TTO - Nhiều người đang nhắn nhau khi đến Đà Nẵng, Quảng Nam nhớ về xứ đảo Tam Hải (H.Núi Thành, Quảng Nam) - nơi còn nguyên sơ, lắm điều thú vị.
Từ phố thị Tam Kỳ đi về phía nam hơn 40km phải qua một cái phà, du khách có thể chiêm nghiệm một Tam Hải hoang sơ, bình yên và hòa mình với cuộc sống bình dị của người dân.
Nơi sông, biển giao hòa
Xã đảo Tam Hải xung quanh bốn hướng là nước, một mặt giáp biển và ba mặt còn lại giáp sông Trường Giang nổi tiếng. Muốn đến Tam Hải chỉ có đường duy nhất là phà, thuyền hoặc đò vượt biển, sông.
Bước chân lên đảo, giữa một trời mây sông nước là vô số hàng dừa cao vút. Những cây dừa vài chục năm tuổi được trồng từ vườn nhà ra đến vệ đường che chắn ánh nắng chói chang, đủ bóng mát để du khách đi dạo.
Ông Trần Minh Tập, trưởng thôn Thuận An, nhớ lại ở xứ đảo này mà không nhờ dừa, dương liễu thì không chống chọi nổi với gió bão, cát bay. Ông Tập tính mỗi nhà có 2-3 cây dừa nên mỗi thôn ít nhất cũng 1.500-2.000 cây, xã có 7 thôn nên khách đến Tam Hải được ăn dừa non, dừa già, uống nước dừa và còn mua được dầu dừa nguyên chất chăm sóc mái tóc.
Hồi tháng 7 rồi, Tam Hải trở nên tươi mới, lôi cuốn du khách hơn khi các tay vẽ trẻ đến đây chung sức tạo nên "làng bích họa". Những bức tranh, tường nhà đủ hình ảnh, màu sắc là điểm nhấn của Tam Hải, cổ vũ người dân có ý thức bảo vệ môi trường hơn.
Du khách cũng có thêm trải nghiệm, thêm góc chụp cho những bức ảnh kỷ niệm mang về. Bà Rachel Kwin (người Croatia) vui vẻ cho biết đến Tam Hải đã bị hút hồn bởi vẻ hoang sơ của biển cả dưới những rặng dừa tuyệt đẹp, sự thân thiện của người dân và các bức tranh vẽ khắp làng.
Vẻ đẹp của đá và san hô
Đến Tam Hải, nhiều du khách bất ngờ trước ghềnh đá Bàn Than nửa nổi nửa chìm với một "lớp áo" đen tuyền óng ả kỳ vĩ, đang được đề nghị công nhận công viên địa chất quốc gia. Ghềnh đá này có các dãy đá đen tuyền trải dài trên bờ cát, nhiều vách đá đen cao xếp chồng lên nhau, nhiều hình dáng. Đá dưới sự xâm thực của sóng biển và qua thời gian đã tạo nên hình thù lạ mắt, độc đáo. Tại ghềnh đá Bàn Than, du khách còn được khám phá nét đẹp của những rạn san hô dài quanh các ghềnh đá.
Không chỉ tại bãi Nồm có các tảng đá đen hình dáng tựa những thủy quái, chếch hướng nam có hai mỏm đá dài nhỏ nhô ra biển được dân gọi là Ông Đụn và Bà Che, gắn với sự tích về tình nghĩa vợ chồng và tình mẫu tử thiêng liêng. Giữa trưa, trên nền xanh nước biển nổi lên những vách đá sắc đen, đường nét kỳ lạ và những hồ nước trong veo lọt thỏm giữa các khe đá khiến cảnh quan thêm thơ mộng.
Trải nghiệm văn hóa sông nước
Về xứ đảo Tam Hải, giữa dòng nước trong xanh, bao la của biển cả, du khách sẽ được khám phá các nét độc đáo khác không thể có ở xứ miền biển. Những con thuyền, con đò sẽ chở du khách ngao du trên sông nước Trường Giang, đưa khách len lỏi qua những rừng dừa nước, rừng đước để tham quan, ngắm cảnh sông nước. Nếu có nhu cầu, du khách sẽ được phục vụ các loại thủy sản vùng nước lợ (giao lưu giữa sông và biển) như tôm, hàu, cá, ghẹ...
Ở Tam Hải, du khách có thể ghé chợ hay mua thủy hải sản từ tàu mới đánh bắt về tại nhiều thời điểm trong ngày với tôm hùm, ốc hương, cá, các loại ốc... bán theo ký. Sau đó, chỉ cần vài ngàn đồng/món, khách có thể thuê người nấu để ăn ngay.
Xã đảo Tam Hải biệt lập với đất liền bởi biển cả và sông Trường Giang nên không chỉ giữ nét hoang sơ của thiên nhiên mà còn có nét rất riêng trong đời sống, văn hóa ứng xử của người dân. Khách một lần đến Tam Hải có thể cảm nhận được trọn vẹn khung cảnh non nước hữu tình xứ Quảng và dễ có những trải nghiệm khó quên với đời sống miền quê sông nước.
Điểm đến chi phí thấp
Vé phà, đò hay thuyền từ đất liền qua lại Tam Hải chỉ 3.000-5.000 đồng/người, nếu đi ôtô qua phà là 50.000 đồng. Còn du khách muốn ở lại trọn ngày đêm để trải nghiệm hết những điều thú vị ở xã đảo này, đón hoàng hôn hay ngắm bình minh có thể thuê phòng nghỉ với giá 100.000-150.000 đồng/người/đêm.