Sống khỏe

Campuchia làm được đường tàu nối sân bay với trung tâm thủ đô

TTO - Campuchia vừa đưa vào sử dụng dịch vụ trung chuyển bằng đường sắt đầu tiên chạy từ trung tâm thủ đô tới Sân bay quốc tế Phnom Penh. Họ gọi đây là niềm tự hào quốc gia bởi tuyến đường sắt 100% do người Campuchia làm.

Campuchia làm được đường tàu nối sân bay với trung tâm thủ đô - Ảnh 1.

Ảnh chụp từ trên cao cho thấy một đoàn tàu chạy từ trung tâm thủ đô tới Sân bay quốc tế Phnom Penh. Ảnh được đăng trên trang Facebook của Bộ Giao thông công chính Campuchia hôm 10-4 - Ảnh: FACEBOOK

8h sáng ngày 10-4, một tiếng còi dài vang lên tại ga xe lửa Phnom Penh báo hiệu cho các hành khách rằng đoàn tàu đầu tiên chạy từ trung tâm thủ đô tới sân bay sắp lăn bánh khởi hành.

Đó là những gì tờ Phnom Penh Post của Campuchia mô tả về dịch vụ vận tải công cộng đường sắt đầu tiên giữa trung tâm thủ đô Phnom Penh và Sân bay quốc tế Phnom Penh vừa mở ở thủ đô của xứ sở Chùa Tháp này.

Khoảng 50 hành khách đã xếp hàng và đợi mãi tới chuyến thứ 2 mới chen chân được lên tàu. Bởi lẽ, chuyến tàu đầu tiên đã chất đầy các quan chức chính phủ và công ty Đường sắt Hoàng gia Campuchia, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Sun Chanthol - người đã đến từ sáng sớm để chứng kiến khoảnh khắc đoàn tàu lăn bánh.

Dịch vụ xe lửa này dự kiến cứ mỗi 20-30 phút sẽ có một chuyến, hoạt động liên tục 24/24. Tại buổi lễ khai trương, ông Chanthol cho biết dịch vụ ban đầu sẽ được cung cấp miễn phí, và kéo dài cho đến hết cuối tháng 7-2018.

Đây là dịch vụ vận tải hành khách công cộng mới nhất vừa được mở tại Campuchia, theo sau việc ra mắt dịch vụ phà ở Phnom Penh hôm 6-4 và khai trương dịch vụ xe lửa chạy từ thị trấn biên giới Poipet tới huyện Serei Saphoan thuộc tỉnh Banteay Meanchey hôm 4-4, cũng như việc mở rộng hệ thống xe buýt công cộng ở Phnom Penh.

Campuchia làm được đường tàu nối sân bay với trung tâm thủ đô - Ảnh 2.

Một đoàn tàu chuẩn bị khởi hành tới Sân bay quốc tế Phnom Penh hôm 10-4 - Ảnh: VOA KHMER

Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Campuchia Sun Chanthol nói rằng tuyến đường sắt nối trung tâm thủ đô với Sân bay quốc tế Phnom Penh hoàn toàn do chính người Campuchia làm, và rằng mỗi người dân Campuchia nên tự hào về nó.

"Tuyến đường sắt 100% do người Campuchia xây dựng. Đây phải là niềm tự hào quốc gia của chúng ta" - ông Chanthol tuyên bố lại lễ khai trương.

Vị quan chức cho biết bên cạnh 2 đoàn tàu hiện tại, sẽ có thêm 3 đoàn tàu cao tốc mới được đưa vào vận hành khi dịch vụ thử nghiệm kết thúc. Ba đoàn tàu mới mua từ Mexico sẽ nhẹ hơn 2 đoàn tàu cũ, với sức chứa lên tới 56 người ngồi và khoảng từ 45-50 người đứng.

Các đoàn tàu sẽ di chuyển từ nhà ga Phnom Penh trung tâm hiện tại trên tuyến đường sắt chính dài 8,4km, sau đó di chuyển sang tuyến dọc đường 105K thêm 1,6 km, đưa tổng chiều dài di chuyển lên 10km.

Truyền thông Campuchia cho biết các toa tàu sạch sẻ, với máy điều hòa, TV và nhà vệ sinh tiện nghi. Nhiều hành khách hôm 10-4 đã nhìn chằm chằm ra cửa kính và còn chụp ảnh "tự sướng" để ghi lại khoảnh khắc là những người đầu tiên sử dụng dịch vụ.

Theo tờ Phnom Penh Post, sau 45 phút di chuyển, đoàn tàu sẽ dừng tại trạm và để hành khách xuống, cách cổng sân bay chỉ vài bước. Tuy nhiên, theo ông Chanthol, việc di chuyển từ trung tâm thủ đô tới sân bay bằng đoàn tàu mới có thể mất chỉ từ 22-25 phút.

"Di chuyển bằng xe lửa thế này rất thuận tiện vì bạn không phải lo lắng chuyện ùn tắc giao thông. Mất khoảng 45 phút để đi từ sân bay tới trung tâm thành phố. Nếu chúng ta dùng taxi hay xe tuk-tuk, nó có thể mất thêm một giờ đồng hồ" - ông Lee Campbell, một công dân Mỹ làm việc ở Campuchia, đánh giá.

Đường sắt Hoàng gia (Royal Railway) - công ty vận hành dịch vụ đường sắt trên - thuộc một phần của Tập đoàn Hoàng gia (Royal Group), được sở hữu bởi doanh nhân nhiều quyền thế Kith Meng. Công ty của ông lên kế hoạch bắt đầu thu phí đối với dịch vụ đường sắt trên sau ngày 31-7 tới, nhưng hiện chưa công bố khung thu phí cụ thể.

Chuẩn bị 4.0, Việt Nam nằm cùng nhóm Campuchia và Indonesia

TTO - Các khảo sát mới đây cho thấy khoảng cách không nhỏ giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về mức độ sẵn sàng cho kỷ nguyên công nghiệp 4.0.

Coi chừng mỹ phẩm Nhật, Pháp nhưng 'made in Campuchia'

TTO - Nhiều tấn hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng Campuchia thu giữ thật ra được sản xuất ngay tại nước này mặc dù nhãn mác ghi là đồ Nhật, đồ Pháp.

Campuchia trong cuộc cạnh tranh Trung - Nhật

TTO - Với tiềm lực và sự tinh tế, Nhật Bản tiếp tục thể hiện vị thế một đối thủ cứng cựa của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh địa chính trị. Sau châu Phi là Đông Nam Á, là Campuchia...

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  2,057,938       1/617