Giáo dục

Từ đề thi 'lạ' đến tương tác thầy - trò

TTO - Không chỉ khích lệ học trò suy nghĩ độc lập, mạnh dạn bày tỏ quan điểm cá nhân, các đề thi 'lạ' còn tạo tương tác giữa thầy và trò.

Từ đề thi lạ đến tương tác thầy - trò - Ảnh 1.

Suy tư trước một đề thi lạ - Ảnh: Như Hùng

Mục đích của đề văn không dừng lại ở bài làm của học sinh, mà là những điều các em sẽ ngộ ra, giúp các em có suy nghĩ hướng thiện hơn

Cô Kim Anh

Khi ra một đề thi lạ, khích lệ những suy nghĩ độc lập, thậm chí chấp nhận cả những quan điểm trái ngược với thông thường, các giáo viên sẽ không thể dừng lại ở việc chấm điểm, mà các đề thi "lạ" chỉ có ý nghĩa khi có những tương tác sau đó giữa thầy và trò.

Từ đối thoại

Tương tự như học sinh viết bài "không cần phải chào thầy, cô giáo", cũng có một học sinh khác của cô Đặng Nguyệt Anh, Trường THPT Hà Nội Amsterdam, bày tỏ quan điểm "Tại sao lại phải mặc đồng phục khi đi học nhỉ?" khi làm một đề văn liên quan đến việc này. Và trách nhiệm của cô giáo không chỉ dừng lại ở việc ra đề, chấm bài nữa.

"Tôi đã gặp em học sinh đó, dĩ nhiên em dám thẳng thắn nói ra điều mình thích thì em cũng không ngại đối thoại với cô giáo. Em đưa ra hàng loạt lý do khiến bộ đồng phục bó buộc khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý khi học.

Còn tôi cũng phải giải thích cho học sinh về những quy định mà mỗi người sống trong một môi trường phải tuân thủ. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc, tôn trọng nơi mình học tập, làm việc và cũng nhắc nhở mình có thái độ học tập nghiêm túc hơn..." - cô Nguyệt Anh kể lại.

Một đề văn khác mà cô Nguyễn Kim Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), ra cho học sinh lớp 10 vừa mới vào trường là: "Hãy kể lại một kỷ niệm". Cô Kim Anh cho biết đó là một trong các đề văn thuộc nhóm "để hiểu học sinh".

Có một học sinh đã kể về kỷ niệm buồn mà em day dứt mãi như sau: "Hôm đó vì giận một việc mà bố đã đánh mẹ. Không chấp nhận việc đó, em đã lao vào bênh mẹ và chịu đòn thay mẹ. Em cảm thấy hãnh diện khi mình đã đủ sức bảo vệ mẹ và có những lời lẽ không lễ phép với bố.

Bố em thì rất ngỡ ngàng và đau khổ, nhưng ông không nói gì vào lúc đó. Phải rất lâu sau khi bố con đã làm lành và nói chuyện lại được với nhau, em mới biết chính mình cũng gây nên tổn thương cho bố.

Có những vấn đề của người lớn mà con trẻ không hiểu được. Chỉ khi chín chắn hơn mới có thể cảm thông, chia sẻ và tha thứ".

Cô Kim Anh cho biết từ đề văn đó, cô đã được đọc nhiều câu chuyện vui, buồn tràn đầy cảm xúc chân thành của học sinh. Và cũng vì thế, việc dành thời gian để trao đổi, vừa là tư vấn, gỡ rối, vừa động viên chia sẻ với các em là việc các giáo viên không thể không làm.

Vì mục đích của đề văn không dừng lại ở bài làm của học sinh mà là những điều các em sẽ ngộ ra, các em nhìn lại, là những chia sẻ được tiếp nhận để giúp các em có suy nghĩ hướng thiện hơn.

Từ đề thi lạ đến tương tác thầy - trò - Ảnh 3.

Tương tác qua màn hình giữa cô giáo và học sinh - Ảnh cô Nguyệt Anh cung cấp

Đến thuyết phục

Cô Nguyễn Kim Anh cho biết vào thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta, đã có nhiều bạn trẻ sôi sục phản ứng. Trong số đó, khá nhiều học sinh trung học ở Hà Nội tham gia các diễn đàn, bàn nhau đi biểu tình.

