Giáo dục

Thầy giáo được chào mà...run

TTO - Từ vị trí đồn ở ấp Ô Mái Dầm, binh nhất Nguyễn Văn Linh đạp xe khoảng 7km để đến điểm phụ Trường tiểu học Hưng Điền A. Thấy binh nhất, ai nấy đều tươi cười “chào thầy”.

Thầy giáo được chào mà...run - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Linh là thầy giáo quen thuộc của trẻ em vùng biên giới - Ảnh: SƠN LÂM

Người ta nói dạy tiểu học là khó nhất, đúng là tham gia rồi mới cảm nhận được sâu sắc điều này. Nhiều khi mình chỉ cần thiếu kiên nhẫn một chút là hư việc ngay

Binh nhất NGUYỄN VĂN LINH

Sau tiếng kẻng báo thức, binh nhất Nguyễn Văn Linh trở dậy, bắt đầu một ngày bằng việc dọn dẹp, tưới cây, quét sân... như các chiến sĩ khác ở đồn biên phòng Bến Phố, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An. Đến 7h, Linh lên xe đạp. 

Ra khỏi cửa đồn, Linh trở thành thầy giáo quen thuộc của tụi nhỏ vùng biên giới này.

Thầy giáo xóa mù chữ

"Giờ thì đã quen, chớ ngày đầu đứng lớp nghe tụi nhỏ nói chào thầy, mình... run, ngợp một lúc mới cười nói bình thường được" - binh nhất Nguyễn Văn Linh kể.

Trên đường đến lớp, chiếc xe đạp của Linh còn tạt vào rước em Lê Văn Phong, đang học lớp 2. Đi một lúc, lại ghé vào rước tiếp em Nguyễn Thị Trúc Ly, học trò đang tập tành đọc chữ của Linh. 

Mùa nước nổi, cha mẹ của cả Phong và Ly đều dong ghe đi giăng lưới từ sớm. Linh phải ghé nhà rước, nếu không tụi nhỏ sẽ bị những con cá, con cua theo con nước ngấp nghé trước nhà rủ rê quên buổi học.

Lớp Linh đang dạy có 14 em, hoàn cảnh đều khó khăn. Vùng biên giới heo hút này chỉ có mùa nước nổi từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch là dễ kiếm ra tiền bằng cách đánh bắt thủy sản mùa nước. 

Còn trong năm, các phụ huynh xứ này kiếm được việc làm công nhật, làm thuê làm mướn đủ miếng ăn qua ngày đã khó. Ít ai màng đến việc học của con. Thỉnh thoảng có nghĩ đến, nhiều cha mẹ cũng chỉ buông một tiếng thở dài rồi tặc lưỡi mặc trời.

Lớp học nơi điểm phụ thuộc ấp 2, xã Hưng Điền A này là sáng kiến của các đời chỉ huy đồn biên phòng Bến Phố trước đây. Hơn 20 năm nay, lớp học vẫn duy trì để xóa mù chữ cho hàng trăm trường hợp như Phong, Ly, giúp những gia đình vùng biên bớt đi phần nào ưu tư về việc học.

Những năm sau này, lớp học còn là điểm duy nhất để con em các gia đình sống từ Biển Hồ, Campuchia quay về Việt Nam có thể học hành, biết đọc biết viết. 

Bởi ngoài hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, với thân phận tha hương không giấy tờ, không quốc tịch, những trẻ em Việt kiều Campuchia khi trở về cố hương không thể có cơ hội nào khác để tiếp cận với con chữ.

Lo tương lai các em

14 em học sinh ngồi chung một lớp, tám em đang học chương trình lớp 1, sáu em đang học chương trình lớp 2. Tất cả các em đều được thầy giáo Linh biết cặn kẽ hoàn cảnh gia đình. 

Ngay từ đầu năm học, việc vận động các em đến lớp đã là một nhiệm vụ của chiến sĩ được phân công đứng lớp này. Mỗi buổi học, thấy thiếu học sinh nào, Linh lại phải quày quả đến nhà tìm hiểu rõ lý do. Có khi học trò của mình mải chơi trên đường đến lớp, Linh cũng phải "bắt" được để đem về.

Ngoài những việc trên, ngày hai buổi đạp xe đi và về giữa lớp và đồn, Linh còn có nhiệm vụ gắn kết với các bậc phụ huynh để nhắc nhở họ về việc giáo dục các học trò của mình.

Anh Vũ Duy Ngọc - chính trị viên phó đồn biên phòng Bến Phố - cho biết chiến sĩ được phân công đứng lớp thường là người có hồ sơ học hành khá tốt và là người nhanh nhẹn, linh hoạt, thông minh, có khả năng diễn đạt. Riêng Linh còn là một đảng viên nên được chỉ huy đồn ưu tiên phân công đi dạy.

Ban đầu Linh xin phép để ban giám hiệu Trường tiểu học Hưng Điền A tạo điều kiện cho dự các tiết dạy của các thầy cô để học hỏi từng cách thức tiếp cận, hỏi han học trò đến cách truyền đạt, chỉ dạy, đối thoại, xử lý phù hợp khi lớp ồn, các em không tập trung. 

Dù kiến thức tiểu học không khó đối với một người đã tốt nghiệp phổ thông, nhưng đã nhiều năm rời xa sách vở, Linh cần mẫn tự giác "phổ cập" lại mình để dạy được. Rồi học cách soạn giáo án, tìm hiểu giáo trình dạy từ chính các sĩ quan trong đồn, những người từng dạy lúc trước. Từ nhiệm vụ được phân công, Linh trở thành một giáo viên thành thục.

Mục tiêu lớn hơn là phải đưa các em vào được lớp chính quy. "Với các em đủ giấy tờ, tiêu chuẩn pháp lý, khi các thầy cô ở Trường tiểu học Hưng Điền A kiểm tra đủ kiến thức, trình độ và khả năng theo học, vẫn có thể xin cho các em vào học lớp chính quy bình thường. Không còn học lớp này nữa, tương lai các em sẽ sáng hơn" - Linh nói.

Chia sẻ cùng thầy cô

Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" giai đoạn 2015-2019.

Năm nay, chương trình sẽ tuyên dương 60 cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác dạy học; vận động các em học sinh đến trường, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp giáo dục ở vùng biên giới, hải đảo...

Mỗi người sẽ nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, bằng khen Trung ương Hội LHTN VN, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ Quốc phòng và Bộ Giáo dục - đào tạo.

Dự kiến lễ tuyên dương được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 tại Hà Nội.

Trong tháng 9-2017, "Chia sẻ cùng thầy cô" đã trực tiếp thăm hỏi, động viên các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm công tác giáo dục ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,871       1/259