Chiến lược phát triển các sản phẩm giá rẻ hơn các thương hiệu khác đã đem hàng trăm ngàn chiếc Tivi thương hiệu Asanzo đến với người tiêu dùng mỗi năm.
Phạm Văn Tam, ông chủ của Asanzo đã khẳng định muốn thắng ở Việt Nam phải thắng từ thị trường nông thôn.
Địa phương hóa sản phẩm
Ở miền sông nước Tây Nam Bộ, người dân đi lại chủ yếu bằng ghe thuyền, điện vẫn chưa phủ hết, nhiều thiết bị vẫn phải chạy bằng ắc quy. Người dân cần một chiếc tivi chạy được bằng bình ắc quy, vậy là Asanzo có ngay dòng Tivi 18 inch chạy bình ắc quy với màu chủ đạo là đỏ và vàng cho bà con.
Chân dung chủ tịch Phạm Văn Tam, người hiểu sâu sắc nhu cầu của thị trường nông thôn
Từ chiếc Tivi 18 inch đầu tiên đánh trúng "tim đen" của người dân vùng sông nước, dòng Tivi Asanzo 22 inch, 25 inch lần lượt ra đời, phủ sóng khắp các ghe tàu. Ban đầu được bán "thí điểm" ở một tỉnh, những chiếc "Tivi Asanzo ắc quy" trở thành mặt hàng "nóng sốt", lan khắp các tỉnh miền Tây, không thể thiếu trên các ghe, tàu.
Vậy tại sao chiếc Tivi phải màu đỏ? Vì các ngôi nhà của người miền Tây thường được thiết kế thường không có phòng khách, họ muốn một đồ vật quan trọng như chiếc Tivi phải thật sự nổi bật, loa phải to đáp ứng tối đa trải nghiệm âm thanh lớn. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài theo xu thế của toàn cầu thường sản xuất Tivi một màu đen, loa lại giấu đằng sau.
"Tôi luôn suy nghĩ mình không được bắt bà con nông dân phải trả thêm tiền cho những chức năng dư thừa, không bao giờ dùng đến của Tivi.", ông chủ Asanzo bộc bạch
Nhưng ra miền Bắc, cái gu chọn Tivi của người tiêu dùng lại quay ngoắt 180 độ. Người nông thôn miền Bắc chuộng thương hiệu ngoại. Cho nên, những chiếc Tivi có hình thức giống thương hiệu nước ngoài, giá tốt thì kiểu gì cũng chiếm được tình cảm của khách và Asanzo có ngay những sản phẩm như vậy.
Phân phối sản phẩm theo chiến lược "địa phương hóa sản phẩm" đang được một số doanh nghiệp lớn ngày càng chú trọng và trở thành chìa khóa mở cửa thị trường ngách.
Theo ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam, thực tế các doanh nghiệp lớn của VN đều hiểu khá rõ về thị trường TP.HCM, Hà Nội, hay Đà Nẵng nhưng lại thường bỏ qua thị trường nông thôn, nơi phần lớn dân số đang sinh sống.
"Đừng bắt bà con trả thêm tiền"
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo cho biết để chinh phục thị trường nông thôn, Asanzo đã có những phân tích tỉ mỉ, phát triển sản phẩm đúng nhu cầu cùng hệ thống phân phối phù hợp. Hãng thường xuyên tìm hiểu thị hiếu người dùng ở từng vùng miền, nên chiếm được cảm tình của người dân nông thôn."
"Chúng tôi chọn nhu cầu của nhóm nhỏ để chăm chút. Các sản phẩm của Asanzo tái định nghĩa về giá rẻ bằng cách lược bỏ các tính năng không cần thiết với nhu cầu thực một cách thông minh, từ đó giảm giá thành", ông Tam nói.
Điều khác biệt của Asanzo là xác định ngay từ đầu "miếng bánh" của mình là phân khúc trung bình. Thị trường nông thôn thiếu Tivi là chuyện đương nhiên nhưng ngay cả ở thành thị, vào những khu công nghiệp, những phòng trọ của công nhân đều không thấy những chiếc Tivi đắt tiền.
