Được biết đến với môi trường đại học năng động và chương trình đào tạo thực tiễn, giàu tính ứng dụng, trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) còn là một trong những “bệ phóng khởi nghiệp” vững vàng của nhiều thế hệ sinh viên.
Nguyễn Thị Thủy Tiên - Sinh viên HUTECH vào Top 10 giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017
Cùng chia sẻ một vài câu chuyện khởi nghiệp độc đáo và đầy sáng tạo của sinh viên Đại học HUTECH ngay từ giảng đường.
Những "mảnh ghép startup" truyền cảm hứng
Là trường Đại học đào tạo đa ngành, đa bậc học nên những câu chuyện khởi nghiệp của sinh viên Đại học HUTECH cũng trải rộng trên nhiều lĩnh vực, và đôi khi kiến thức chuyên ngành với ý tưởng khởi nghiệp có vẻ rất "không liên quan".
Chẳng hạn, đó là ý tưởng "độc lạ" - làm tranh từ vảy cá của bạn Lê Ngọc Biết (sinh viên ngành Marketing HUTECH). Mới lạ, thu hút, giàu tính nghệ thuật lại tận dụng được một chất liệu vô cùng độc đáo, những bức tranh vảy cá của Ngọc Biết cùng nhóm bạn đã chinh phục giải Ba cuộc thi Tôi, khởi nghiệp 2017, giải Ba Toursim Ideas 2017.
Sự sáng tạo, tỉ mỉ và khéo léo cho ra đời những bức tranh vảy cá, còn kiến thức chuyên môn của một sinh viên Marketing lại giúp Ngọc Biết đưa sản phẩm của mình "tấn công" thị trường một cách bài bản, hiệu quả hơn.
Năng động, sáng tạo và nhạy bén - rất nhiều sinh viên HUTECH đã chọn khởi nghiệp bằng cách "làm những điều chưa ai làm". Với kiến thức của một kỹ sư Công nghệ thực phẩm tương lai, sinh viên Nguyễn Thị Thủy Tiên đã chọn một ý tưởng khởi nghiệp "thơm ngon" - món mứt chôm chôm sấy dẻo giúp bạn lọt Top 10 giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2017.
Trong khi đó, vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, bạn Tô Thành Duy (ngành Công nghệ thông tin HUTECH) đã hoàn thiện Ứng dụng tìm nhà trọ trên thiết bị di động và được Thành Đoàn TP.HCM hỗ trợ để đưa vào sử dụng trên thực tế.
Hãy "làm tốt hơn những điều người khác đã làm"!
Đó chính là "chìa khóa" cho câu chuyện của Huỳnh Vũ Hoài Nhân (ngành Công nghệ thông tin HUTECH), chủ nhân giải Nhất tại Festival Thanh niên khởi nghiệp Việt - Hàn 2017 với startup ứng dụng ngón tay robot MicroPush vào sản xuất công nghiệp. Hoài Nhân chia sẻ: "Đôi khi việc trùng lắp ý tưởng là điều có thể xảy ra. Quan trọng là cách mình giải quyết bài toán, giải quyết vấn đề có hiệu quả, có làm tốt hơn người khác đã làm hay không,…".
Với quan điểm thực tế đó, Hoài Nhân cùng bạn bè đã đưa MicroPush vượt qua giới hạn của một cuộc thi để trở thành một startup với 04 cơ sở tại Hà Nội và TP.HCM. Vừa tốt nghiệp Đại học, anh bạn giám đốc trẻ Hoài Nhân vẫn đang tiếp tục niềm đam mê khởi nghiệp, giống như một cựu sinh viên HUTECH nổi tiếng là Nhan Thế Luân - chủ nhân "thương hiệu" nhaccuatui.com.
Chủ nhân thương hiệu Nhaccuatui.com - Nhan Thế Luân - là cựu sinh viên ngành CNTT HUTECH
"Làm tốt hơn những điều người khác đã làm", đầu tư tất cả đam mê và năng lực để thành công với những sản phẩm chất lượng cũng "kim chỉ nam" của nhiều thế hệ sinh viên HUTECH. Đó là Võ Thị Ngọc Huyền (cựu sinh viên Kế toán), chủ nhân thương hiệu mỹ phẩm Huyền Cò với hơn 30 đại lý tại 30 tỉnh thành trên cả nước.
Đó là những nhà thiết kế trẻ trưởng thành từ "cái nôi" Thiết kế thời trang HUTECH như NTK Huy Trần, NTK Trị Lý - đồng sáng lập thương hiệu thời trang M.O.P ở phân khúc thời trang cao cấp hay NTK Nguyễn Minh Tuấn - chủ nhân thương hiệu thời trang cưới MINHTUANnguyen Bridal, đại diện duy nhất của Việt Nam tại Wedding Fashion Show 2018 (Myanmar),...
NTK Lý Trị là đồng sáng lập thương hiệu thời trang cao cấp M.O.P
Học tập thực tiễn - bí quyết "cho ra lò" những ý tưởng startup thực tế
Thực tế cho thấy các mô hình khởi nghiệp thành công trước hết bắt đầu từ những ý tưởng rất "thực" nhưng "đánh trúng" được nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, mô hình đào tạo thực tiễn, giàu tính ứng dụng tại Đại học HUTECH được coi là "đất lành khởi nghiệp", bởi sinh viên được tiếp cận với thực tế ngay từ trên giảng đường - học cách phát hiện và giải quyết vấn đề, cách vận dụng kiến thức chuyên môn... thông qua thời lượng lớn thực hành, thực tập doanh nghiệp.
Sinh viên Đại học HUTECH luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của nhà trường
HUTECH cũng chú trọng xây dựng không gian khởi nghiệp toàn diện, kích thích tinh thần cho sinh viên. Cô gái "mứt chôm chôm" Thủy Tiên chia sẻ: "Khi em trình bày ý tưởng của mình, thầy cô, nhà trường luôn đồng hành với em để hỗ trợ về chuyên môn cũng như tạo những điều kiện thuận lợi cho em phát triển ý tưởng".
Một môi trường Đại học năng động, hiện đại để phát triển toàn diện cũng là điều mà HUTECH chú trọng xây dựng. "Giải pháp" của trường là tạo nhiều sân chơi ngoại khóa thú vị dành cho sinh viên - "giảng đường mở" để sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tổ chức, kỹ năng quản lý công việc, tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết... hoặc cao hơn là "thử lửa" với vị trí điều phối, lãnh đạo.
Khi thử sức mình với những "sân chơi" chính là khi sinh viên HUTECH trui rèn ý tưởng, học hỏi để hoàn thiện. Vì để khởi nghiệp hiệu quả, sinh viên đâu thể chỉ biết có những giảng đường.