Giáo dục

Con chỉ biết khóc khi bị bạn ăn hiếp, làm sao?

TTO - Hầu hết cha mẹ đều muốn con mình hiền lành, ngoan ngoãn. Nhưng hiền đến nỗi để bạn ăn hiếp suốt ngày lại là chuyện khác.

Con chỉ biết khóc khi bị bạn ăn hiếp, làm sao? - Ảnh 1.

Trẻ nhút nhát, hiền lành dễ bị bắt nạt, vì vậy cha mẹ hãy rèn để con luôn tự tin, mạnh mẽ - Ảnh: NY Daily News

Trẻ nhút nhát, hay khóc, vụng về trong giao tiếp, hiền đến mức khờ khạo, nhu nhược, điệu bộ, tư thế khúm núm, bẽn lẽn, sợ sệt… rất dễ trở thành nạn nhân của những kẻ gây sự.

Nếu con bạn thuộc nhóm trẻ trên, bạn phải làm sao?

Trước hết, cần nhớ rằng trẻ hiền thường thuộc kiểu khí chất ưu tư, rất ngại giao tiếp. Kiểu khí chất khó thay đổi, nhưng trẻ có thể khắc phục nhược điểm của mình bằng cách xây dựng một số kỹ năng ứng xử kiên quyết, tự tin hơn.

Dưới góc độ tâm lý trẻ em cho thấy, những trẻ học cách để trở nên dứt khoát và tự tin hơn sẽ ít trở thành mục tiêu của những trẻ chuyên đi gây rối, ăn hiếp. 

Sau đây là một số bước hướng dẫn trẻ về kỹ năng kiên quyết, dứt khoát để trẻ bớt nhát, bớt hiền:

Rèn phong thái, điệu bộ, tư thế tự tin: Cha mẹ có thể nuôi dưỡng lòng tự tin cho con bằng những lời lẽ và việc làm cụ thể. Chẳng hạn như: "Con thật mạnh mẽ khi đã thực hiện công việc đó" hay "Con thật là bản lĩnh trong cuộc đấu võ". 

Hãy thường xuyên giao cho con nhiệm vụ vừa sức và động viên, khích lệ để con hoàn thành. Khi trẻ thường xuyên đạt được những mục tiêu đặt ra, trẻ sẽ vững tin hơn khi hòa nhập vào cuộc sống. 

Các bậc cha mẹ cũng đừng tự "huyễn hoặc" mình là tại sao ngày nào cũng rao giảng về kiến thức tự tin mà con mình vẫn khép nép, tự ti, nhút nhát. Bởi để trở thành một kỹ năng thực sự, tự tin phải được thể hiện ngay trong suy nghĩ, thái độ cũng như hành vi. 

Điều đó có nghĩa là trẻ phải tập luyện nhiều lần, trong nhiều trường hợp để bớt hiền, bớt nhát. 

Hãy giúp con nhận thấy rằng khi con tự tin trong cuộc sống, những đứa trẻ thích gây sự cũng phải đắn đo trước khi giơ nắm đấm lên dọa. 

Khi trẻ đã hiểu được giá trị của sự tự tin và quyết tâm biến nó thành hiện thực, hãy tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giao lưu tập thể, làm việc nhóm... Được va chạm, trải nghiệm nhiều, trẻ sẽ dần dần bớt đi sự nhu nhược, mềm yếu.

Trẻ không có lỗi khi là người quá hiền lành. Vì thế, cha mẹ đừng bao giờ đổ lỗi rằng vì con hiền mới bị ăn hiếp. Thay vào đó, hãy dạy con 'chìa khóa vàng' để đáp trả bọn ăn hiếp: sự tự tin và kiên quyết.

Phương Lan

Loại bỏ nỗi lo sợ: Những đứa trẻ chuyên bắt nạt thường muốn biết chúng có khiêu khích, kích động được đối tượng hay không. Chúng rất khoái chí khi nạn nhân tỏ ra sợ hãi, đau khổ, khóc lóc, van nài hay cam chịu. 

Vì thế, hãy dạy con đừng bao giờ để chúng thấy vẻ khó chịu, ấm ức, lo lắng của mình. Trái lại, hãy rèn cách kiểm soát các điệu bộ, cử chỉ, nhất là nét mặt. 

Cha mẹ hãy cùng trẻ luyện tập và trải nghiệm một số tình huống bị quấy nhiễu thường gặp, rồi cho trẻ tự điều chỉnh qua gương, đến lúc nào trẻ hình thành được sự bình thản đến dửng dưng, lạnh lùng trước những lời trêu chọc của bọn ức hiếp là được. Nên thực hành nhiều lần để con có được sự thuần thục.

Dạy con chủ động nhìn thẳng vào kẻ ức hiếp: Ánh mắt đanh lại, nhìn thẳng kẻ ức hiếp, trêu ghẹo với thái độ coi thường chúng. Điều này giúp trẻ chủ động và tự tin hơn. 

Những trẻ gây rối suy cho cùng chỉ mạnh bạo do sự liều lĩnh và kết bè đảng. Vì thế, muốn chúng không để ý tới thì hãy chủ động nhìn vào mặt chính kẻ cầm đầu, thể hiện thái độ như đã thấu rõ ý đố xấu của bọn chúng.

Trả lời "Hãy để tôi yên" với giọng dứt khoát, to rõ: Sau những lời khiêu khích của nhóm bạn xấu, trẻ hãy học cách phản ứng lại bằng giọng dứt khoát, thẳng thắn, ngắn gọn: "Bọn mày muốn gì?", "Hãy để tôi yên", "Đã bảo là tránh ra"…Nếu cứ lải nhải, lí nhí trong miệng sẽ khiến tình cảnh tệ hại hơn. 

Bỏ đi: Dạy trẻ nhanh chóng quan sát để tìm cách thoát khỏi vòng vây của "bọn gấu", đi đến những nơi đông người để có thể cầu viện sự giúp đỡ, chia sẻ của người đáng tin cậy...

Đừng bao giờ để mình rơi vào thế bí, không đường rút lui. Hãy bình tĩnh trước lời khiêu khích, thách đố của nhóm bạn xấu định cô lập mình ở chốn không người. Tuyệt đối không tin bất cứ lời nói nào của những kẻ thường sỉ nhục, ăn hiếp người yếu thế.

Tuyệt đối không im lặng nhẫn nhục "chịu trận". Hãy dạy trẻ tìm cách tự cứu lấy mình trước khi cầu cứu sự giúp sức từ người khác. Đừng ngây thơ nghĩ rằng bọn bắt nạt chỉ gây sự một lúc chứ không dám làm tổn thương quá tay.

"Có bột mới gột nên hồ", đừng để con "tay không" đối mặt với bọn gây rối. Vì thế, cha mẹ hãy cho trẻ học một số thế võ để phòng thân và biết ra tay đúng lúc để tự vệ chính đáng.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,511       6/1,311