Giáo dục

Học ngoài trời 'giữ chân' học sinh cá biệt

TTO - Nghiên cứu cho thấy những hoạt động ngoài trời như làm vườn giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần, tạo dựng những kỹ năng liên quan tới nghề nghiệp và cuộc sống.

Học ngoài trời giữ chân học sinh cá biệt - Ảnh 1.

Nghiên cứu cho thấy làm việc ngoài trời và hòa mình với thiên nhiên sẽ giúp rèn kỹ năng cần thiết cho công việc - Ảnh: Hero Images Inc.

Một góc phía nam London. Một nhóm thanh niên thay nhau ngửi lá cây phong lữ trong khu vườn của Roots & Shoots - một trung tâm giáo dục môi trường đồng thời là công viên hoang dã về đa dạng sinh học. 

Bài tập trên là một phần trong chương trình đào tạo dành cho các học sinh đến từ Lambeth và Southwark - những em đang gặp khó khăn trong việc theo kịp chương trình của hệ thống giáo dục chính quy. 

Ngôi trường mới của người "khuyết tật khả năng học tập"

Tất cả các em này đều đang trong quá trình hoàn tất chứng chỉ cấp 1 của tổ chức City and Guilds - chuyên về bán lẻ, buôn bán hoa, hoặc làm vườn. Các em cũng sẽ được học những kỹ năng cần thiết, cách làm việc và phát triển cá nhân.

Trong số đó có Shabaz Samuel, từng gặp rắc rối với cảnh sát và là một trong 790.000 thanh niên ở độ tuổi từ 16 đến 24 không được đi học, có việc làm hay đào tạo gì ở nước Anh.

Cậu thanh niên này giờ đây đang ở năm cuối của chương trình đào tạo, với kế hoạch theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực làm vườn.

Samuel thừa nhận ban đầu cậu không hề muốn làm vườn. "Nghĩ đến chuyện làm vườn là tôi đã phát nản. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ rất thích nó, nhưng giờ đây thật là tuyệt khi nhìn thấy một cái gì đó do mình trồng ra".

Dù vào thời điểm hiện tại, cậu và 30 học viên khác - một vài người bị "khuyết tật khả năng học tập", đang ngồi trong lớp học, nhưng thường thì cả nhóm ở ngoài trời, trên khu đất rộng 1,5 mẫu, nơi có các tổ ong, một cái ao nước, một ngôi nhà kính, những khu vườn nâng và một kho lúa.

Điều đó rất khác với trải nghiệm tại ngôi trường cao đẳng trước đây của Samuel, nơi cậu cho biết có nhiều trường hợp sinh viên sử dụng ma túy: "Tôi sẽ không nói rằng nơi này đã thay đổi tôi, mà phải nói là tôi đã phải thay đổi chính mình để được ở đây. Tôi đã phải làm nhiều điều trưởng thành hơn".

Chương trình này hiện có một tỉ lệ giữ chân học viên hết sức ấn tượng: 85%, và dù đa số các em không thích học trong quá khứ, nhưng gần như tất cả (90%) sẽ tiếp tục học lên cao hay học nghề.

Giám đốc điều hành Matthew Brownlee giải thích: "Mặc dù các em có xuất thân khó khăn nhưng chúng tôi hiện giữ chân được rất nhiều em vì các em thích ở đây. Các em nhận được nhiều điều từ chương trình này". 

Theo Linda Phillips - người thành lập tổ chức từ thiện này hồi năm 1982, mọi người cần trở nên kết nối hơn với "thế giới thực", một cụm từ mà bà dùng để mô tả thiên nhiên và cuộc sống ngoài trời.

"Các thanh niên đến đây thường là những trường hợp không phù hợp với ngôi trường cũ của mình, và các em chưa bao giờ thật sự được ngoài trời đúng nghĩa. Ở đây các em được thư giãn và trở nên có tinh thần cộng đồng hơn", bà nói.

