TTO - Ngày 30-3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đến thăm thầy trò Trường tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi như lời hứa với cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể trong chương trình “Thay lời tri ân” nhân dịp 20-11-2017.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm K'Rể tại lớp học - Ảnh: VĨNH HÀ
Bắt đầu với câu chuyện được lan tỏa trên truyền thông về thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương nhận K’Rể về chăm sóc và dạy dỗ, cho em được học như những học sinh bình thường khác, nhiều người biết đến trường tiểu học Sơn Ba. Trong số 434 học sinh, có 117 em có gia đình ở các xã đặc biệt khó khăn.
Theo thầy Phạm Thanh Hiền, Phó hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Ba thì 10 năm trước, việc thầy, cô giáo thắp đèn dầu đến từng nhà học sinh vận động các em đi học là chuyện thường. Đứt bữa thường xuyên, cha mẹ bận kiếm sống, đường đến trường của nhiều đứa trẻ ở Sơn Ba dở dang.
Sáng kiến "thầy cô nuôi học trò" ở Sơn Ba đã giữ được nhiều đứa trẻ ở trường. Từ đây, mô hình bán trú dân nuôi được hình thành. Cho đến nay, 117 học sinh ở Sơn Ba đã được hưởng chế độ hỗ trợ của Nhà nước.
Việc gom học sinh về trường thay cho mô hình "giáo viên cắm bản" đã giải quyết được căn bản tình trạng học sinh bỏ học ở lứa tuổi tiểu học.
K'Rể trong lớp học - Ảnh: VĨNH HÀ
Đinh Văn K’Rể là người dân tộc Hơ Rê, cũng là một trong số những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Sơn Ba. Em và anh trai đều được học ở trường. Nhưng K’Rê mắc chứng bệnh hiếm gặp Seckel (người lùn, đầu chim) với thân hình chỉ cao hơn 60cm, nặng 3,9 kg nên mọi thứ với em đều khó khăn gấp bội.
"Trước khi tôi đón K’Rể về nuôi, người dân vẫn quen gọi cháu là "tọc", ngụ ý nói cháu giống như con khỉ con. K’rê yếu ớt và hoàn toàn bản năng trước khi tôi mang cháu về. Vì thế, ngoài việc để K’Rê được hòa nhập, tôi và các thầy, cô giáo chỉ cố gắng dạy cháu những kĩ năng cơ bản nhất", thầy Đặng Văn Cương chia sẻ.
So với khoảng 6 tháng trước, K’Rể đã có nhiều tiến bộ. Cậu bé phát âm được một số âm đơn, có thể ngồi ngay ngắn trong lớp cả tiết học. Các thầy, cô giáo cho biết K’Rê có khả năng nghe rất tốt. Vì thế tuy khả năng nói hạn chế nhưng K’Rể hiểu được lời chỉ bảo của người lớn. Cậu bé đặc biệt hiếu động, chạy nhảy, chơi đá bóng cùng những đứa trẻ lớn hơn cậu rất nhiều.
K'Rể trong lớp học - Ảnh: VĨNH HÀ
Sự có mặt của K’Rể ở ngôi trường này cũng khiến nhiều học sinh vui lên. Các bé gái thay phiên trông K’Rể, giúp thay quần áo, rửa tay chân cho cậu, còn các bé trai thì chơi đá bóng cùng cậu.
K’Rế được thầy Cương tập cho tự xúc cơm ăn. "Có lúc tôi đau đầu, bảo thằng bé đấm đầu cho thầy, nó làm rất nhiệt tình, dù bàn tay yếu ớt. Tôi đùa với cháu là "K’Rể biết cách trả ơn thầy đây", thầy Cương xúc động kể.
Trong buổi nói chuyện với các thầy, cô giáo trường tiểu học Sơn Ba, ông Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao tấm lòng của các thầy, cô giáo ở đây với học sinh, đặc biệt là tấm lòng của thầy hiệu trưởng với cậu học trò tí hon. "Sự yêu thương, chăm sóc của thầy còn hơn cả tình cảm của cha, mẹ đối với con", ông Nhạ bày tỏ.
Cậu bé tí hon được cô giáo chủ nhiệm cầm tay hướng dẫn tập viết - ẢNH: VĨNH HÀ
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định ở những nơi điều kiện sống còn rất khó khăn như ở Sơn Hà, rất cần sự nỗ lực, hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo. Hiện nay, tuy Nhà nước đã có nhiều chế độ đãi ngộ đối với thầy, trò ở vùng khó khăn nhưng các thầy, cô giáo vẫn phải vượt lên nhiều trở ngại để bám trường, giữ học trò.
Ông Phùng Xuân Nhạ tặng cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể sách, đồ chơi và một cuốn sổ tiết kiệm và tặng quà cho học sinh của trường.
Nói về việc hỗ trợ K’Rể, thầy Đặng Văn Cương cho biết ban đầu thầy, cô giáo ở trường chủ động đóng góp để lập cho K’Rể một số tiết kiệm. Sau này những khoản hỗ trợ cũng được nhập vào quỹ này. Thầy Cương đã chuyển cuốn sổ cho bố của K’Rể giữ nhưng để chắc chắn số tiền hỗ trợ chỉ dùng cho việc chăm sóc, dạy dỗ K’Rể, việc gia đình dùng số tiền này vào việc gì phải được thầy đồng ý.
Viết được chữ O là cả một sự gian nan của K'Rể - ẢNH: VĨNH HÀ