TTO - Người dùng mạng xã hội ở đâu cũng giống nhau, nhưng dường như một bộ phận khá lớn người dùng mạng xã hội Việt Nam khá "hồn nhiên" khi bước chân vào mê cung đầy hấp dẫn và cũng không ít hiểm nguy này.
Ông Lê Quốc Minh - Ảnh: Q.ĐỊNH
Đừng coi thường tin giả, bởi thực tế cho thấy tin giả không hề là vô thưởng vô phạt, nó có thể hủy hoại uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tin giả kích động thù hận, báng bổ tôn giáo, kỳ thị sắc tộc, từng suýt gây nên sự cố ngoại giao giữa các quốc gia
Đừng coi thường tin giả và phải có ý thức phòng ngừa từ sớm, đó là nhận định của ông Lê Quốc Minh, phó tổng giám đốc TTXVN, xung quanh vấn nạn tin giả. Ông Minh nói:
- Có thể khẳng định rằng tin giả đang thực sự là một mối đe dọa cho xã hội. Chúng ta đã chứng kiến có rất nhiều nội dung vô thưởng vô phạt, thậm chí sai lệch, đã được người dùng mạng xã hội góp phần phát tán rộng rãi.
Trong số những người chia sẻ các thông tin thất thiệt như vậy trên mạng xã hội có cả những nhân vật có uy tín, có ảnh hưởng, thậm chí được cho là "thạo tin" hơn nhiều người dùng khác, ngay cả các nhà báo.
* Tại sao tin giả hiện đang có xu hướng dễ phát tán, lan tràn rộng rãi và nhanh chóng trên môi trường mạng ở VN như hiện nay, thưa ông?
- Chúng ta đều biết là "tin xấu lan nhanh". Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng những nội dung mang tính tiêu cực thì có khả năng phát tán cao hơn gấp 3-4 lần so với nội dung tích cực.
Nhưng trước đây, những loại thông tin này chỉ có một con đường xuất hiện là báo chí. Sau là Internet và giờ đây, mạng xã hội mới chính là mảnh đất màu mỡ giúp tin giả phát triển và lây lan.
Người dùng mạng xã hội ở đâu cũng giống nhau, nhưng dường như một bộ phận khá lớn người dùng mạng xã hội Việt Nam khá "hồn nhiên" khi bước chân vào mê cung đầy hấp dẫn và cũng không ít hiểm nguy này.
Nhiều người hoàn toàn không hiểu rằng mạng xã hội không phải là nơi để họ trút bầu tâm sự, kể hết mọi chuyện cá nhân yêu ghét, tường thuật mọi hoạt động mỗi ngày.
Họ cũng rất dễ dàng like hoặc share một dòng trạng thái của người khác khi cảm thấy hợp với quan điểm của mình. Một người đăng nhầm tin giả có thể kéo theo rất nhiều bạn bè chia sẻ lại tin giả đó...
* Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp phát hiện và xử lý đối với tin giả hiện nay?
- Việc xử lý tin giả tại nhiều nước trên thế giới hiện nay được thực hiện ở nhiều cấp khác nhau, từ cấp chính quyền, các mạng xã hội và phải kể đến nỗ lực của các tổ chức, cá nhân và các cơ quan báo chí trên thế giới khi xây dựng nên hàng trăm dự án kiểm tra thông tin (fact-check).
Ở Việt Nam đã có một số cá nhân bị xử lý phạt tiền vì tung tin giả, nhưng số lượng bị phát hiện cho tới nay không nhiều và thông thường chỉ xử lý khi liên quan đến những vụ có tác động lớn đến xã hội. Cách làm này chỉ là biện pháp tức thời chứ rất khó triển khai trên quy mô lớn, hiệu quả cũng rất có chừng mực.
* Gần đây nhất, Malaysia đã có biện pháp xử lý mạnh đối với tin giả. Theo ông, Việt Nam nên có những quy định cũng nghiêm khắc hơn để hạn chế tin giả?
- Tôi nghĩ rằng các biện pháp hành chính, hay cao hơn là hình sự, vẫn là những phương án cần cân nhắc nhưng phải có những biện pháp mang tính chủ động hơn. Chẳng hạn việc quy trách nhiệm cho các nền tảng mạng xã hội như một số chính phủ đang làm là điều hợp lý.
Các cơ quan báo chí cũng phải chủ động trong việc này. Hơn lúc nào hết, bây giờ báo chí phải chứng tỏ tính chuyên nghiệp của mình, giành lại niềm tin của độc giả.
Cuộc chiến chống tin giả trong thời gian tới sẽ còn phức tạp hơn nữa, khi trí thông minh nhân tạo được áp dụng phổ biến hơn trong quy trình sản xuất tin. Cách đối chọi tốt nhất là phòng ngừa và phòng ngừa từ sớm.
Đừng coi thường tin giả, bởi thực tế cho thấy tin giả không hề là vô thưởng vô phạt, nó có thể hủy hoại uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tin giả kích động thù hận, báng bổ tôn giáo, kỳ thị sắc tộc, từng suýt gây nên sự cố ngoại giao giữa các quốc gia, nó thậm chí dẫn đến những vụ giết người vô tội, có thể tới mức làm rối loạn xã hội.
Nếu chính quyền, các cơ quan báo chí và cá nhân người dùng mạng xã hội không ý thức được điều này và có hành động trong phạm vi trách nhiệm của mình thì sẽ là quá muộn.