Giáo dục

Đừng làm Quốc hội tốn thời gian chuyện học phí thành 'giá'

TTO - Tính bao nhiêu là đúng, bao nhiêu là đủ khi ấn định học phí không phải trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, do đó bộ đừng làm thay các trường và làm tốn thời gian của quốc hội.

Đừng làm Quốc hội tốn thời gian chuyện học phí thành giá - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phùng Xuân Nhạ - Ảnh: Quochoi.vn

Giữa cơn “bão” trạm thu phí BOT thành trạm thu giá, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại muốn đổi “phí” (học phí) thành “giá”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cố giải thích với đại biểu Quốc hội, báo chí và người dân rằng các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập tính đúng, tính đủ theo giá dịch vụ đào tạo, đây không phải thương mại hóa.

Giáo dục cần thay đổi gì?

Thật lạ, mong mỏi của người dân theo một hướng, trong khi quản lý của Bộ GD-ĐT đi theo hướng ngược lại. Nên, dù giải thích nhiều lần về "giá" nhưng xem ra không nhận được sự đồng tình.

Không phải vì người nghe không hiểu mà họ dị ứng ngay với cách đặt vấn đề từ "phí" sang "giá", từng bước thay đổi theo nội hàm hai khái niệm đó không thể làm xói mòn sức mạnh mềm vốn có từ bao đời nay: truyền thống tôn sư trọng đạo, hình ảnh cao đẹp của giáo giới.

Trong cơ chế thị trường, nhiều ngành phải thay đổi cho phù hợp, giáo dục không là ngoại lệ. Với giáo dục hiện nay, sự thay đổi đó phải là vị thế nhà giáo, quá trình đào tạo, thực thi chế độ chính sách tiền lương, lộ trình thực hiện đổi mới chương trình phổ thông...

Sự thay đổi đó phải là biên soạn sách giáo khoa, đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tổ bộ máy giáo dục, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đến những vấn đề trong học đường đang gây bức xúc như bệnh thành tích, dạy thêm học thêm, bạo lực học đường...

Những việc ấy lẽ ra cần trình với Quốc hội, lắng nghe đại biểu thảo luận, góp ý; đằng này, phí - giá, những tranh luận bùng lên, niềm tin vào giáo dục vốn đã yếu càng yếu hơn.

Giáo dục, với đặc thù của mình, dường như càng bị thách thức khi nêu vấn đề giá dịch vụ đào tạo, thầy cô sẽ được gọi là người cung ứng dịch vụ - đây là một trong hàng trăm bình luận dưới bài viết Bộ GD-ĐT đề nghị đổi "học phí" thành "giá dịch vụ đào tạo".

Bộ giáo dục và những đề án ngàn tỉ 'chết yểu'

Tháng 4-2014, khi trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo Bộ GD-ĐT, cần 34.000 tỉ đồng để biên soạn chương trình, sách giáo khoa. Sau đó, giải trình trước hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân bua, chỉ là do anh em... "khớp", ông xin nhận trách nhiệm.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, tiêu hơn chục nghìn tỉ đồng mà xem ra kết quả quá mong manh, thêm một đề án đầy tai tiếng.

Đề án 911 đào tạo 20.000 tiến sĩ cho ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020 sớm chết yểu, 14.000 tỉ đồng cho đề án đi về đâu, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Cách đây ít hôm, sau khi bị phản ứng mạnh mẽ, Bộ GD-ĐT buộc phải thu hồi đề án thi THPT quốc gia có kinh phí suýt soát 750 tỉ đồng. Dư luận lại một phen dậy sóng vì kiểu xài tiền của giáo dục.

Như vậy, Bộ GD-ĐT không ít lần ngập trong những dự án - đề án từ trăm tỉ, ngàn tỉ, chục nghìn tỉ đồng, ai cũng biết tiền ấy là thuế do dân đóng, vốn vay trong nước và quốc tế.

Số tiền khủng một đi không trở lại, còn thực trạng giáo dục như giậm chân tại chỗ, tụt hậu cả so với những nước trong khu vực.

Gánh trên vai trọng trách của một ngành tác động mạnh mẽ, toàn diện đến công cuộc xây dựng nước nhà, quản lý phải đưa ra được hệ thống giải pháp đột phá mạnh mẽ, tuyệt nhiên không thể quẩn quanh với "giá".

Người dân, nhà giáo, ai biết, ai nghe, ai thấy cũng đều buồn phiền, bức xúc, Bộ GD-ĐT có hay?

Thêm một lần Bộ GD-ĐT mất điểm trong lòng người dân.

Bộ đừng làm thay quản lý của các trường

Trở lại vấn đề, từ học phí chuyển sang "giá dịch vụ đào tạo", thật ra người học không nề hà nếu họ được thụ hưởng quá trình đào tạo chất lượng, có việc làm sau ra trường. Trong bối cảnh giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, tính bao nhiêu là đúng, bao nhiêu là đủ khi ấn định học phí không phải trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, bộ đừng làm thay quản lý của các ĐH. Trong vấn đề đó, người học cần Bộ GD-ĐT (và các bộ, ngành liên quan) tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, thẩm định.

Tiếp cận như trên, câu chuyện "giá" sẽ không làm tốn thời gian của Quốc hội, không lẽ vị tư lệnh ngành không biết, hay đưa ra vấn đề đó để bộ tránh những câu hỏi xoáy (của đại biểu Quốc hội) xoay quanh chuyện đã - đang - sẽ đổi mới giáo dục, thay đổi thực trạng học đường hiện nay?

Lý lẽ của Bộ Giáo dục khi biến Lý lẽ của Bộ Giáo dục khi biến 'học phí' thành 'giá'

TTO - Trước sự sửng sốt cũng như phản đối của đại biểu quốc hội, Bộ Giáo dục - đào tạo kiên trì giải thích chuyện đổi 'học phí' thành 'giá dịch vụ đào tạo'.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  177,408       3/896