Lối sống

Toạ đàm về “vấn đề đà điểu”

Cần phải làm quen với việc thẳng thắn bày tỏ chủ kiến ngay từ tuổi quàng khăn. Ảnh: Trung Dũng

Một đám đông đầy bối rối

 Nhà vật lý, TS Nguyễn Văn Trọng, người dày công nghiên cứu và dịch thuật những tác phẩm triết học kinh điển như Bàn về tự do của John Stuart Mill thốt lên khi mở đầu toạ đàm: “Có lẽ chưa bao giờ con người bối rối như hiện nay. Bối rối đã trở thành văn hoá của đám đông. Tôi đã tận mắt chứng kiến dân chúng bối rối không biết hỏi ai, phải tìm đến các nhà sư để hỏi những câu rất cụ thể về chuyện gia đình, chuyện giữ gìn hạnh phúc, chuyện làm thế nào có được sự bình an… Dường như con người đang nghi ngờ hết các giá trị. Lầm lẫn về cách mạng, về dân chủ khiến cho thế hệ tôi bối rối nhiều nhất. Thế hệ con cái cũng không thể hiểu được bố mẹ mình, không hiểu những băn khoăn của mình, nên tìm đến internet, nơi ở đó thông tin đúng đắn và nhảm nhí như nhau”.

Nhạc sĩ Tuấn Anh, một người trẻ với những tác phẩm đầy trăn trở về cái đẹp, về những giá trị cộng đồng như ca khúc Chim câu ngực gầy chia sẻ rất thật suy nghĩ của thế hệ mình: “Bây giờ sáng tác chỉ để cho vui, chẳng biết có tác dụng gì vào đời sống tâm hồn của con người hay không. Thế hệ 8X chúng tôi rất ham học, muốn tạo lập một giá trị nào đó có ý nghĩa cho cuộc sống, nhưng bị giáo dục sai từ nhỏ, thật uổng phí cho thời gian bỏ vào chuyện học quá nhiều mà chẳng áp dụng được gì, kinh nghiệm sống không có gì. Thế hệ 9X còn thiếu trầm trọng hơn. Nhìn ra thế giới, người ta đang tiến lên như vậy mà đất nước mình cứ nghèo hoài, làm sao không buồn được? Nhưng muốn làm gì cho đất nước, không chỉ cần đủ lực đủ tâm, mà còn cần một môi trường lành mạnh để cái tốt được ươm mầm, được nảy nở. Môi trường hiện nay đang làm thui chột những điều tốt đẹp, khiến giới nghệ sĩ chán nản. Nhưng than hoài cũng không được gì, thôi thì tự nhủ với lòng hãy viết cái gì cho đẹp, cho bình an. Đừng đổ dầu vô lửa làm gì. Tôi thấy con người hiện nay đang hướng ra ngoài nhiều quá, nên dễ bị cuốn theo cảm xúc của đám đông. Phải quan tâm bản thân mới biết quan tâm đến người khác, mới biết mình thiếu gì để bù đắp cho kinh nghiệm sống…”

Đỗ Hồng Ngọc, sinh viên năm ba khoa báo chí đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng thổ lộ ba khuynh hướng hiện nay của giới trẻ: “Tôi rất đồng cảm với nhạc sĩ Tuấn Anh. Học đại học đến năm thứ ba, mới thấy những gì mình học từ cấp 3 không sử dụng được gì. Vào đại học báo chí, ban đầu rất hào hứng nhiệt tình, nhưng lại thấy hai năm học đại cương khá lãng phí. Nhiều bạn sinh viên để dòng đời đưa đẩy, cũng có người chủ động tìm kinh nghiệm sống từ những hoạt động xã hội cộng đồng. Với riêng tôi, kỹ năng sống được bổ sung nhiều hơn nhờ tham gia tổ chức giáo dục môi trường cho trẻ thơ. Một lần đưa các em tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, phần lớn là con nhà giàu, tham quan trại thú ở Củ Chi, tôi hơi sốc khi các em cứ chúi đầu vào iPad chơi điện tử, chẳng em nào coi thú cả! Giới trẻ hiện có ba khuynh hướng, thứ nhất là thấy cái gì cũng chê trách. Thứ hai là tự ý thức được bản thân, có chủ kiến rõ ràng trước những sự kiện của xã hội, biết cách ứng xử chủ động và không bị dư luận dắt mũi. Facebook có công rất lớn giúp cho các bạn trẻ thuộc khuynh hướng này bày tỏ quan điểm. Thứ ba là trung lập, ai nói gì không quan tâm, khuynh hướng này đang áp đảo, tạo ra lối sống “rúc đầu xuống cát”, không đối mặt với thực tế. Dường như chúng ta đang khủng hoảng chức năng truyền thông, khiến con người mất mát niềm tin, không phân biệt xấu – tốt, phần lớn hoang mang, tránh né, không dám đối mặt, hoặc biết mình không làm gì để thay đổi được, chi bằng thoát ra, lờ đi để được an toàn”.