"Tất cả các nhân viên ở đây đều tận tụy giúp đỡ để các em có được một trải nghiệm tích cực hơn, vì các em thường từng trải qua những quãng đời không suôn sẻ. Đưa các em ra ngoài trời để hòa mình với môi trường xanh giúp cải thiện khả năng học tập của các em", bà thêm.

Học ngoài trời giữ chân học sinh cá biệt - Ảnh 2.

Học sinh Roots and Shoots trong giờ học - Ảnh: theguardian

Khó khăn và quả ngọt

Angela Barrado - giám đốc phụ trách giáo dục của Roots & Shoots, cho biết không phải họ  không gặp thử thách. Ở đây, các nhân viên thường phải hợp tác chặt chẽ với gia đình các em và các nhân viên xã hội. 

"Nhiều em xuất thân từ những gia đình túng quẫn, một số em được xã hội bảo trợ, những em khác lại có cha mẹ cũng bị khuyết tật khả năng học tập hoặc sống trong những gia đình không có nề nếp", bà tâm sự.

Mặc dù một trong những mục tiêu chính của trung tâm là giúp các thanh niên này có thể kiếm được việc làm, nhưng Barrado cho biết việc dạy cho họ cách vệ sinh cá nhân hay chiến lược để quản lý cảm xúc cũng là ưu tiên quan trọng.

"Khi có quá nhiều rào cản với việc học, bạn phải phá vỡ chúng trước khi có thể đạt được thành tựu. Thật tuyệt khi đạt được các chứng chỉ nhưng có thể giao du, kết bạn và không cảm thấy bị bắt nạt còn quan trọng hơn. Điểm mạnh của chúng tôi là giúp đỡ các em thành công và hạnh phúc", Barrado nói.

Một ví dụ cho điều này là trường hợp của trợ lý chăm sóc Carlene Johnson. Cô bắt đầu chương trình này ngay từ trung học vào năm 2007 và đã được trung tâm tuyển dụng từ năm 2010 đến nay. 

Johnson, vốn là người bị khuyết tật trong khả năng học tập, nói rằng lúc đầu cô thấy việc học khó quá: "Tôi hào hứng được trải nghiệm một điều gì đó khác biệt nhưng lại thấy nó đầy thử thách khi phải ra ngoài, tới thăm nhiều nơi cùng với giáo viên, và nói chuyện với mọi người. Khi đó tôi rất nhút nhát và lo lắng".

Nhưng giờ đây cô có thể chịu trách nhiệm chăm sóc lên tới 100 người cùng một lúc. Đối với cô, điều tốt nhất trong công việc này là những con người thân thiện mà cô gặp mỗi ngày. "Có thể rất bận rộn, nhưng hiện tôi rất tự tin, đó là nhờ vào Roots & Shoots", cô tự hào khoe.

Hiện có bằng chứng để ủng hộ ý tưởng này. Năm 2015, báo cáo "Cảm thấy tốt hơn ở ngoài trời sẽ cảm thấy tốt hơn khi ở trong nhà" của tổ chức Mind phát hiện ra rằng những hoạt động như làm vườn có khả năng làm tăng lòng tự trọng, cải thiện sức khỏe thể chất và có lợi cho những ai đang có nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Báo cáo "Trồng thực phẩm trong trường học" của Chính phủ Anh lưu ý rằng việc trồng thực phẩm giúp học sinh tạo dựng được những kỹ năng liên quan tới nghề nghiệp và cuộc sống.

Còn báo cáo "Những ngôi trường trồng trọt" cho biết những sinh viên có nhu cầu giáo dục đặc biệt được hưởng lợi lớn từ việc giáo dục ngoài trời vì nó mang lại những trải nghiệm liên quan đến các giác quan, cũng như cơ hội để được trò chuyện thân mật và sự tự do khi được ở trong không gian mở.

Đây có thể là một điều mới mẻ vì một nghiên cứu trước đây thấy rằng những học sinh bị khuyết tật khả năng học tập "vẫn có sự tiếp cận đặc biệt kém đối với việc học bên ngoài lớp học".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,764       1/259