TTO - Ở làng biển Thọ Quang, Đà Nẵng, hành trình đến với con chữ của những đứa trẻ nghèo cũng nhọc nhằn như cuộc vật lộn với sóng biển của cha mẹ chúng.
Bà Châu và các học trò xóm biển Thọ Quang - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Từ nỗi trăn trở đó, bà giáo Lê Thị Châu (62 tuổi, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) đã quyết định dành trọn những tháng ngày hưu trí để mở một lớp học.
Hơn 6h tối, đám trẻ đủ lứa tuổi tập trung tại nhà bà Châu. Trong khi nhóm các em lớp 4, lớp 5 bày tập sách ra bàn thì ở một góc khác, những em lớp nhỏ hơn cũng hí hoáy tập viết, đánh vần.
Việc dạy cùng lúc vài chục em học sinh theo chương trình trải đều từ lớp 1 đến lớp 5 quả thực không hề dễ dàng. Ấy thế mà bà Châu vẫn kiên nhẫn chỉ bày bài vở cho từng em một.
Vào năm học, đám trẻ thường chỉ đến lớp bà Châu vào buổi tối. Nhưng những ngày hè, những đứa trẻ quấn quýt ăn, ở, học cùng bà giáo cả ngày. Đến tối mịt, cha mẹ các em đi làm về mới đến đón.
Đám trẻ con ở làng chài Lộc Phước 3 quý bà Châu như mẹ. Có đứa suốt 5, 6 năm trời thời gian ở bên bà Châu còn nhiều hơn ở cạnh cha mẹ chúng. Đa số các em thuộc hoàn cảnh khó khăn, nên bà Châu không thu bất kỳ khoản phí nào.
Bà Châu kể cái nghiệp dạy học cho trẻ em làng chài này gắn với bà từ những ngày còn đứng trên bục giảng. Người dân trong vùng chủ yếu làm nghề biển, làm công nhân, mưu sinh vất vả.
Cha mẹ các em phải lam lũ làm ăn, không có thời gian chăm nom con cái thì làm sao kèm cặp việc học hành cho các em. Ấy thế là bà Châu mở lớp.
Đến nay đã hơn 12 năm bà duy trì lớp học của mình. Nhiều gia đình ngày trước có cha mẹ là học trò ở lớp của bà, nay các con họ cũng vào lớp học ấy.
Không chỉ những đứa trẻ nghèo đến với lớp học tình thương của bà Châu, mà hầu hết trẻ con trong vùng đều thích đến nhà bà mỗi ngày. Bởi theo chúng, nhà bà Châu có cả vùng trời tri thức - đó chính là tủ sách đặt hơn 3 năm nay ở lớp học.
Sách có đủ loại, đặc biệt là sách cho thiếu nhi. Hằng ngày, lũ trẻ thoải mái đến tìm đọc sách và trò chuyện, vui chơi cùng nhau.