Nguyên nhân nằm ở chính mình?

“Dường như chúng ta đang khủng hoảng chức năng truyền thông, khiến con người mất mát niềm tin, không phân biệt xấu – tốt, phần lớn hoang mang, tránh né, không dám đối mặt, hoặc biết mình không làm gì để thay đổi được, chi bằng thoát ra, lờ đi để được an toàn”.

TS Nguyễn Văn Trọng đã dày công tìm hiểu căn nguyên của sự sụp đổ niềm tin, để trả lời cho những câu hỏi của chính mình: “Từ lâu tôi đã bận tâm với câu hỏi tại sao bao nhiêu ý đồ tốt đẹp của dân tộc ta suốt cả một thời gian đổi mới lại đem đến kết quả hoàn toàn ngược lại? Ngày trước thì nghèo được cho là tử tế, đùng một cái chúng ta “chơi” kiểu khác, thi đua làm giàu. Bỗng dưng chúng ta chuyển sang ăn nói một kiểu hoàn toàn khác mà không có giải thích sòng phẳng. Không ai thấy được cái sai của thời kỳ trước, cũng chẳng ai để ý chuyện phân giải. Những hiểu biết về cuộc cách mạng ở Nga, ở Trung Quốc, Pháp… buộc tôi phải suy nghĩ, để lập lại trật tự hiểu biết trong nội tâm con người tôi. Đi tìm lời giải cho riêng mình, tôi đã bắt đầu với công việc dịch thuật.

Ý thức dân chủ theo tôi hiểu là thiểu số và đa số phải có sự cảm thông nhau. Tác phẩm Bàn về tự do đã giúp tôi soi rọi lại tất cả, và tôi hiểu những vấn đề của chúng ta không phải bây giờ mới có. Phải nhìn thật sâu, thật xa vào văn hoá Việt để hiểu nguồn gốc của bạo lực. Cả một thời gian dài tuổi trẻ tôi đam mê cách mạng, mà không hiểu cách mạng là gì. Cả một thời gian dài chiến tranh liên miên, người Việt có thói quen giải quyết mọi chuyện bằng bạo lực. Khi có bối rối, việc đầu tiên mà người Việt nghĩ đến là tìm kẻ thù. Người Việt ít bao giờ chịu nhìn vào mình. Rất có thể nguyên nhân nằm ở chính mình. Chúng ta nhân danh những điều thiện để hành hạ nhau. Không ai chịu nhìn nhận khuyết điểm của chính mình. Lý thuyết âm mưu, lý thuyết tìm kẻ thù, dạy nhau lòng căm thù, mỗi lần mâu thuẫn lại rút gươm ra, đó là sự suy đồi của đạo đức, là bề nổi của một tâm thức không lành mạnh. Tìm hiểu kỹ về tôn giáo, tôi thấy cả Chúa Giêsu và Đức Phật đều dạy con người lòng thương yêu, muốn làm sao giúp con người thay đổi nội tâm của mình, trở về với bản ngã yêu thương, đó là khả năng nhân bản nhất. Các ngài đã nhìn ra bệnh của con người, đó là sự thù hận. Chiếm đoạt, tham lam tưởng là thu vén cho mình nhưng thực ra là huỷ hoại bản ngã nhiều nhất. Con người là một thực thể lưỡng phân, luôn phải đơn độc trong việc ra quyết định, nhưng con người có tính xã hội, họ không thể hạnh phúc nếu quyết định của mình không có sự cảm thông của người xung quanh. Khó khăn nhất của con người là tôn trọng người khác.

Hãy bớt nghĩ mình là Chúa cứu thế đi, bởi cải tạo con người là phản nhân bản nhất”.

Chọn thái độ “mũ ni che tai”, không phải để trốn thực tại, mà vì quá hiểu thực tại, hoạ sĩ Nguyễn Quân cho rằng: “Ngay từ thời xa xưa, các cụ đã chỉ ra những tật xấu của người Việt rồi. Cái xấu có sẵn từ trước, không phải bây giờ mới lên ngôi. Nhưng xấu và ác đến mức báo động như thế này, muốn cho con người tốt lên, phải quay lại quy luật của sự tiến hoá, chứ không thể quay lại bằng sự bất bình với chính quyền, với xã hội, với người xung quanh. Cũng tương tự như chiều cao được quyết định bởi 1/3 di truyền, 1/3 dinh dưỡng, 1/3 môi trường. Về di truyền, ta không lo vì dân tộc nào cũng có tật xấu.



