TTO - Dịch bệnh từng làm thiệt mạng hơn 11.000 người ở Tây Phi cách đây 4 năm nay đã quay trở lại dữ dội sau 2 năm những tưởng đã ngăn chặn được. Đã có 25 người thiệt mạng trong 3 tuần qua.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân cách rửa tay để phòng virus Ebola ở thành phố Mbandaka, ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS
Số ca được xác nhận nhiễm virus Ebola tại CHDC Congo đã tăng lên 17, sau khi Bộ Y tế nước này công bố 3 ca nhiễm mới tại thành phố Mbandaka, miền Tây Bắc nước này.
Ngày 19-5, Bộ trưởng Bộ Y tế CHDC Congo, Oly Ilungao cho biết 3 ca nhiễm mới đã được ghi nhận tại thành phố Mbandaka, thuộc tỉnh Equateur sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Ebola.
Dịch bệnh bắt đầu xuất hiện hồi đầu tháng này ở một khu vực nông thôn phía tây bắc của CHDC Congo trước khi lan đến thành phố Mbandaka 1,5 triệu dân.
Tuyên bố cho biết tổng số ca liên quan đến Ebola hiện là 43, trong đó có 17 ca được xác nhận nhiễm virus Ebola, 21 ca có thể đã nhiễm và 5 ca nghi nhiễm.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố con số tử vong do Ebola tại nước này là 25 người, song cho biết tổng số ca liên quan đến loại virus này là 45, trong đó có 14 ca đã được xác nhận là nhiễm virus Ebola theo kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm.
Điều đáng lo ngại là dịch bệnh xuất hiện tại khu vực dân cư nằm bên sông Congo tiếp cận với thủ đô Kinshasa bằng nhiều ngõ đường sông.
Nhiều nhân viên y tế cấp địa phương ở CHDC Congo đã nhiễm bệnh khi không được phòng bị tốt - Ảnh: AFP
Năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng đưa ra báo động khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Ebola sau khi dịch này hoành hành ở Tây Phi cướp đi sinh mạng của 11.300 người trong số 28.000 trường hợp được xác định nhiễm bệnh, với hơn 99% trường hợp ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.
Đến năm 2016, WHO thông báo dịch Ebola bùng phát ở Tây Phi không còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trên thế giới và tuyên bố quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp về dịch Ebola.
Ebola là loại virus lây bệnh sốt xuất huyết ở người và các loài linh trưởng. Theo WHO, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh rất cao, từ 25% lên đến 90%, tùy thuộc vào chủng virus.
Các dấu hiệu ban đầu thường chỉ là đau cổ, đau đầu, đau cơ bắp và sốt cao nhanh. Đến giai đoạn nặng hơn, người bệnh sẽ bị ói mửa, xuất huyết nội và ngoại dẫn đến suy thận và gan.
Đây là đợt dịch Ebola thứ 9 bùng phát tại CHDC Congo (trước đây là Zaïre) kể từ khi Ebola được xác định là một căn bệnh từ năm 1976.
Đợt dịch lần này tập trung tại vùng Bikoro (200.000 dân) hẻo lánh gần biên giới với CH Congo, cách thủ đô Kinshasa 600 km về phía bắc.
Ở khu vực nghèo đói này, điều làm giới chức trách lo ngại chính là việc người dân chỉ biết cách chữa bệnh bằng… cầu nguyện.
Thậm chí một số quan chức địa phương còn giữ suy nghĩ đó, kiểu "trời kêu ai nấy dạ".
Nghị sĩ Bavon N’Sa Mputu Elima, của TP Bikoro, lo lắng: "Nhiều người dân làng còn tin rằng đợt dịch này là do tai ương giáng xuống làng. Để ngăn chặn dịch lây lan, phải làm sao cho người dân không còn nghĩ đó là điềm xấu từ trên trời rơi xuống".
Do cái nghèo nên nhiều người dân nông thôn ở CHDC Congo chỉ biết dựa vào niềm tin tôn giáo khi mắc bệnh. Thực tế là chính nhà thờ đã thông báo với chính quyền về những trường hợp nghi nhiễm Ebola.
Chỉ những người bị phù thủy ếm mới bị nhiễm Ebola. Nếu anh không thuộc số xui xẻo đó thì hà cớ gì phải lo"
Ông Mandela Bolunda, người lái xe ôm ở Mbandaka phát biểu xanh rờn
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại sân bay thành phố Mbandaka, ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS
Hôm 18-5, WHO cho biết đợt dịch Ebola mới nhất này không được đánh giá là "tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng gây lo ngại cho quốc tế" bởi Chính phủ CHDC Congo đã có phản ứng "nhanh chóng và toàn diện" nhằm ngăn chặn sự lây lan.
Chính phủ CHDC Congo cũng thông báo tiến hành chiến dịch tiêm vắc-xin phòng virus Ebola tại miền Tây Bắc nước này. Khoảng 600 người sẽ là đối tượng tiêm chủng lần này, trong đó có cả các nhân viên y tế (vốn là nhóm đang bị nhiễm nhiều hiện nay), những người có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các bệnh nhân có dấu hiệu nhiễm virus Ebola.
Hỗ trợ y tế cùng vắc-xin phòng Ebola của WHO đã đến sân bay thành phố Mbandaka, ngày 19-5 - Ảnh: REUTERS
Đến nay, 5.400 người tại CHDC Congo đã được tiêm phòng loại vắc-xin trên.
Từ khi dịch Ebola được tuyên bố đã nằm trong vòng kiểm soát vào năm 2016, giới chuyên môn đã thử nghiệm được 2 loại vắc-xin có thể giúp phòng bệnh trong vòng khoảng 1 năm. Nhưng những thử nghiệm lâm sang cho loại vắc-xin này chỉ mới tiến hành hồi năm rồi ở Liberia và chưa kết thúc.