Giáo dục

5 bước giúp con 'vượt chướng ngại vật'

TTO - Không ít bậc cha mẹ cho rằng con mình không có hứng thú học tập là do không có chí nỗ lực phấn đấu vươn lên. Thực ra, đây là suy nghĩ cảm tính.

5 bước giúp con vượt chướng ngại vật - Ảnh 1.

Cha mẹ định hướng, động viên, kích thích sáng tạo cho trẻ tự tin hơn - Ảnh: T.T.D.

Ba mẹ bé Hà Tuấn (8 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể chuyện về cậu con trai với vẻ đầy lo lắng khi con làm bài tập, gặp bài khó là nản chí, không suy nghĩ tìm cách giải quyết, la toáng lên nhờ cha mẹ giải giùm. 

Chơi thể thao một chút đã kêu mệt. Hầu như cậu chẳng muốn cố gắng làm việc gì, chỉ muốn nghỉ ngơi, giải trí.

Thật ra, nếu cha mẹ hiểu rằng quá trình kích thích con vượt chướng ngại vật không chỉ phụ thuộc vào con trẻ, mà cần sự đồng hành của người lớn: bình tĩnh, kiên trì và tình yêu thương.

1 Trẻ sẽ nỗ lực vươn lên khi có động cơ đúng đắn

Không ít bậc cha mẹ cho rằng con mình không có hứng thú học tập là do không có chí nỗ lực phấn đấu vươn lên. Thực ra, đây là suy nghĩ cảm tính. 

Trẻ không chịu nghiên cứu kiến thức trong sách vở hay chẳng làm hết các bài tập trong sách giáo khoa chưa hẳn là do các em không chịu khó. Đối với trẻ em, chỉ những gì mà trẻ thích thú mới tuyệt vời, mới đáng quan tâm để cố gắng chinh phục. 

Những gì trong sách vở đôi khi khô khan và khá trừu tượng nên không hấp dẫn đối với trẻ. Bởi vậy, việc trẻ không thích học, hoặc chưa làm hết bài tập không có nghĩa là trẻ không có chí phấn đấu vươn lên.

Trong thực tế, một số trẻ có chí nỗ lực nhưng kết quả học tập không được như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ chưa có động cơ học tập và thiếu những kỹ năng cần thiết. 

Cha mẹ cần nhanh chóng trang bị cho trẻ, giúp trẻ lựa chọn phương pháp học tập cho phù hợp, không nên trách móc con cái. Đồng thời giúp trẻ hứng thú với kiến thức khoa học bằng các cách tiếp cận thú vị như học trong thực tiễn, học trong những chuyến du lịch...

Trẻ cần được hiểu học tập cũng như tham gia các hoạt động để bản thân tiến bộ lên, để trở thành người có ích cho xã hội, chứ không phải học cho cha mẹ.

2 Cha mẹ phải tin tưởng rằng trẻ sẽ tiến bộ

Rất nhiều bậc cha mẹ không tin con có thể tự "bứt phá" để vươn lên. Điều này có thể khiến lòng tự tôn của trẻ bị tổn thương, thậm chí còn yếu đuối, sẵn sàng cam chịu sự thất bại. 

Đôi lúc trẻ cố ý làm một số việc không đúng, thực ra là để thu hút sự chú ý của người lớn, cha mẹ vì không hiểu con nên có những nhận định sai lầm.

3 Tuyệt đối không nên mỉa mai, trêu đùa làm trẻ nản chí

Trêu đùa, mỉa mai trẻ, thậm chí đem những lỗi lầm của trẻ ra giễu cợt là những tác động hết sức sai lầm, ảnh hưởng lòng tự trọng của trẻ. Trong giáo dục, tránh định kiến kiểu: "Con mà cũng muốn làm họa sĩ à? Thế thì ai còn dám xem tranh nữa!". Điều này ảnh hưởng rất tiêu cực đến khả năng vươn lên của trẻ.

Ngược lại, khi trẻ có biểu hiện tiến bộ hoặc làm việc hiệu quả, nếu được cha mẹ khích lệ kịp thời thì tinh thần phấn khởi, lòng tự tin và chí nỗ lực vươn lên càng được tăng cường.

4 Kích trí tò mò, hiếu kỳ của trẻ

Trí tò mò và hiếu kỳ ham muốn khám phá thế giới khách quan là liều thuốc kích thích cho chí nỗ lực vươn lên của trẻ. Tùy theo từng lĩnh vực, cha mẹ giúp trẻ xác định khả năng trội nhất của mình và khám phá để nâng cao sự hiểu biết của bản thân.

5 Giúp trẻ xây dựng mục tiêu lâu dài

Cha mẹ lắng nghe và giúp trẻ hiểu nhu cầu nào có thể thỏa mãn và nhu cầu nào chưa thể đáp ứng được. Từ đó, hướng dẫn cho con xác định những dự định rõ ràng, đồng thời lập kế hoạch cho con dựa trên những nhu cầu chính đáng, phù hợp với điều kiện thực tế. 

Nhưng cũng cần làm cho con hiểu rõ rằng không được nhầm lẫn chí nỗ lực bứt phá với tính hiếu thắng, bất chấp mọi thủ đoạn để thành công.

Tóm lại, cha mẹ cần chia sẻ để con trẻ nhận biết rằng trên đường đời của mỗi người, dù chông gai hay thuận buồm xuôi gió, điều quan trọng không phải là vượt lên người khác, mà là vượt lên chính bản thân.

"Cho con động móng tay đi"... 'Cho con động móng tay đi'...

TTO - Nhà có tiệc, con gái lớn anh Đ. chỉ xuất hiện khi mọi việc đã đâu vào đấy, ăn xong rồi lại lên phòng, để người khác dọn dẹp. Còn cậu con trai thì cứ dán mắt vào điện thoại...

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  178,263       2/973