Nhưng 2/3 còn lại là tại chúng ta. Gốc của cái đẹp là lòng nhân đạo. Dinh dưỡng cả về thể chất và tinh thần đều suy kiệt thì làm sao phát triển. Về môi trường, đụng độ giữa những khối người lớn như Nhà nước với nông dân liên quan đến ruộng đất, doanh nghiệp tư nhân với khối doanh nghiệp nhà nước về sở hữu toàn dân… đang dẫn đến bất ổn lớn của xã hội. Tại sao chúng ta chỉ tôn vinh những vị tướng trong chiến tranh – những “sợi đỏ” mà không tôn vinh những nhà cải cách, những nhà kinh doanh – những “sợi xanh”?

“Lý thuyết âm mưu, lý thuyết tìm kẻ thù, dạy nhau lòng căm thù, mỗi lần mâu thuẫn lại rút gươm ra, đó là sự suy đồi của đạo đức, là bề nổi của một tâm thức không lành mạnh”.

Dệt lụa, làm gốm… đó mới là “sợi xanh”, là ôxy, là bản chất của cuộc đời… Mười năm nay, giới trí thức mới quay lại nghiên cứu “sợi xanh”: những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh… Để tiếp nối “sợi xanh” đó, không phải làm cách mạng, mà phải làm cải cách”.

Để không có một thế hệ “đà điểu con”

Lý giải về tâm lý “đi tìm kẻ thù” mỗi khi có vấn đề không may xảy đến với chính mình, chuyên viên tâm lý Võ Thị Minh Huệ nhận định: “Tâm lý không biết cái gì đang đe doạ mình xuất phát từ sự thiếu tự tin vào bản thân và niềm tin con người, dẫn đến mất phương hướng, nghi ngờ tất cả, có hành vi thiếu kiểm soát, né tránh một cách bị động. Những vụ đánh, chém, nhảy sông tự tử gần đây chính là do sự đổ vỡ này. Tôi rất đồng cảm với ý kiến của hoạ sĩ Nguyễn Quân: dinh dưỡng về vật chất và tinh thần liên quan rất nhiều đến tâm lý. Tôi nghĩ vật chất chúng ta không thiếu, cái thiếu nhiều nhất chính là dinh dưỡng tâm lý. Khi thông tin quá nhiều không được chọn lọc thì giáo dục phải giúp cho con người hiểu về mình, chứ không phải chỉ hiểu về người khác. Là người mẹ có hai con, tư vấn tâm lý cho rất nhiều ông bố bà mẹ và trẻ vị thành niên, tôi thấy trẻ hiện nay bị èo uột dinh dưỡng tâm lý rất nhiều. Chăm sóc sức khoẻ tinh thần của trẻ cần phải được chú trọng, để dạy cho con người biết kiềm chế”.

“Sinh thái tự nhiên cân bằng nhờ sự đa dạng. Sinh thái nhân văn muốn cân bằng phải biết lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thuý, hội trưởng hội quán Các bà mẹ, người nỗ lực hết mình trong việc mang đến cho những bà mẹ trẻ kiến thức nuôi dạy con khoa học đã chỉ ra một thực tế đau lòng: “Bạo lực bây giờ không chỉ từ các cô nuôi dạy trẻ, mà ở trong mỗi nếp nhà… Chuyện các bà mẹ đo con theo tiêu chuẩn cân nặng đã tạo một áp lực lớn lên đứa trẻ, việc ép trẻ ăn đến mức ói ra, rồi doạ dẫm, roi vọt, quát mắng… là chuyện hàng ngày. Tôi từng chứng kiến ở chung cư của mình các bà mẹ tát, đánh con dã man gấp bội. Những lầm lẫn về giá trị ấy, từ chuyện ăn, chuyện học, tạo áp lực khiến cho người chăn trẻ đổ hết lên đầu trẻ thơ. Rất nhiều lần hội quán tổ chức sân chơi cho các bé vào thứ bảy, chủ nhật, mong muốn bù đắp lại sự thiếu hụt trong tâm hồn trẻ thơ, nhưng hầu hết các bé đều bị mẹ… đưa đi học thêm! Muốn thay đổi, trước hết phải từ nếp nhà. Cuộc sống không bao giờ thiếu để bé có thể học bài học yêu thương, chia sẻ qua tấm gương cha mẹ. Bên cạnh đó là bài học từ sách, hướng con đến những cảm xúc chân thiện mỹ, giúp con chọn lựa cuộc sống. Hơn ai hết, nếu người mẹ biết quan sát, sẽ hiểu và tìm ra nhiều cách để giáo dục con. Tất nhiên khi bạn không đủ kiến thức, sẽ có công cụ hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau như sách vở, hay từ những nhóm nhỏ có cùng mối quan tâm. Một người bạn đã từng tâm sự với tôi rằng bài học khó dạy nhất là lòng yêu tổ quốc. Là người của thế hệ 6X, anh ấy rất đau lòng khi thấy người ta thản nhiên dẫm đạp lên lá cờ tổ quốc để ra về khi đội Việt Nam thua trong trận đấu với Myanmar. Chúng ta không trách các bạn trẻ, mà coi đó như bài học, bởi các bạn ấy chưa được học thực sự về lòng yêu nước. Với nỗ lực cá nhân, bạn tôi đã tổ chức cho nhiều em bé đến nghĩa trang, để thấy những dãy mộ bạt ngàn của các chiến sĩ đã ngã xuống. Anh còn cho các em chạy xe đạp trên triền đê, để ngắm nhìn vẻ đẹp quê nhà… để từ đó, đánh thức những phần tốt đẹp nhất trong tâm hồn về quê hương, về môi trường… Chúng ta đừng quá coi trọng việc dạy tiếng Anh cho trẻ, mà phải dạy trẻ biết mở lòng, biết yêu thương bản thân, gia đình. Khi tình yêu thương lan toả sẽ bớt đi lòng tham, bớt đi bạo lực”.

