Sống khỏe

Việt Nam là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân

TTO - Ngày 17-5, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã nộp lưu chiểu Văn kiện phê chuẩn Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.

Việt Nam là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân - Ảnh 1.

Phòng họp Hội đồng bảo an LHQ - Ảnh: REUTERS

Như vậy, Việt Nam là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước này. Tính đến nay, hiệp ước đã được 58 nước ký, 10 nước phê chuẩn và sẽ có hiệu lực khi được 50 nước phê chuẩn.

Trước đó ngày 22-9-2017, trong khuôn khổ Phiên họp cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 72, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký Hiệp ước này. 

"Việc sớm ký và phê chuẩn Hiệp ước đã thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam vì hoà bình, ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới", thông cáo của Bộ Ngoại giao chiều 18-5 nêu rõ. 

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hiệp ước Cấm Vũ khí hạt nhân có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng vì lần đầu tiên có một điều ước quốc tế quy định cấm một cách toàn diện việc phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, chuyển giao, sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đặc biệt, Hiệp ước có quy định trách nhiệm của các nước tiến hành thử và sử dụng vũ khí hạt nhân phải hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng trong việc giúp đỡ nạn nhân và khắc phục hậu quả về môi trường. Hiệp ước cũng có các điều khoản tạo điều kiện cho các nước có vũ khí hạt nhân sau này tham gia, nếu cam kết phá hủy vũ khí hạt nhân.

Cũng trong ngày 17-5, tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), dưới sự chủ trì của Tổng thống Ba Lan, nước giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 5-2018, HĐBA LHQ đã tổ chức buổi thảo luận mở với chủ đề "Đề cao luật pháp quốc tế trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" với sự tham gia của trên 70 nước thành viên LHQ, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh nghĩa vụ của các quốc gia giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, đây là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, được quy định rõ tại Chương VI Hiến chương LHQ, trong đó có các biện pháp và tiến trình ngoại giao và pháp lý. 

Đại sứ cũng nêu bật vai trò và đóng góp của ASEAN trong duy trì môi trường hòa bình, đối thoại và hợp tác ở khu vực, thúc đẩy hòa bình giải quyết tranh chấp tại biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và Công ước Luật biển LHQ, thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố chung về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và ràng buộc pháp lý.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định là ứng cử viên thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam cam kết tiếp tục đề cao luật pháp quốc tế, đóng góp tích cực vào việc thực hiện sứ mệnh của Hội đồng bảo an LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Mỹ cương quyết điều kiện Triều Tiên phải giải trừ vũ khí hạt nhân

TTO - Trao đổi với các phóng viên tại phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận không thay đổi điều kiện Triều Tiên phải giải trừ vũ khí hạt nhân để đôi bên có thể tiến hành đàm phán ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

EU và Iran tìm được cách giữ thỏa thuận hạt nhân không có Mỹ

TTO - Với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, các nước châu Âu hiện đẩy mạnh các biện pháp nhằm cứu sống thỏa thuận này, với kết quả mới nhất là một kế hoạch 9 điểm.

Mỹ ra thời hạn chót cho Triều Tiên chuyển đầu đạn hạt nhân

TTO - Trong vòng 6 tháng Triều Tiên phải chuyển cho Mỹ một số đầu đạn hạt nhân, các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và một số vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân khác, báo Asahi của Nhật Bản khẳng định như thế.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  1,443,292       1/1,132