Giáo dục

Sập trần và... chờ dự án!

TTO - Sáng 20-3, một mảng vữa trên trần phòng học Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bất ngờ sập xuống làm ba học sinh bị thương.

Sập trần và... chờ dự án! - Ảnh 1.

Mảng vôi vữa trần phòng học rơi trúng đầu học sinh ngày 20-3 - Ảnh: DANH TRỌNG

Chỉ còn ba tháng nữa chúng em bước vào kỳ thi quan trọng nhất đời mình. Những gì đã và sẽ xảy ra ảnh hưởng rất lớn tới kết quả thi, tinh thần và sức khỏe của chúng em...

Một học sinh lớp 12

Ông Phan Thanh Tùng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết sự việc xảy ra lúc 11h khi học sinh đang học tiết 5 môn công nghệ: "Rất may các em chỉ bị sây sát phần đầu, không bị thương nặng".

Chỉ trong khoảng bốn tháng, có hai lần mảng trần Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) rơi xuống kéo theo quạt, đèn. Trước đó, tại Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cũng xảy ra trường hợp sập tường, quạt, đèn rơi vào đầu học sinh.

Quạt rơi khiến học sinh nhập viện

Năm 2009, học sinh đang trong giờ học thì chiếc quạt đang quay vù vù đột nhiên rơi khiến hai học sinh Trường THPT Kim Liên phải nhập viện. Nhìn chiếc quạt ba cánh cong vênh, dính đầy máu, nhiều học sinh sợ hãi, từ đó không dám bật quạt mới nhà trường lắp sau đó dù trời nóng thiêu đốt. Lý do rơi quạt là do trần nhà lâu ngày bị dột nước, lở từng mảng lớn. Nhiều lớp khác của trường này thường xuyên chịu cảnh đang ngồi học thì vài mảng vữa trên trần rơi mù mịt.

Tình trạng ấy cứ thế tiếp diễn và ba năm sau, năm 2012, cũng ở ngôi trường này xảy ra một vụ khác. Trần một phòng học bị sập mảng lớn khiến một nữ sinh phải cấp cứu vì chấn thương ở đầu. Dư luận ồn ào và câu trả lời của trường vẫn là... "chờ dự án".

Dự án xây dựng Trường THPT Kim Liên theo quy trình phải qua nhiều cấp xem xét, nghiên cứu nên kéo dài đến cả chục năm nay, trải qua mấy nhiệm kỳ hiệu trưởng. Năm 2013, dự án xây trường này mới được TP Hà Nội phê duyệt với kinh phí 56 tỉ đồng. Nhưng chưa hết, từ thời điểm phê duyệt đến khi hoàn tất các thủ tục phải mất thêm hơn hai năm nữa mới được khởi công.

Trước đó, Trường THPT Thăng Long cũng rơi vào cảnh tương tự. Ông hiệu trưởng thời ấy trần tình: "Dự án xây dựng phải chờ đã đành, kinh phí nâng cấp, sửa chữa cũng không có. Gọi là xã hội hóa giáo dục nhưng chỉ trông vào túi tiền của phụ huynh ủng hộ. Vì thế, nếu kêu gọi hỗ trợ nhiều, không khéo sẽ sa vào cảnh lạm thu. Mỗi năm tôi chỉ dám xin phụ huynh giúp một thứ trong rất nhiều thứ phải sửa chữa, nâng cấp".

Xuống cấp đã 6-7 năm

Trở lại câu chuyện Trường THPT Trần Nhân Tông, trong một thời gian dài nhân viên nhà trường trước buổi học phải cầm sào đi chọc trần nhà các lớp để "mảng tường nào sắp rơi thì rơi trước", tránh tai nạn lúc học sinh đang học. Một giải pháp nữa được trường này áp dụng là... chuyển học sinh từ phòng xuống cấp nhiều sang phòng xuống cấp ít. Sau sự cố sập trần nhà vào tháng 10-2017, ban giám hiệu Trường Trần Nhân Tông đã phải dùng cả phòng hội đồng làm lớp học. Nhưng ngày 20-3, chính phòng hội đồng này đã xảy ra sự cố.

Ngày 21-3, khá nhiều phụ huynh đã phản ứng bằng cách đến trường chất vấn và bày tỏ việc không muốn cho con đến trường vì lo ngại những mảng tường sập bất cứ lúc nào.

Bối rối trước áp lực từ phụ huynh, ông Phan Thanh Tùng chỉ biết chia sẻ về tình trạng xuống cấp phòng học đã diễn ra 6-7 năm. Và từ năm 2013, trường đã cùng Sở GD-ĐT Hà Nội xây dựng kế hoạch tu bổ, xây dựng trình thành phố. Đã hơn bốn năm trôi qua nhưng vẫn đang... phải chờ đợi.

Chuyển học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông đến địa điểm mới

Ngày 21-3, Sở GD-ĐT Hà Nội làm việc với lãnh đạo Trường THPT Trần Nhân Tông và UBND Q.Hai Bà Trưng để giải quyết sự cố mảng trần rơi vào đầu học sinh.

Tại buổi làm việc, giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu nhà trường chuyển học sinh đến học tập ở nơi an toàn ngay trong ngày 22-3. Học sinh sẽ được chuyển đến hai địa điểm là Trường THPT Đoàn Kết (Q.Hai Bà Trưng) và Trung tâm Giáo dục thường xuyên, dạy nghề (Q.Hai Bà Trưng).

"Khi bố trí lớp học, lãnh đạo hai trường cần phải lường trước những khó khăn để có giải pháp kịp thời.

Cuối ngày 21-3, nhà trường phải có thông tin tới từng giáo viên và học sinh về phương án di chuyển tới địa điểm mượn, tạm; đồng thời phân công cụ thể về nhân sự quản lý các địa điểm.

Về kinh phí, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị" - ông Chử Xuân Dũng cho biết.

TTXVN

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  181,682       1/786