Việc lược bớt công năng sản phẩm này đã giúp quy trình sản xuất của Asanzo gọn gàng, hợp lý hơn, chi phí nhân công tiết giảm được 30%, thời gian tiết kiệm 15 % và giá Tivi rẻ hơn gần 35% so giá thị trường.
Chiến lược này đã giúp doanh nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân trên 40% mỗi năm.
Nhờ biết đích xác nhu cầu của người dùng, Asanzo đã đem hàng trăm ngàn chiếc Tivi thương hiệu Asanzo đến với người nông dân mỗi năm
Một yếu tố khác làm nên tăng trưởng của Asanzo là hệ thống phân phối rộng khắp cùng chế độ hậu mãi tin cậy.
Đến nay Asanzo đã có 6.000 điểm bán và 1.000 trạm bảo hành toàn quốc. Dù ở miền núi, sông nước hay thành thị, chế độ bảo hành và chăm sóc khách hàng đều như nhau. Trong thời gian bảo hành, khi sản phẩm có trục trặc, đội ngũ kỹ thuật đến tận nhà hỗ trợ mà không mất phí.
Ông Tam tin rằng một chế độ bảo hành tận tình sẽ tạo sự tin tưởng của đại lý, từ đó người tiêu dùng cũng yên tâm lựa chọn thương hiệu Asanzo
Theo ông Tam, Asanzo ra đời là để lấp lại chỗ trống của những tập đoàn lớn không làm. "Họ chỉ làm từ 32 inches trở lên thì tôi làm từ 25 inches trở xuống. Có thể những khách sạn 4-5 sao trở lên họ không dùng Tivi của tôi nhưng từ 2-3 sao trở xuống họ sẽ dùng vì sản phẩm Asanzo có giá thành hợp lý, hậu mãi giống nhau và chế độ bảo hành không có gì khác biệt. Tôi luôn suy nghĩ mình không được bắt bà con nông dân phải trả thêm tiền cho những chức năng dư thừa, không bao giờ dùng đến của Tivi", ông Tam nói.
Không ngại cạnh tranh
Chiếc lược giá rẻ phải đối mặt với áp lực cập nhật liên tục công nghệ tính năng mới của thị trường công nghệ. Từ đó một câu hỏi đặt ra: "Một sản phẩm với nhiều công nghệ tính năng mới tích hợp sẽ đẩy giá thành cao rất nhiều, liệu người dùng có cần hết chúng?"
Trả lời câu hỏi, ông Tam chia sẻ: "Các tập đoàn nước ngoài họ sang đây thì họ theo cái xu thế là toàn cầu. Việt Nam các doanh nghiệp nhỏ không vì thế mà sợ phải cạnh tranh với họ, thật ra mình không có cạnh tranh gì họ. Những thứ mình làm là đang phục vụ các khách hàng có nhu cầu ở Việt Nam".
Đã có khoảng 3 triệu sản phẩm gia dụng thương hiệu Asanzo đã được đưa đến tay người tiêu dùng. Năm 2015 doanh thu của Asanzo đạt 1.200 tỉ đồng, năm 2016 tăng lên 2.500 tỉ đồng, năm 2017 đạt 4.629 tỉ đồng, dự kiến năm 2018 tăng doanh thu lên 1,8 lần, đạt 8.316 tỉ đồng.
Dần lấn sang thị trường cao cấp
Sau khi đầu tư vào Kooda với các dòng Tivi cận cao cấp, thị trường Tivi của Asanzo đang được mở rộng hơn. Giai đoạn 2018-2020 công ty muốn tập trung phát triển dòng sản phẩm hạng sang cùng thương hiệu mới Kooda để tiếp cận tầng lớp cận cao cấp, bên cạnh phân khúc bình dân và nông thôn. Tính đến tháng 5-2018 đã có 20.000 chiếc Tivi Kooda được tiêu thụ, với chính sách rất chịu chơi: đổi mới sản phẩm cho người dùng trong 30 ngày nếu gặp lỗi kỹ thuật do nhà sản xuất.