TTO - Theo phân công của Bộ GD-ĐT, 23 trường ĐH ở TP.HCM sẽ phối hợp với Sở GD-ĐT các tỉnh khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phổ biến thông tin trong buổi tập huấn công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 cho các cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra trường của trường sáng 19-6 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhiều trường đại học ở TP.HCM cho biết từ hôm nay 21-6, các cán bộ là phó điểm thi, thanh tra, giám sát của trường đã bắt đầu lên đường đến các tỉnh để chuẩn bị công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Các cán bộ, giảng viên tham gia công tác coi thi sẽ tiếp tục di chuyển đến các địa phương trong những ngày tới.
Cán bộ coi thi được bố trí ở gần điểm thi
Ngày 23-6, 542 cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ lên đường, đến 25 điểm thi, phủ khắp 3 thị xã và 8 huyện của tỉnh Bình Phước làm nhiệm vụ phối hợp với địa phương này tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huy Nhựt - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết ngay từ giữa tháng 5-2018, nhà trường đã cử tổ công tác đến tất cả 25 điểm thi tại tỉnh Bình Phước để tiền trạm, chuẩn bị mọi công tác hậu cầu, khảo sát chỗ ăn ở, đi lại cho cán bộ, giảng viên làm công tác thi tại địa phương này.
Đây là năm thứ 3 trường này làm công tác phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia tại Bình Phước nên mọi công việc đều thuận lợi, sự phối hợp giữa nhà trường và địa phương cũng khá nhịp nhàng nên không gặp trở ngại gì.
"Cán bộ, giảng viên của trường đều được bố trí ở tại nhà nghỉ/khách sạn gần các điểm thi, thuận tiện cho việc đi lại. Riêng hai điểm thi Trường THPT Lộc Hiệp (xã Lộc Hiệp, Lộc Ninh) và Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (xã Bom Bo, Bù Đăng) thầy cô phải ở luôn trong trường vì không có nhà nghỉ để thuê", ông Nhựt cho biết thêm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho biết trường này sẽ bố trí ba xe buýt lớn đưa cán bộ, giảng viên từ TP.HCM xuống Bạc Liêu tham gia công tác thi.
"Một số thầy cô đề xuất sẽ tự túc đi lại nên chúng tôi cũng có chút lo lắng về việc này. Tuy nhiên, nhà trường cũng đã lưu ý tất cả cán bộ, giảng viên đều phải tuân thủ nghiêm túc thời gian tập trung, có mặt tại điểm thi đúng giờ.
Chúng tôi coi đây là công tác trọng điểm của trường nên đã tập trung toàn lực cho mọi khâu. Đến nay, mọi việc nhà trường đều đã hoàn thành công tác chuẩn bị sẵn sàng phục vụ kỳ thi quan trọng sắp tới", ông Khang nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khang, nhà trường đã bố trí thuê khách sạn cho tất cả cán bộ làm công tác thi của trường đều gần điểm thi. Hầu hết chỗ ở của thầy cô chỉ cách điểm thi chừng 1 km. Chỉ có duy nhất một điểm xa hơn một tí nhưng trường bố trí xe đưa đón thầy cô đến điểm thi.
Nhờ người dân nấu cơm giúp
Theo thống kê, các trường hợp cán bộ coi thi bị kỷ luật vi phạm quy chế thi lại rơi vào những người có kinh nghiệm lâu năm nhưng chủ quan, chứ không phải là cán bộ trẻ, mới coi thi lần đầu. Do đó, tinh thần thái độ của cán bộ coi thi là hết sức nghiêm túc, có trách nhiệm, không chủ quan, lơ là…
TS Trần Đình Lý
TS Trần Đình Lý - trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - cho biết trường sẽ đưa hơn 375 cán bộ coi thi, thanh tra, giám sát... đến Gia Lai tham gia công tác coi thi. Đến thời điểm này, tất cả đều sẵn sàng làm nhiệm vụ vì trường và Sở GD-ĐT Gia Lai đã từng phối hợp tổ chức thi nhiều năm trước.
Theo ông Lý, công tác coi thi là khâu quyết định sự thành công của kỳ thi quốc gia. "Nói vậy không có nghĩa là xem nhẹ các khâu khác nhưng với sự chuẩn bị trong một thời gian khá dài đầu tư cho tất cả các khâu, từ ra đề thi đến in sao đề thi, chuẩn bị công tác coi thi… thì "nút coi thi" sẽ quyết định sự thành công kỳ thi mang tầm quốc gia. Đã là kỳ thi quốc gia thì mọi việc phải mang tính hệ thống, không thể để bị tắc nghẽn 1 khúc hay 1 khâu nào cả", ông Lý nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại lo lắng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm trong thời gian diễn ra kỳ thi đối với cán bộ làm công tác thi, nhà trường yêu cầu trưởng nhóm đặt cơm cho người dân nấu giúp.
"Bên cạnh việc yêu cầu cán bộ coi thi siết chặt kỷ luật thi cử, chúng tôi nhắc nhở giám thị phải coi thí sinh đi thi như con em của mình. Trong bất cứ tình huống nào cũng không được đe dọa hay có những hành động làm mất tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh. Ngay đối với cả thí sinh đi trễ, cán bộ coi thi, giám sát phải động viên tạo điều kiện cho thí sinh dự thi đúng quy chế", ông Dũng cho hay.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay tham gia phối hợp với Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh tổ chức coi thi kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh này. Trường huy động 450 cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ coi thi tại 16 điểm thi ở thành phố và 8 huyện thuộc tỉnh Tây Ninh.
Theo ThS Phạm Thái Sơn - trưởng phòng tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, việc phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia giữa trường với tỉnh Tây Ninh đã thực hiện mấy năm qua nên mọi việc hiện tại rất thuận lợi.
Đến nay, trường đã kiểm tra cơ sở vật chất của các điểm thi tại Tây Ninh ba lần để đảm bảo công tác chuẩn bị tốt nhất cho thí sinh trong quá trình thi. Việc chuẩn bị cho đội ngũ cán bố, giảng viên coi thi đã hoàn tất và nhà trường cũng đã có phương án di chuyển giáo viên lên địa điểm coi thi.
"Các điểm phó và thanh tra của trường đã họp với Sở GD-ĐT Tây Ninh và thực hiện việc lấy chữ ký mẫu từ hôm 19-6. Cán bộ coi thi sẽ đăng ký chữ ký vào ngày 24-6, trong buổi tập huấn công tác thi tại Tây Ninh", ông Sơn chia sẻ.