Sống khỏe

Ngôi làng chỉ còn 3 trẻ em chơi với nhau

TTO - Nằm sâu trong khu vực miền núi tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, có một ngôi làng tên Lumacha mà nay chỉ còn 3 đứa trẻ và những người còn lại đều trên 40 tuổi.

Ngôi làng chỉ còn 3 trẻ em chơi với nhau - Ảnh 1.

Du Yong Sheng, Chang Wen Xuan và Shi Zhen Gang là những học sinh duy nhất tại trường tiểu học Lumacha - Ảnh: SCMP

Đứng lặng im một mình làm đất giữa cánh đồng mênh mông để chuẩn bị cho vụ lúa mì năm nay, một nông dân sống nhiều năm ở Lumacha thấm vẻ đượm buồn.

Vào những buổi trưa thế này cách đây vài năm, ông vẫn thường nghe thấy tiến bước chân, tiếng cười khúc khích của những đứa trẻ trong làng. Nhưng giờ, ông chẳng thấy bóng dáng của một đứa con nít nào cả.

Một nỗi buồn man mác và sự vắng lặng đến lạnh người trải dài từ các cánh đồng tới từng dãy nhà gần đó. Nó gợi nhắc rằng ngôi làng giờ đây chẳng còn ai trẻ cả, gần như đều đã ngoài 40 tuổi.

3 học sinh, 1 lớp học, 1 ngôi trường

Đó là một phần trong bức tranh "thiếu sức sống" ở ngôi làng Lumacha được báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong miêu tả trong một phóng sự đăng ngày 20-4.

Theo SCMP, hầu hết các thanh thiếu niên trong làng, ai có con thì mang con theo, đã tha phương cầu thực ở các thành phố lớn của Trung Quốc. Bởi lẽ kiếm sống ở những nơi này còn "sướng" hơn phải làm nông đầu tắt mặt tối.

"Trước đây, khi trời ấm dần sau mùa đông, có rất nhiều trẻ em chạy nhảy, vui đùa và la hét. Nhưng giờ đây, thậm chí vào mùa nghỉ, dù là hè hay đông, bạn hầu như không thấy đứa trẻ nào. Những đứa trẻ đến thành phố học thì không quay lại nơi này" - thầy Feng Ping, hiệu trưởng trường tiểu học ở Lumacha, cho biết.

Trường tiểu học Lumacha từng có hơn 300 học sinh, nhưng giờ đây con số này chỉ là 3. Mỗi ngày, 3 học sinh này, tất cả đều 10 tuổi, cùng nhau băng qua một thung lũng để đến trường, sau đó cùng đồng hành về nhà.

Ngôi làng chỉ còn 3 trẻ em chơi với nhau - Ảnh 2.

Thầy Feng trong một tiết dạy 3 học sinh duy nhất ở trường tiểu học Lumacha - Ảnh: SCMP

Ba học sinh này đã đến trường như vậy trong 4 năm qua. "Chúng tôi có 6 lớp, ở 6 phòng khác nhau. Giờ thì chỉ còn một lớp" - thầy Feng, người dạy tại trường cùng hai giáo viên Toán và tiếng Hoa, kể lại.

Ba cậu bé này xuất thân từ những gia đình nghèo nhất trong vùng. Cha mẹ các em chỉ đủ khả năng để gửi các em tới trường làng học, thay vì các trường lớn ở những khu vực xa xôi. Thành phố nằm gần nhất với làng Lumacha là Định Tây, cách nhau khoảng 1 tiếng rưỡi lái xe.

Theo các báo cáo địa phương, trường tiểu học này là một trong 1.900 ngôi trường ở tỉnh Cam Túc có ít hơn 10 học sinh tới học. Đây là ảnh hưởng trực tiếp của làn sóng di dân từ nông thôn tới thành thị, khi những cặp đôi trẻ đưa con họ đi cùng. "Không có người trẻ nào dưới 40 tuổi ở lại làng" - ông Feng cho biết.

Ông Feng lo ngại một khi 3 đứa trẻ này hoàn thành các lớp tiểu học, ngôi trường có thể sẽ đóng cửa.

"Đối với những đứa trẻ đi học ở trường làng, chúng sẽ có được một cảm giác thân thuộc, cảm giác về nơi chúng bắt nguồn. Đây là thứ mà bọn trẻ sẽ không trải nghiệm được nếu chúng chuyển tới học tại một trường trong thành phố" - thầy Feng chia sẻ.

Theo tiếng gọi thành phố, bỏ làng quê sau lưng

Cam Túc là một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc. Số liệu chính thức cho thấy GDP bình quân đầu người của tỉnh này trong năm 2017 chỉ ở mức 4.647 USD, tức bằng 1/4 của con số 20.356 USD ở Bắc Kinh và bằng 1/2 GDP bình quân đầu người trung bình của cả nước (9.311 USD).

Ngôi làng chỉ còn 3 trẻ em chơi với nhau - Ảnh 3.

Cảnh hiu quạnh của một góc làng Lumacha - Ảnh: SCMP

Trung Quốc hiện đưa ra nhiều kế hoạch để xóa đói giảm nghèo tại các khu vực nông thôn như ở Cam Túc. Chính phủ Trung Quốc tháng 3 vừa qua cho biết các nỗ lực của nước này trong 5 năm qua đã giúp khoảng 68,5 triệu người thoát nghèo.

Tuy nhiên, một trong những cách để giải quyết vấn đề được Bắc Kinh áp dụng là khuyến khích một luồng dân cư nông thôn di chuyển tới các khu vực thành thị.

Năm 2014, Trung Quốc công bố kế hoạch đô thị hóa nhằm chuyển 250 triệu người từ nông thôn tới thành phố sinh sống trong năm 2026.

Việc di cư ồ ạt cũng đồng nghĩa hàng triệu người trẻ rời khỏi làng bản như ở Lumacha, để lại phía sau là cha mẹ và ông bà.

Theo báo Economist, kể từ năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã đóng 3/4 số trường học ở nông thôn. Con số này lên tơi 300.000 trường.

Đối với làng Lumacha, số trẻ em ngày một "héo mòn" còn phản ánh một vấn đề lớn hơn. Đó là những người lơn tuổi bị bỏ lại phía sau sẽ không thể làm nông. Sức khỏe ngày một yếu và thời tiết ngày càng khắc nghiệt sẽ khiến chuyện miếng cơm, manh áo của trở nên vất vả hơn. Tình trạng này đòi hỏi chính phủ phải đưa ra các biện pháp để khắc phục hậu quả.

Dân Trung Quốc về quê vẫn đông nhưng không còn bị hành xác

TTO - Hàng trăm triệu người Trung Quốc sẽ trở về quê mừng năm mới. Từ chỗ lộn xộn, trong vòng một vài năm, chính quyền Bắc Kinh đã biến mọi thứ trở nên quy củ. Không phải quốc gia nào cũng làm được điều đó.

Dân Trung Quốc ùn ùn trở lại thành phố sau Tết

TTO - Ngành giao thông vận tải Trung Quốc vừa trải qua một đợt cao điểm khi hàng triệu người từ các miền quê đổ về các thành phố lớn sau Tết Nguyên đán.

Dân Trung Quốc tò mò khi đàn ông lấy vợ châu Phi

TTO - Cuộc hôn nhân của một cặp đôi da vàng - da đen đang trở thành hiện tượng trong cộng đồng mạng tại Trung Quốc. Dẫu gọi là phát triển kinh tế và hội nhập nhưng vấn đề màu da vẫn còn nặng nề.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,709,444       1/582