Giáo dục

'Làm thầy, phải làm người thật tốt'

TTO - 'Mình làm nghề giáo phải làm người thật tốt. Ở nhà mẹ mình vẫn thường dạy hai anh em không nên tham lam, phải sống trong sáng', thầy giáo Trần Vũ Luân chia sẻ.

Làm thầy, phải làm người thật tốt - Ảnh 1.

Thầy Trần Vũ Luân cùng học trò mình trong thời gian còn dạy tại Trường THCS Hùng Vương (huyện Ia Grai, Gia Lai) - Ảnh FB nhân vật

Sau khi trả số tiền gần 90 triệu đồng, người đánh rơi ngỏ ý cảm ơn nhưng thầy Trần Vũ Luân (25 tuổi, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) chỉ nhận một ly cà phê.

"Không biết phải làm sao để cảm ơn"

Đến sáng 13-3, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (21 tuổi, TP Pleiku, Gia Lai) vẫn không dám tin mình cầm trên tay gần 90 triệu bị rơi.

Tâm kể tối 11-3 sau khi làm việc ở phòng bán vé máy bay xong đi ăn với nhóm bạn rồi vào phòng trọ của bạn nghỉ lại. "Về phòng lăn ra ngủ nên tôi cũng không biết mình bị rơi túi xách có số tiền lớn của cơ quan. Sáng nay khi Công an TP Pleiku gọi hỏi tên và địa chỉ..., tôi mới giật mình. 

Anh công an hỏi em có mất tài sản gì không, thực sự lúc công an gọi tôi cũng không biết mình bị mất tiền. Khi biết mất tiền tôi khóc như mưa và vội vàng đến cơ quan công an mong nhận lại" - Tâm kể.

Cô gái trẻ kể thêm: "Đến giờ tôi vẫn không dám tin mình may mắn đến thế. Sau khi nhận tiền, tôi gửi 'một chút cảm ơn nhưng anh Luân không nhận. Anh nói "anh đi làm rồi, mất tiền nhiều như thế chắc em lo lắm, về đi làm không muộn giờ". 

Tiền tôi gửi để cảm ơn, anh Luân chỉ nói có đủ rồi, anh không lấy đâu. Tôi mời anh ấy đi uống nước, anh ấy chỉ ngồi uống ly nước, nói vài ba câu chuyện rồi về. Tôi rủ anh ấy đi ăn cái gì đó nhưng anh bảo bận phải về ngay. 

Tôi không biết phải làm sao để cảm ơn anh ấy. Bởi số tiền ấy không phải của tôi mà của cơ quan, mất không biết sẽ thế nào nữa...".

"Tôi chỉ nghĩ người bị mất tiền chắc sẽ lo lắm"

Thầy Luân kể sau khi học ngành kế toán ra trường thấy không phù hợp nên quyết định theo nghề "gõ đầu trẻ" của mẹ. 

Tốt nghiệp Trường CĐSP Gia Lai năm 2017, Luân nhận công việc làm thầy giáo "hợp đồng" ở Trường THCS Hùng Vương (huyện Ia Grai, Gia Lai) khi một cô giáo bộ môn nghỉ sinh sáu tháng. Mới đây, khi cô giáo nghỉ sinh quay lại công việc, Luân phải nghỉ công việc mình yêu thích. 

"Tôi nghỉ dạy ở huyện Ia Grai rồi lên Pleiku thuê nhà trọ tiếp tục nghề mình yêu quý là được dạy học. Nhưng là dạy gia sư, dạy kèm các em học sinh ở nhà" - Luân kể.

Thầy giáo trẻ nhớ lại khoảng 5h sáng 12-3, thầy dậy sớm đi tập thể dục như thường lệ. "Khi đó trời rất tối. Ra khỏi cổng tôi phát hiện một túi xách màu đen bị đứt quai ở vệ đường. Tôi tính đi nhưng linh tính sao đó bèn quay lại nhặt lên xem. 

Mở túi ra tôi thấy rất nhiều tiền nên lo lắm. Lúc đó còn sớm nên tôi vẫn đến phòng gym tập như bình thường. Tôi tập mà cứ suy nghĩ mãi. Số tiền đó chắc người bị mất họ lo lắm. 

Tôi cứ nghĩ đi làm giáo viên 3 triệu đồng/tháng, với số tiền nhiều như thế chắc họ phải làm mấy năm mới có được. Nên khi về đến phòng trọ tôi lập tức đưa tài sản bị mất đến công an nhờ họ tìm người trả gấp".

"Mình làm nghề giáo phải làm người thật tốt. Ở nhà, mẹ mình làm nghề giáo vẫn thường dạy hai anh em không nên tham lam, phải sống trong sáng. Cái gì của mình làm ra thì mình hưởng. Còn của người ta mất, mình nhặt được phải trả lại vì đó không phải của mình. Tài sản của người ta là từ mồ hôi, công sức. Tài sản đó nhỡ họ đánh rơi thì cũng như nhà mình bị mất vậy, rất lo lắng và có khi là cả gánh nặng"

Thầy giáo Trần Vũ Luân

Trung tá Phan Nhật Toàn - trưởng Công an TP Pleiku - cho biết sẽ làm hồ sơ đề nghị UBND TP tặng bằng khen cho thầy giáo Luân. 

"Thầy Luân trẻ như vậy lại đang đi làm gia sư, khi tôi nghe báo cáo lại thầy trình bày nhặt được tiền với ý định nhờ công an tìm người đánh rơi mà không giấu được cảm động" - trung tá Toàn nói.

Tỉnh đoàn Gia Lai khen thưởng thầy Luân

thay giao

Bí thư tỉnh đoàn Gia Lai Nguyễn Hoàng Phong trao bằng khen cho thầy Trần Vũ Luân - Ảnh: H.C.ĐÔNG

Ngày 14-3, Tỉnh đoàn Gia Lai tổ chức buổi gặp mặt và trao tặng bằng khen cho thầy giáo Trần Vũ Luân vì có hành động trả 90 triệu đồng sau khi nhặt được của rơi.

"Tôi lên mạng xã hội, đọc báo mỗi ngày đều thấy rất nhiều thông tin về những vụ giết người cướp của cứ tràn lan trên đó. Cái xấu nhiều nhưng xung quanh chúng ta vẫn có những người thực sự rất tốt. Những hành động đẹp đó lan tỏa và làm cho những người khác phải nhìn nhận những hành động của mình và noi theo.

Việc thầy Luân nhặt được số tiền lớn và không do dự khi tìm cách trao trả lại người đánh rơi rất xứng đáng là tấm gương để đoàn viên, thanh thiếu niên phải học tập", Bí thư tỉnh đoàn Gia Lai Nguyễn Hoàng Phong nói.

Biết thầy Luân đang làm nghề giáo nhưng thất nghiệp, công việc làm gia sư không đủ tiền trang trải cuộc sống, Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai cho biết sẽ liên hệ với một số trung tâm gia sư tại TP. Pleiku, đồng thời có bước đề xuất với một số ban ngành nhằm giúp thầy Luân có công việc ổn định hơn.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  182,644       1/790