TTO - Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là một nhiệm vụ bắt buộc và quan trọng của giáo viên để cập nhật kiến thức mới, đáp ứng xu thế phát triển.
Tập huấn phương pháp giáo dục theo định hướng STEM cho giáo viên tại TP.HCM - Ảnh: N.HÙNG
Trong đó để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của công cuộc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới lần này cũng như tránh "đi vào vết xe đổ" của những lần tập huấn trước, tôi xin nêu ra mấy câu chuyện, ý kiến:
Chuyện "mạnh ai nấy làm"
Đổi mới phương pháp dạy học truyền thống "thầy đọc, trò chép" sang lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp liên môn... không phải bây giờ mới triển khai bồi dưỡng.
Lâu nay, Bộ GD-ĐT đã tạo nền tảng cơ bản đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cho giáo viên bằng những chuyên đề bồi dưỡng cấp phòng, sở.
Tuy nhiên, đáng tiếc là mọi thứ vẫn đang dừng lại ở lý thuyết với những kiến thức hàn lâm nặng nề.
Giáo viên thực hiện theo kiểu "hiểu gì làm đó", "mạnh ai nấy làm". Công tác kiểm tra, đôn đốc vẫn nặng về hình thức, kiểm tra trên giấy tờ và hồ sơ lưu trữ.
Chẳng hạn, dạy học phát triển năng lực người học được triển khai với những nhóm năng lực chung và năng lực chuyên biệt của bộ môn.
Chúng tôi đã tham gia tập huấn tập trung ở tổ bộ môn huyện, thị. Báo cáo viên là một giáo viên cốt cán trong tổ nghiệp vụ được tham gia lớp tập huấn cấp sở trình bày lại những lý thuyết đã được tiếp thu.
Tất nhiên, kiến thức cơ bản được truyền tải đã bị "tam sao thất bản" một phần.
Thêm vào đó là những thắc mắc, phát vấn của giáo viên tại cơ sở bị bỏ ngỏ khi cán bộ thuyết trình lý giải bản thân cũng chỉ là một báo cáo viên trình bày lại những điều đã thấy, đã nghe và rất nhiều vấn đề vẫn chưa thông suốt để có thể giải thích thấu đáo với giáo viên.
Kết quả là các trường triển khai dạy học phát triển năng lực học sinh theo kiểu hình thức, đối phó. Giáo án phải chỉnh sửa thêm một mục phát triển năng lực để cán bộ cấp phòng về kiểm tra.
Còn việc thực dạy phát triển năng lực vẫn còn mơ hồ, rối rắm cực kỳ khi giáo viên chưa thật sự tường tận lý thuyết, chưa tham dự tiết dạy mẫu để học tập kinh nghiệm.
Một đồng nghiệp của tôi ở trường khác còn phát biểu ngoài lề buổi tập huấn rằng: Muốn phát triển năng lực trên giấy thì cứ việc "bế" từng năng lực "thả" vào giáo án, đúng - sai, trúng - trật mặc kệ!
Coi chừng "cưỡi ngựa xem hoa"
Theo dõi các phương tiện truyền thông, tôi rất băn khoăn với kế hoạch bồi dưỡng giáo viên mà Bộ GD-ĐT đưa ra (kế hoạch 270/KH-BGDĐT - Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới).
Ông Hoàng Đức Minh, cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho biết để thực hiện chương trình phổ thông mới sẽ tập huấn đội ngũ giáo viên trong 8 ngày.
Giáo viên cốt cán sẽ được bồi dưỡng theo hình thức tập trung gồm 3 giáo viên/môn học/cấp học/tỉnh, thành.
Dự kiến quý 2 năm học 2019-2020 sẽ bồi dưỡng đại trà cho giáo viên. Riêng việc bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp, cuối năm 2018 sẽ triển khai đại trà. Theo tính toán, giáo viên sẽ học khoảng 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ) để có thể thực hiện việc dạy tích hợp nhiều môn.
Câu hỏi được đặt ra là: Liệu giáo viên có tiếp tục "cưỡi ngựa xem hoa" khi tiếp cận chương trình mới, phương pháp dạy học mới hay không? Mỗi khi phân cấp bồi dưỡng, càng xuống cấp cơ sở thì kiến thức, kỹ năng cần truyền đạt lại càng hao hụt.
Tình trạng "tam sao thất bản" có xảy ra không? Câu hỏi phản hồi của giáo viên sẽ lại rơi vào im lặng như lâu nay?
Lẽ nào giáo viên tiếp tục tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, tự tích lũy chuyên môn mà nói trắng ra là tự mày mò, tự mò mẫm trong mớ bòng bong của đổi mới nội dung, phương pháp?
Dạy tích hợp không chỉ là vấn đề về nội dung kiến thức, mà quan trọng hơn hết là phương pháp sư phạm đặc trưng của từng môn học.
Nếu bồi dưỡng, đào tạo không tới nơi tới chốn, phải chăng những môn tích hợp sẽ biến thành "nồi lẩu thập cẩm" như lo ngại bao lâu nay trong dư luận?
Những câu hỏi trên cũng chính là trăn trở của giáo viên xung quanh công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên sắp tới.
4 việc cần làm nâng chất tập huấn
1. Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên tập trung, tránh phân cấp nhiều tầng. Thời đại công nghệ số với những tiện ích vượt trội cho phép chúng ta tận dụng để tập huấn online, bồi dưỡng trực tuyến qua mạng.
Điều này vừa ngăn chặn tình trạng "tam sao thất bản", vừa tạo điều kiện cho giáo viên trong cả nước phát vấn trực tiếp với báo cáo viên và nhận được phản hồi ngay lập tức.
2. Những nhà giáo đầu ngành, chuyên viên giáo dục cấp phòng, sở hãy tiến hành các tiết dạy mẫu, dạy thực nghiệm ứng dụng phương pháp phát huy năng lực người học, tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề…
Những bài giảng trực quan sinh động ấy hữu ích gấp bội phần so với các lý thuyết bồi dưỡng.
3. Báo cáo viên trong các buổi tập huấn dù giỏi đến đâu cũng không thể truyền tải hết ý đồ của người viết sách giáo khoa, chủ biên các môn học. Vì vậy, cần cung cấp số điện thoại, email của những người có trách nhiệm để giáo viên liên hệ.
4. Bộ GD-ĐT phải mở nhiều diễn đàn để giáo viên có điều kiện trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau.
Đây cũng sẽ là môi trường thuận lợi để bộ nắm chắc tâm tư nguyện vọng của giáo viên, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mới và có hướng điều chỉnh kịp thời.