TTO - Để đạt chỉ tiêu được giao, có giáo viên đã sửa điểm học trò. Điều này như một cơn sóng ngầm trong giáo dục.
Đợt kiểm tra học kỳ 1 ở địa phương tôi vừa kết thúc. Bài thi đã chấm, điểm đã vào sổ và các báo cáo thống kê chất lượng cũng đã hoàn thành.
Nhìn vào hai mặt học lực và hạnh kiểm của học sinh, chúng ta nên vui hay buồn khi những con số cứ ngày càng "tiến" theo đúng kiểu "chất lượng năm sau phải bằng hoặc cao hơn năm trước"?
Vừa ra trường đã 'đụng' chỉ tiêu
Hơn mười hai năm trước, tôi ra trường và may mắn hơn bao cử nhân khác khi được tuyển dụng nhanh chóng. Trong những ngày mới chập chững vào nghề ấy, tôi làm quen dần với chỉ tiêu chất lượng, số lượng.
Bất cứ phương diện nào cũng đều phải đăng ký chỉ tiêu. Nào là duy trì sĩ số bao nhiêu phần trăm, rồi tỉ lệ học sinh lên lớp, tỉ lệ học sinh khá, giỏi, trung bình, yếu kém, tỉ lệ hạnh kiểm tốt, khá, trung bình, tỉ lệ tốt nghiệp cuối cấp, tỉ lệ học sinh học nghề, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn…
Mấy con số chỉ tiêu ấy xét về bản chất là cực kỳ cần thiết trong bất kỳ ngành nghề nào nhằm làm cơ sở thúc đẩy động lực phấn đấu của mỗi cá nhân, tập thể.
Đối với ngành giáo dục, chỉ tiêu đặt ra trong mỗi năm học là lực đẩy thiết thực để mỗi giáo viên tự chuyển động nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc đăng ký chỉ tiêu trong giáo dục đang bị biến tướng, chạy theo thành tích khiến giáo viên mệt "bở hơi tai".
Từ một động lực phát triển, chỉ tiêu thi đua biến thành "vòng kim cô" kẹp chặt giáo viên vào thành tích dẫn đến biết bao hệ lụy xấu.
Bất hợp lý đăng ký chỉ tiêu
Dưới quan điểm của cá nhân, tôi xin chỉ ra ba điểm bất hợp lý của nhiệm vụ "bất khả kháng" là đăng ký chỉ tiêu như sau:
Thứ nhất, chỉ tiêu thi đua trong giáo dục trên danh nghĩa là tự nguyện đăng ký nhưng thực chất là áp đặt từ trên xuống. Đầu năm học, mỗi cá nhân, mỗi tổ chuyên môn đều "tự nguyện" đăng ký những con số chỉ tiêu về mọi mặt. Tuy nhiên, nghịch lý là phải căn cứ trên chỉ tiêu chất chung của trường, trường lại căn cứ trên mặt bằng chất lượng chung của phòng.
Bởi vậy mới có những tình huống "dở khóc dở cười" khi giáo viên đăng ký chỉ tiêu thi đua thấp bị nhà trường gọi lên gọi xuống "thuyết phục" kéo tỉ lệ khá giỏi, nâng tỉ lệ hạnh kiểm tốt. Bởi chỉ tiêu cá nhân "không được" và "không thể" thấp hơn chỉ tiêu của trường và phòng giáo dục!
Thứ hai, chỉ tiêu thành tích năm nào cũng cao chót vót và cứ tiến đều đều mà chưa bao giờ có dấu hiệu dừng lại.
Tôi nhớ cách đây hơn chục năm trước, chỉ riêng môn Ngữ Văn trung học cơ sở, chỉ tiêu đặt ra cho mỗi giáo viên bộ môn là phấn đấu 85% trên trung bình, 15% còn lại là tỉ lệ học sinh yếu kém.
Còn trong năm học 2017-2018 này, chúng tôi được thông báo là tỉ lệ học sinh giỏi bộ môn phải trên 20% và học sinh yếu kém không được vượt quá 4%. Nghĩa là nếu một lớp học có khoảng 40 học sinh thì phải "kiếm" cho ra 8 em loại giỏi và không được vượt quá 1 em dưới năm phẩy.
Năng lực học sinh ở mỗi năm học mỗi khác nhau, giữa các lớp trong cùng khối cũng khác. Vậy nên quy định chung về chất lượng phải đạt thật sự làm khó giáo viên.
Thứ ba, các trường phổ thông vẫn căn cứ vào việc đạt hay không đạt chỉ tiêu để đánh giá thi đua giáo viên. Đã có trường hợp người không đạt chỉ tiêu bị trừ điểm thi đua, hạ bậc thi đua, tước danh hiệu thi đua...
Giáo viên không đạt chỉ tiêu bị trường phê bình, trường không đạt bị phòng giáo dục phê bình. Bởi vậy, tiêu cực từ đây nảy sinh, căn bệnh thành tích cũng từ đây mọc rễ.
Khi điểm số nằm trong tay mỗi giáo viên thì việc nâng hạ một vài điểm, "gieo sạ" một vài con số để thay đổi kết quả hòng đạt chỉ tiêu như một cơn sóng ngầm trong giáo dục. Nó hủy hoại bản chất tích cực của đánh giá, thi đua, khen thưởng. Nó bóp méo chất lượng thực chất của giáo dục.
Và chính nó làm xói mòn niềm tin của người học vào kết quả của giáo dục. Khi mà học sinh thừa biết bạn nào cùng lớp, cùng trường đọc chưa thông viết chưa thạo vẫn lên lớp đều đều, các em rỉ tai nhau "không học cũng lên lớp". Đó là cơn ác mộng của giáo viên đứng lớp!
Công văn "làm mới" cuộc vận động hai không của Bộ GD-ĐT vừa qua một lần nữa khẳng định quyết tâm chống bệnh thành tích trong giáo dục của cơ quan chủ quản.
Giáo viên chưa kịp khấp khởi mừng vì Bộ bắt "đúng mạch" căn bệnh trầm kha của giáo dục thì đã thon thót lo mọi thứ vẫn chỉ là hô hào, lý thuyết suông.
Bởi chừng nào việc áp đặt chỉ tiêu từ trên xuống còn tồn tại và đánh giá thi đua giáo viên còn dựa phẩn lớn vào thành tích chất lượng thì người thầy vẫn còn chạy "bở hơi tai" theo chỉ tiêu…