TTO - Với tâm thế sợ sai và răm rắp làm theo cách làm cách dạy cũ từ trước đến nay của giáo viên, liệu học sinh có cơ hội, có đất sáng tạo, có được bộc lộ cảm xúc... không?
Một giảng viên khoa tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM kể câu chuyện có thật: Giờ thực hành buổi tập huấn cho giáo viên một quận nội thành ở TP.HCM, cô chia lớp thành sáu nhóm nhỏ để thảo luận và thuyết trình.
"Tôi thật sự bất ngờ khi mỗi nhóm được phát một tờ giấy A0 thì đồng loạt cả sáu nhóm có một hành động không khác nhau một tí nào: cùng gấp tờ A0 thành những dòng kẻ thẳng hàng để trình bày cho đẹp.
Tôi liên tục giải thích rằng các anh chị không cần trình bày đẹp, không cần thẳng hàng nhưng các giáo viên vẫn cứ giữ cách làm của mình" - giảng viên này kể lại.
Theo cô, giáo viên đứng lớp mà còn máy móc, rập khuôn như vậy trong học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thì không biết khi dạy học trò họ đòi hỏi sự sáng tạo nơi học sinh như thế nào? Hay họ yêu cầu các em học theo cách mình muốn?
Tâm thế sợ sai và răm rắp làm theo cách làm cách dạy cũ từ trước đến nay liệu học sinh có cơ hội, có đất sáng tạo, có được bộc lộ cảm xúc... không?
Đây là những minh chứng nhỏ trong rất nhiều câu chuyện khác ở nhà trường hiện tại. Để ý một ít sẽ thấy tính thụ động của cả thầy và trò trong việc phát triển năng lực sáng tạo và khơi mở tư duy cho học sinh đang diễn ra.
Hay nói như một nhà giáo dục, chúng ta cần một cuộc cách mạng sự học. Đó là cuộc cách mạng diễn ra trong chính bản thân để thay đổi tư duy chính từ những người thầy - chủ thể chính của mọi cải cách.