay cả khi bà đã trở thành một người mẹ. 

Và khi nhìn thấy con gái, bà như thấy lại được hình ảnh ngày xưa của mình, vui vẻ và tinh nghịch bên cha.

Thế mới biết, thời gian vui chơi, nô đùa là vô cùng đáng quý với mỗi đứa trẻ, nhưng sẽ là quý giá hơn nếu chúng được cùng tận hưởng giây phút đó với bố mẹ. 

Khoảng thời gian thơ ấu của trẻ em sẽ trôi qua rất nhanh, và những kỉ niệm ấu thơ cùng gia đình sẽ là những "hành trang" đầu tiên mà các em có được trong hành trình khôn lớn sau này. 

Sự đồng hành của bố mẹ với trẻ trong những giờ vui chơi tưởng chừng như "bình thường" lại hóa "quan trọng" trong sự phát triển của trẻ, bởi bên cạnh là người bạn đồng hành, bố mẹ sẽ chính là người định hướng cách chơi đúng đắn nhất cho trẻ.

Rõ ràng, chỉ cho trẻ chơi thôi vẫn là chưa đủ. Để con mình phát triển toàn diện, các bậc cha mẹ còn phải dạy cho con chơi đúng cách! 

Cho con vui chơi, không để con trở thành những "thiên tài chín ép" đã đành, nhưng chơi cùng con, dành thời gian cho con, cùng con tạo ra những kỉ niệm đẹp ấy mới là điều đáng để suy ngẫm, đáng để những bậc phụ huynh phải băn khoăn, tự hỏi chính mình khi tấm màn nhung của Bé Chịu Chơi khép lại.

Nhạc kịch Bé Chịu Chơi đã khép lại sau những suất diễn vui tươi, hoạt náo dành cho cả trẻ nhỏ lẫn gia đình. 

Nhưng có lẽ, vượt lên cả những thông điệp to tát, những hiệu ứng hoành tráng, sân khấu được dàn dựng mãn nhãn, vở diễn này neo lại lòng người một câu hỏi giản đơn mà không dễ trả lời: Ngày hôm nay, bạn đã dành thời gian để chơi cùng con chưa?

Từ nhạc kịch Bé chịu chơi, ngẫm về cách nuôi dạy con thời hiện đại - Ảnh 3.

Học cách vui chơi cùng con là thông điệp mà Bé Chịu Chơi muốn truyền tải - Ảnh: Gia Tiến

Chuyến phiêu lưu kì thú của Tí Nị cùng những người bạn tại hành tinh Xám "cấm chơi" vào thế giới đồ chơi kì lạ của Bé Chịu Chơi đã chính thức khép lại với những suất diễn cuối cùng tại Hà Nội vào hai ngày cuối tuần vừa qua.

Đây là một trong những vở nhạc kịch dành cho thiếu nhi được đầu tư hoành tráng trong năm 2017 với sự dàn dựng và thực hiện bởi dàn nghệ sĩ sân khấu tâm huyết với trẻ nhỏ như: nghệ sĩ Thanh Thuỷ, nghệ sĩ Tấn Lộc, đạo diễn Khắc Duy, nghệ sĩ Cát Tường và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.

Biên đạo Tấn Lộc: Tôi tìm niềm vui nơi con trẻ

TTO - Làm sao hẹn Tấn Lộc để thực hiện bài phỏng vấn? Đó là câu hỏi thường làm… nản lòng những người có ý định viết về anh...

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,767       1/1,281