Và không phải học sinh nào cũng hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ chủ quyền biển đảo mà tham gia vì vui, vì hội chứng đám đông.

Chính vì thế nên việc dạy và tổ chức các hoạt động ủng hộ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thời điểm này được xem là nhạy cảm.

"Biểu hiện lòng yêu nước của giới trẻ hôm nay. Nêu suy nghĩ của em?" là một đề văn có tính thời sự nhưng cũng rất nhạy cảm. Phải lường trước các diễn biến, phản ứng của học sinh và làm sao để có định hướng tích cực đối với học sinh.

Hiểu điều đó nên trong một tiết học, cô Nguyễn Kim Anh đã có buổi trao đổi với học sinh về điều này để gợi mở và hạn chế những tiêu cực do động chạm đến vấn đề nhạy cảm.

"Yêu nước nhưng không để thế lực phản động lợi dụng. Con đứng trước Đại sứ quán Trung Quốc hô hào vì con yêu nước, nhưng con có chắc những người đứng bên con đều giống như con không?

Con có biết và kiểm soát được những biểu ngữ ở xung quanh viết gì không? Chỉ một dòng nội dung "khác" mà con không nhận ra, có thể con cũng đang cổ vũ cho một âm mưu nào đó thì sao? Yêu nước cũng cần có suy xét và trí tuệ là thế đó" - tôi đã nói như thế sau khi lắng nghe nhiều ý kiến khác nhau của học sinh.

Tôi biết trong các em nhiều bạn đã rủ nhau hôm đó đi biểu tình. Nhưng sau khi làm đề văn, dù tôi chưa trả bài nhưng không một học sinh nào của tôi tham gia cuộc biểu tình hôm đó. Bù lại các em tham gia nhiều hoạt động khác ý nghĩa hơn của trường để thể hiện lòng yêu nước” - cô Kim Anh kể lại.

Từ đề thi lạ đến tương tác thầy - trò - Ảnh 4.

Học sinh Trường THPT Thực nghiệm thảo luận một đề bài của thầy giáo về cách ứng xử trong thời đại Internet phát triển - Ảnh: Vĩnh Hà

Một câu chuyện khác cũng của cô Kim Anh: Trong đề văn "Suy nghĩ về người giỏi và người học giỏi", có học sinh đã cho rằng không cần học giỏi cũng có thể thành công trong cuộc sống.

Vì "Bố mẹ em trước đây có học đại học đâu nhưng bây giờ cũng trở thành ông, bà chủ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình". Lại có học sinh viết: "Trước bố cũng không học nhưng bố lại luôn nhắc nhở, mắng mỏ em là phải học".

"Tôi đã trao đổi với cả phụ huynh và học sinh để hiểu được tâm sự của người cha - một tâm sự chắc cũng có ở nhiều người. Khi trò chuyện với bố của em học sinh mới hiểu trước đây do hoàn cảnh riêng, anh không được học đúng như mong ước mà phải đi làm sớm.

Vì thế khi có con, anh luôn muốn con được học hành tử tế hơn mình và cũng vì thế mà đã nôn nóng thúc giục con nhiều quá, trong khi mình lại không phải tấm gương học hành đỗ đạt. Hiểu điều này, tôi đã trò chuyện với học sinh. Khi nghe kể về lời trần tình của bố, em học sinh đã rất ân hận".

Tạo điều kiện cho học sinh kể chuyện

Khi yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ qua đoạn thơ "Có khi nào trên đường đời tấp nập / Ta vô tình đi lướt qua nhau / Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất / Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu", cô Kim Anh cho biết: "Tôi muốn qua đề văn này, các em ít nhiều hiểu rằng trong cuộc đời có những cơ hội, những cuộc gặp gỡ, những khoảnh khắc quý giá cần phải biết nâng niu, trân trọng. Đây cũng là đề bài cho tôi nhiều câu chuyện khác nhau của học trò mình".

Chấm thế nào với những đề thi Chấm thế nào với những đề thi 'lạ'?

TTO - Ra đề đã khó, nhưng chấm thi như thế nào khi gặp những tình huống bất ngờ, khó nghĩ? Đây cũng là việc khiến nhiều giáo viên phải trăn trở.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  176,858       2/1,075