TS Thái Thị Ngọc Dư, nhà nghiên cứu xã hội học về giới và phát triển, nhà nghiên cứu xã hội học về giới và phát triển, kết thúc toạ đàm với những chia sẻ chân tình cùng thế hệ trẻ: “Tôi rất thú vị với những gợi mở của hai bạn trẻ Tuấn Anh và Hồng Ngọc. Nhiều khi chúng ta không hiểu và đánh giá sai về thế hệ trẻ. Các bạn đã nói lên những điều khiến các nhà giáo dục phải ngỡ ngàng. Sinh thái tự nhiên cân bằng nhờ sự đa dạng. Sinh thái nhân văn muốn cân bằng phải biết lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng. Còn làm thế nào giải bài toán bạo lực? Tôi rất đồng ý với những tâm sự của Thuý, làm việc với các bà mẹ để họ hiểu cách nuôi dạy con, nhìn ra sự lệch pha về hệ giá trị… Sức mình tới đâu làm tới đó, phải thể hiện bằng suy nghĩ, hành động, chứ không né tránh. Phải tìm mọi cách để kêu gọi, khơi gợi lòng tốt của con người. Tinh thần lắng nghe, thấu hiểu cũng phải thấm đến mọi người, từ lãnh đạo đến nhân viên, từ cha mẹ đến con cái. Từ xưa đến giờ, đời sống tâm linh rất quan trọng với con người, nhìn lại lịch sử cận hiện đại của dân tộc, bi kịch của chúng ta là đời sống tâm linh đã không được chú trọng, vun bồi. Hiểu và tạo điều kiện cho tâm linh phát triển, đó cũng là một cách để chúng ta tìm thấy tình yêu thương đồng loại tiềm tàng trong mỗi người”.

Kim Yến (thực hiện )

Một dự án kéo dài bốn năm của đại học Sheffield (Anh), kết thúc vào năm 2015, tìm cách thấu hiểu lý do tại sao người ta né tránh kiểm soát diễn tiến mục tiêu của họ, và qua đó, tìm ra những biện pháp thúc đẩy kiểm soát và giúp mọi người hoàn thành các mục tiêu.

Dự án đề xuất rằng có một “vấn đề đà điểu” như thế khiến cho người ra rúc đầu vào cát. TS Thomas Webb, trưởng nhóm nghiên cứu nói: “Vấn đề đà điểu là ý tưởng cho rằng có những lúc mọi người không muốn biết họ đang hành xử như thế nào.

Tránh né kiểm soát có thể cho phép người ta thoát các cảm giác tiêu cực có liên quan đến việc đánh giá chính xác diễn tiến. Chẳng hạn, mọi người không muốn biết họ chi tiêu bao nhiêu hoặc đối tác của họ nghĩ gì về kỹ năng xã hội của họ. Chúng tôi gọi đó là sự thiếu chú ý có động cơ”.

Qua hiểu biết bản chất của vấn đề, các nhà tâm lý học hy vọng rằng họ có thể thiết kế các phương pháp làm thay đổi hành vi về lâu dài, giúp có thể giải quyết một số vấn đề sức khoẻ lớn nhất của xã hội.

C.K

sgtt.vn

Tin liên quan


    © 2021 FAP
      67,818       1/483