TTO - Từ xơ tre, nhóm sinh viên chuyên ngành kỹ thuật dệt may tại TP.HCM nghiên cứu tạo ra áo chống nắng có thể 'biến hình' khi vào chỗ mát.
Hai mẫu áo chống nắng đa năng làm từ xơ tre kháng UV tự nhiên - Ảnh: TƯỜNG HÂN
Thay vì phải mặc hai lớp áo che nắng, chị em chỉ cần mặc chiếc áo khoác hoodie trùm đầu này. Đến chỗ râm, chỉ mất vài thao tác, chiếc áo "biến" thành áo thun cổ tròn, phần tay áo được tháo ra "biến hóa" thành giỏ xách...
Áo có hai lớp: lớp vải từ xơ tre có tác dụng chống tia UV tự nhiên (chất liệu chính) và lớp vải hiệu năng cao (dùng trong trang phục thể thao).
"Hiện tại các trang phục chống nắng được phủ lớp nano TiO2 có thể bị phai dần sau nhiều lần giặt. Xơ tre là vật liệu kháng UV tự nhiên, càng giặt các sợi vải càng chống nắng tốt hơn, tính chất không giảm theo thời gian", sinh viên Phan Ngọc Hưng - khoa Cơ khí, ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết.
"Với số lượng nhỏ, nhóm ước lượng chi phí sản xuất một chiếc áo tầm 200.000-300.000 đồng", Hưng nói thêm.
Với tên gọi khá "kêu": "Trang phục tuyệt vời cho phụ nữ miền nhiệt đới", mẫu áo này thu hút đông khách tham quan tại triển lãm EPICS - dự án kỹ thuật cho dịch vụ cộng đồng, tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP.HCM sáng 19-6.
Trong khuôn khổ sự kiện còn có 19 dự án kỹ thuật khác phục vụ cộng đồng như giường thông minh giúp nâng đỡ người bệnh, khóa chống trộm rẻ tiền cho ba lô sinh viên, thiết bị cảnh báo khoảng cách an toàn cho mắt khi dùng máy tính, vườn rau thông minh cho bếp ăn từ thiện…
Chương trình do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và ĐH bang Arizona, công ty hóa chất Dow tổ chức, thí điểm tại ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, ĐH Bách Khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Lạc Hồng.