Cùng sự phát triển của công nghệ, "60% trẻ em hiện tại sau này lớn lên sẽ làm những việc chưa từng tồn tại"...
Đây là chia sẻ đáng giật mình của nhà nghiên cứu giáo dục trẻ Lê Đình Hiếu trong buổi hội thảo "Kiến tạo tương lai từ giáo dục khoa học ứng dụng STEM" có đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, thầy cô và các phụ huynh tham dự… Lê Đình Hiếu là Giám đốc Chương trình tìm kiếm tài năng trẻ của Trung tâm văn hóa giáo dục UNESCO, Top 30 Under 30 của tạp chí Forbes. Theo anh Hiếu, để đáp ứng được thay đổi của thị trường lao động, phải bắt đầu từ thay đổi phương pháp giáo dục, mà STEM chính là chìa khóa quan trọng.
STEM - Xu hướng giáo dục tất yếu
Nhiều công việc mới đứng chân trên các nền tảng công nghệ, đòi hỏi hàm lượng chất xám cao sẽ xuất hiện, đẩy lùi nhiều công việc cũ hiện nay. Đây là tương lai mà các nhà kinh tế đã nói đến nhiều. Để thích ứng được với guồng quay ấy, không phải là thu nạp thật nhiều công thức, mà phải dùng được kiến thức khoa học giải quyết các vấn đề thực tế. STEM được xem là nền tảng phương pháp chuẩn bị cho sự thay đổi này.
STEM (viết tắt tiếng Anh của Science - Khoa học, Technology - Công nghệ, Engineering - Kỹ thuật và Math - Toán học) là phương pháp giảng dạy các môn khoa học ứng dụng hướng đến liên kết môn học, mang tính thực tiễn cao. Tinh thần của phương pháp này là biến việc học các môn khoa học cơ bản rời rạc trở nên thú vị, sống động hơn với học sinh.
STEM là phương pháp nổi lên tất yếu tại các quốc gia phát triển
Ngành giáo dục Việt Nam cũng đã nhận ra vấn đề này. Về mặt chính sách, một trong những thay đổi lớn trong "Chương trình giáo dục phổ thông mới" do Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì sắp tới, là giáo dục tích hợp STEM. Như vậy, việc hiểu và áp dụng STEM cho hiệu quả là trách nhiệm tất yếu của những người làm giáo dục chứ không chỉ là lựa chọn. Điều này là cơ hội và cũng là thách thức cho giáo dục trong nước trong cuộc cải cách sắp tới.
Doanh nghiệp chung tay đưa trải nghiệm STEM vào trường học
Từ năm 2015, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã thí điểm giảng dạy STEM ở một số trường học. Đến nay, những hạt mầm STEM đầu tiên ấy đã cho ra những quả ngọt với những câu lạc bộ STEM từ trường tiểu học đến cấp 3. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra, việc áp dụng STEM ở Việt Nam còn thiếu 3 yếu tố lớn: cơ sở vật chất, giáo trình và giáo viên... Để chạy đà cho cuộc đua STEM, ngành giáo dục rất cần trợ lực, mà nguồn lực quan trọng, chính là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vừa là nhà tuyển dụng tương lai vừa là nguồn lực cung cấp vốn, công nghệ cũng như môi trường đào tạo tiềm năng cho người học.
Trong số này, tại Việt Nam, Samsung cam kết là đầu tư vào các hoạt động trách nhiệm xã hội gắn với giáo dục, với tinh thần sử dụng sức mạnh công nghệ để kiến tạo cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều dự án giáo dục ứng dụng công nghệ do Samsung khởi xướng đã được đón nhận tích cực nhiều năm qua: Dự án Thư viện thông minh tại nhiều tỉnh thành, trường học, Dự án Phòng học thông minh tại một số trường đại học TP.HCM… đã phục vụ cho hàng chục nghìn lượt người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.
Đại diện Samsung Vina chia sẻ những kết quả tích cực khi đồng hành cùng nền giáo dục Việt Nam trong những năm qua
Không dừng lại ở mục tiêu trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng cho các dự án giáo dục, chiến lược năm nay của Samsung là tập trung vào truyền cảm hứng về cải cách phương pháp học tập, mà STEM là mũi nhọn. Chiến lược này nhằm mục đích đem đến những thay đổi lâu dài, có chiều sâu và tác động trực tiếp đến đối tượng hưởng lợi.
Cũng trong hội thảo mới đây, Samsung Vina và Lego Education đã cùng hợp tác cùng hỗ trợ ngành giáo dục TP.HCM đặt những viên gạch đầu tiên cho giáo dục STEM. Cụ thể, các hoạt động trách nhiệm xã hội của hai doanh nghiệp sẽ tập trung vào lĩnh vực giáo dục trong năm 2018, mà trọng tâm chiến lược là tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm STEM cho hơn hàng ngàn học sinh tại TP.HCM: học sinh trải nghiệm phòng học thông minh, phát triển ứng dụng di động kích thích tìm hiểu thông tin khoa học, tạo cơ hội đưa học sinh Việt qua Mỹ thi đấu giải Lego toàn cầu, dạy lập trình cho học sinh tiểu học, tổ chức cuộc thi Robotacon….