Giáo dục

Tôi đã dằn được lòng khi học trò nói 'cô kể láo...'

TTO - Tôi tâm niệm là nhà giáo, ta phải kềm chế tối đa cơn nóng giận. Và nếu cần, ta cũng nên mạnh dạn nhận lỗi với học sinh.

Tôi đã dằn được lòng khi học trò nói cô kể láo... - Ảnh 1.

Tranh: TUỔI TRẺ ONLINE

Chuyện thầy cô to tiếng với cả lớp chỉ vì vài em sai phạm là khó tránh. Tôi cũng vậy. Những lần như thế tôi đều công khai xin lỗi cả lớp. Với tôi, khi xin lỗi các em tôi không hề tự hạ thấp mình. Vì tôi ý thức rõ mình không bao giờ trở nên kém cỏi, bị hạ thấp bản thân khi tự nhận sai trước học trò".

Nguyễn Thị Mai Loan - giáo viên văn

Hơn 20 năm đứng lớp, câu 'khẩu quyết' của tôi là không nên phạt học sinh, không đem chuyện cá nhân, tâm trạng riêng vào lớp. Thế nhưng tôi cũng không tránh được gặp cảnh trớ trêu.

Có lần, khi dạy bài "Trong lòng mẹ" của nhà văn Nguyên Hồng cho học sinh lớp 8, do cảm thấy học sinh chưa tự rút ra thông điệp của bài, tôi bèn kể một câu chuyện đời tương tự chuyện trong tác phẩm. 

Đó là có người chị chồng thường xuyên tìm mọi cách chê bai, bôi nhọ, nói xấu em dâu của mình trước mặt các cháu. 

Kể xong, tôi hỏi các em về cách hành xử của người cô trong "Trong lòng mẹ". Gần như cả lớp đều trả lời chính xác từng ý của bài học, các em hiểu thêm vì rắp tâm chiếm đoạt tài sản mà người cô nói xấu nhân vật mẹ trong tác phẩm.

Các em còn tranh luận rất sôi nổi về gia đình phong kiến trọng nam khinh nữ đem tới những kết cục bi thương. Có em còn nói "qua bài học và chuyện kể của cô, con hiểu thêm về chuyện cuộc đời, thương mẹ hơn, thông cảm cho các bà cô trong gia đình".

Thế nhưng cũng với câu chuyện và bài học đó đem sang dạy lớp khác, tôi bị một em học sinh là con một cô giáo cùng trường phản ứng: "Cô đang kể láo, đừng có tạo ra những câu chuyện không có thật, không ai xấu xa tới vậy đâu!".

Cả lớp xôn xao là bạn vô lễ. Còn tôi rất bất ngờ trước phản ứng quá khích của em. Nhưng tôi cố gắng dằn lòng, "cho qua" với lời xin lỗi: "Con à, nếu câu chuyện làm con thấy nặng nề, cho cô xin lỗi con. Nhưng cuộc sống muôn mặt như tác phẩm mình đang học. Và cách con trả lời cô vậy là kém phép tắc!".

Tôi cố gắng không nóng giận, nhưng cậu bé ấy về kể cho mẹ nghe. Hôm sau ban giám hiệu mời tôi lên, phê bình tôi đem chuyện cá nhân vào lớp "làm ức chế tâm lý học sinh".

Một vài đồng nghiệp biết chuyện đã khuyên tôi "trị" em đó một trận cho bỏ tật vô lễ còn hay méc. Tôi cũng có phần hoang mang. Nhưng tôi giấu hẳn cảm xúc cá nhân vì tôi biết "giận mất khôn".

Thật may mắn cho tôi, các em học sinh lớp 8 ấy đã khuyên bạn xin lỗi cô. Tiết học thứ 3 sau sự cố đáng tiếc, em học sinh ấy gặp tôi ngượng ngùng nói: "Con sai rồi cô. Con cảm ơn cô vì đã không trù dập con".

Từ "trù dập" mà cậu trò nhỏ nói dường như trở thành mệnh lệnh đối với tôi. Một mệnh lệnh rất thiêng liêng là dù bất kỳ lý do gì, đã là nhà giáo, cũng nên đặt lòng yêu thương lên trước nhất, không tùy tiện trách phạt học trò mình.

Tôi không ít lần chứng kiến giáo viên "giận cá chém thớt", vì bức xúc này kia lại trút cả lên học trò.

Có một em học sinh lớp 7 thường đi trễ. Cứ tới giờ chủ nhiệm thầy lại "lôi" chuyện vi phạm của em trước cả lớp. Học sinh lớp ấy than phiền: Bạn sai sao thầy không kêu riêng ra la mỗi bạn thôi mà "chửi hội đồng "cả lớp?

Một lớp khác có em học sinh làm bài tập và viết bài đều chậm, cô giáo đập thước thật to, hét lên: Sao em cứ chậm chạp phiền người khác vậy?

Vì sao khi một học sinh làm gì đó sai, giáo viên không gọi em ấy ra riêng để xử lý, uốn nắn? Liệu cô có nghĩ tiếng đập thước thường xuyên có thể gây áp lực tâm lý cho học sinh? Sao cô không "cho qua" rồi xử lý sau giờ dạy có hợp lý hay không?

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  181,818       1/787